28/07/2018 14:36
Đánh giá chi tiết Lenovo ThinkPad T480s: Siêu máy tính dành cho dân văn phòng
Lenovo ThinkPad là một trong những dòng máy tính xách tay lâu đời nhất trên thế giới với thiết kế tinh tế và hiệu suất làm việc khá tốt.
Mới đây, Lenovo tiếp tục giới thiệu dòng ThinkPad cao cấp nhất mang tên T480s, trang bị bộ vi xử lý thế hệ thứ 8 Intel Core i7 8550U, RAM 8GB, ổ cứng SSD dung lượng 256 GB và màn hình cảm ứng 14 inch. Với giá bán là 1700 USD, T480s được đánh giá là phù hợp với túi tiền của hầu hết dân văn phòng hiện tại.
Ảnh: Digitaltrends. |
Dưới đây là những đánh giá chi tiết về siêu laptop mới của Lenovo này.
Thiết kế
Xét một cách tổng thể, T480s không có quá nhiều điểm khác biệt so với các phiên bản tiền nhiệm khác, đặc biệt là so với “người em trai” T480. Vẫn là một màu đen bao phủ cùng với biểu tượng ThinkPad với dấu chấm đỏ trên chữ “I” kiêm luôn đèn thông báo trạng thái. Khi mở máy lên, người dùng sẽ nhận thấy một bàn phím có thiết kế quen thuộc, trackpoint màu đỏ hỗ trợ điều hướng đa chiều. Có thể nói, Lenovo đã tạo được sự khác biệt về ngoại hình so với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Surface Book 2, Dell XPS hay Macbook Pro.
Ảnh: Digitaltrends. |
Về mặt chất liệu, T480s được thiết kế khá chắc chắn và bền bỉ, đáp ứng tiêu chuẩn độ bền quân sự MIL-STD-810G. Khác với T480, T480s được Lenovo trang bị cho nắp máy bằng vật liệu Polumer gia cường sợi carbon (CFRP), thân và mặt sau được làm bằng magnesium.
So với dòng ThinkPad X1 Carbon, T480s có thiết kế dày hơn một chút, cụ thể là 0.73 inch (so với 0.62 inch) và trọng lượng 2.9 pound (so với 2.49 pound). Thiết kế này lớn hơn một chút so với XPS13 và dày hơn so với Matebook X Pro nhưng lại khá tương đồng với dòng Surface Book 2 của Microsoft.
Ảnh: Digitaltrends. |
Nhờ thiết kế dày hơn hầu hết các đối thủ khác nên ThinkPad T480s cải thiện được đáng kể khả năng kết nối ngoại vi. Với dòng sản phẩm mới này, Lenovo đã loại bỏ hoàn toàn những cổng kết nối cũ, thay vào đó là những cổng kết nối mới phù hợp với xu hướng hiện nay như 1 cổng USB-C, 1 cổng Thunderbolt 3, 2 cổng USB-A, tất cả đều hỗ trợ sạc.
Ngoài ra, Lenovo cũng tích hợp cổng HDMI, 1 cổng Ethernet và khe đọc thẻ nhớ SD cùng với giắc cắm tai nghe 3.5mm. Đó gần như là một bộ cổng kết nối đầy đủ cho hầu hết những nhu cầu của người sử dụng mà không cần phải mang theo bộ điều hợp mỗi khi di chuyển.
ThinkPad là dòng máy tính mang tính biểu tượng cao, dễ dàng nhận biết so với các thiết bị khác. Đầu tiên phải kể đến là bàn phím với kích thước tiêu chuẩn là 15 x 15 mm, key pitch 19 mm giữa tâm các phím mang lại sự thoải mái cho người dùng khi sử dụng trong một thời gian dài.
Hơn nữa, bàn phím của T480s có độ nảy cao và cảm giác gõ chân thật. Tuy nhiên, một nhược điểm của bàn phím này là phím điều hướng hơi nhỏ, khiến người dùng phải mất thời gian làm quen mới có thể sử dụng một cách chính xác.
Ảnh: Digitaltrends. |
Touchpad của T480s được đánh giá khá tốt, bề mặt phủ kính, hỗ trợ đa điểm với công nghệ Microsoft Touchpad, tạo cảm giác mượt mà, độ rít thấp. Hai phím chuột có độ nảy cao nhưng khá mềm, không bị lệch quá nhiều do bên dưới có cơ chế ổn định.
Với T480s, Lenovo đã khéo léo trang bị cảm biến vân tay bên ngoài touchpad. Tuy nhiên, người dùng sẽ cảm thấy tương đối khó chịu khi ô cảm biến vân tay khá nhỏ và đặt sâu dưới lớp vỏ. Mặc dù là cảm biến một chạm người dùng vẫn thường mất 2 lần chạm mới mở được máy và tốc độ đọc vân tay cũng khá chậm.
Chất lượng màn hình và âm thanh
Lenovo vẫn trung thành với kích cỡ màn hình 14 inch, phù hợp vẫn hầu hết những tác vụ cơ bản và dành cho dân văn phòng. Màn hình được trang bị công nghệ chống chói IPS có độ phân giải Full HD 1920x1080. Có thể nói đây là một bước lùi của T480s khi mà phiên bản thấp hơn T480 được trang bị màn hình có độ phân giải 2K.
Khả năng hiển thị màu sắc cũng khá thất vọng nếu so với những đối thủ cạnh tranh chính. Độ sáng màn hình chỉ đạt tối đa 240 nits, độ tương phản thấp 780:1, chỉ phù hợp với những công việc văn phòng không thể dùng để chỉnh sửa ảnh hay làm đồ họa. Có thể nói, nếu chỉ xét riêng về màn hình hiển thị, T480s không thể cạnh tranh nổi so với những dòng laptop cao cấp khác của Apple. Microsoft hay Dell.
Tuy nhiên, công nghệ âm thanh của chiếc laptop này lại được đánh giá khá tốt, chất lượng âm thanh đầu ra lớn, rõ ràng và rất đặc trưng đối với dòng máy dành cho doanh nhân khi dải mix rất tốt, treble cao nhưng lại không có bass. Nó hoàn toàn phù hợp với nhu cầu gọi video qua Fakebook hay Skype.
Hiệu năng và đồ họa
Ảnh: Digitaltrends. |
Là dòng sản phẩm cao cấp nhất của Lenovo nên đương nhiên Thinkpad T480s được trang bị bộ vi xử lý mới nhất Intel Core i7 -8550U thế hệ thứ 8, có thể xử lý mọi tác vụ từ đơn giản đến phức tạp mà không hề gặp chút rắc rối nào. Không quá khi nói, Thinkpad T480s đạt hiệu suất làm việc khá tuyệt vời. Trong một số những bài test hiệu xuất thì khả năng xử lý của T480s chậm hơn một chút so với Dell XPS 13 nhưng lại nhanh hơn so với MateBook X Pro.
Ngoài ra, Lenovo còn trang bị cho T480s ổ cứng SSD Samsung PM691 PCIe giúp thiết bị khởi động, mở ứng dụng hay truy cập vào những file có dung lượng lớn một cách nhanh chóng và không làm giảm tốc độ của laptop.
Về đồ họa, T480s được trang bị cạc đồ họa rời Nvidia GeForce MX150. Tuy nhiên ,đối với dân văn phòng cần tính di động cao thì việc trang bị đồ họa tích hợp sẵn trong máy sẽ mang lại nhiều thuận tiện hơn so với cạc đồ họa rời.
Pin
Giống như hầu hết các dòng laptop cao cấp khác, do thiết kế khá mỏng mà các hãng sản xuất không thể trang bị viên pin có dung lượng cao. Mặc dù không quá tệ, viên pin của T480s có thể kéo dài khoảng 4 tiếng sử dụng liên tục đối với những tác vụ nặng như chơi game. Thời lượng này thấp hơn Dell XPS 13 và khá cân bằng so với những đối thủ cạnh tranh khác.
Đối với thử nghiệm về trình duyệt web, Thinkpad T480s đạt kết quả tương đối tốt, khoảng 9 giờ sử dụng và đạt 11 giờ đối với tác vụ xem video. Kết quả này vô cùng ấn tượng khi so sánh với Dell XPS và Matebook X Pro và hoàn toàn đánh bại X1 Carbon.
Kết luận
Mặc dù vẻ ngoài không thay đổi nhiều vẫn đậm chất ThinkPad, nhưng thế hệ vi xử lý mới đã giúp T480s trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều, đáp ứng nhu cầu làm việc cao hơn với nhiều tác vụ hơn. Tuy nhiên, Lenovo vẫn cần phải tập trung cải thiện một số vấn đề trong thế hệ tiếp theo đặc biệt là khả năng hiển thị của màn hình và chất lượng cảm biến vân tay để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đối thủ trong cùng phân khúc.
Advertisement
Advertisement