Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đằng sau việc Tổng thống Putin bất ngờ cải tổ ban lãnh đạo nước Nga

Kinh tế thế giới

16/01/2020 11:14

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông báo toàn bộ chính phủ Liên bang Nga từ chức, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất thay đổi Hiến pháp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/1 đã khởi động cuộc cải tổ đầy bất ngờ đối với ban lãnh đạo nước này, đồng thời đề xuất những thay đổi Hiến pháp mà có thể giúp ông duy trì quyền lực cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.

Nhiều giờ sau khi ông Putin đưa ra những đề xuất thay đổi hiến pháp, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã từ chức và ông Putin đã đề cử người đứng đầu Cơ quan Thuế liên bang Nga Mikhail Mishustin làm thủ tướng mới của Nga. 

Tổng thống Putin vẫn giữ đồng minh lâu đời của mình là ông Medvedev trong cơ cấu ban lãnh đạo của Điện Kremlin bằng cách bổ nhiệm ông đảm nhiệm một vị trí mới được thành lập là Phó Giám đốc Hội đồng An ninh trực thuộc tổng thống.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ những nhiệm vụ và tầm ảnh hưởng của vị trí này như thế nào. Những thay đổi nói trên khiến giới tinh hoa chính trị của Nga hết sức bất ngờ khi họ không hiểu những ý định của Putin là gì, đồng thời làm dấy lên đồn đoán về những vị trí nội các mới được bổ nhiệm trong tương lai. 

Ông Putin đồng ý để Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từ chức.
Ông Putin đồng ý để Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từ chức.

Những cải cách hiến pháp mà ông Putin đề xuất, vốn được công bố trong thông điệp liên bang lần thứ 16, cho thấy ông đang tìm cách tạo ra một vị trí quản lý mới cho mình sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc, mặc dù những thay đổi được đề xuất này không bộc lộ rõ ngay lập tức cách ông sẽ thực hiện để duy trì quyền lực. Cựu điệp viên KGB 67 tuổi này, vốn dẫn dắt Nga trong hơn 20 năm qua, thường giữ kín ý định của mình cho đến phút chót. 

Bình luận trên mạng xã hội Twitter, ông Alexei Navalny - thủ lĩnh phe đối lập nổi bật nhất của Nga - cho rằng thông điệp liên bang của Tổng thống Putin rõ ràng thể hiện mong muốn của ông tiếp tục là người "cầm trịch" sau khi hết nhiệm kỳ. Theo Navalny, mục tiêu duy nhất của Putin và chế độ của ông là tại nhiệm suốt đời, coi toàn bộ đất nước là tài sản cá nhân và thâu tóm giới giàu có trong vòng kiểm soát của mình.

Nhà phân tích độc lập Masha Lipman chia sẻ với hãng tin AP: "Mục tiêu đối với chế độ là giữ vững ổn định, còn đối với Putin là duy trì quyền lực và vẫn là một chính trị gia quan trọng nhất của Nga, một người ra quyết định cuối cùng và một nhà lãnh đạo không thể bị thách thức như ông đã làm trong 20 năm qua".

Hạ viện Nga sẽ thông qua việc đề cử ông Mikhail Mishustin làm thủ tướng Nga, thay thế ông Medvedev, người đã nắm cương vị này trong 8 năm qua. Mặc dù nổi danh là người có công hiện đại hóa hệ thống thuế quan của Nga, song ông Mishustin không có kinh nghiệm chính trị.

Đây là lần thứ 3 trong thời đại Putin diễn ra việc thay đổi ban lãnh đạo chủ chốt một cách bất ngờ từ vị trí chóp bu. Lần đầu tiên là việc Putin lên nắm quyền khi ông trở thành quyền tổng thống sau khi Boris Yeltsin bất ngờ từ chức năm 1999. Lần thứ hai là vào năm 2007, khi nhiệm kỳ tổng thống của Putin sắp kết thúc, ông đã bổ nhiệm Medvedev thay thế mình, còn ông trở thành thủ tướng, một động thái mà giới chỉ trích miêu tả là sự "soán ngôi" để không phải tiến hành bầu cử.

Dưới thời Medvedev, Hiến pháp đã được sửa đổi để kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống từ 4 năm lên 6 năm mặc dù vẫn giới hạn tổng thống chỉ nắm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Putin cho rằng việc sửa đổi hiến pháp lần này nhằm cho phép giới nghị sĩ đề cử cương vị thủ tướng và thành phần nội các.

Tổng thống hiện có quyền thực hiện những bổ nhiệm này. Vì vậy, Putin giải thích với giới chức hàng đầu và nghị sĩ rằng việc này sẽ giúp tăng cường vai trò của Quốc hội và các đảng chính trị, quyền lực và sự độc lập của thủ tướng và các thành viên nội các.

Thủ tướng mới của Nga có phải là nước cờ của ông Putin?
Thủ tướng mới của Nga có phải là nước cờ của ông Putin?

Ông Putin cũng cho rằng Nga sẽ vẫn duy trì sự ổn định nếu được quản lý bởi một hệ thống nghị viện. Putin cũng nói rằng tổng thống sẽ vẫn có quyền sa thải thủ tướng, các bộ trưởng và chỉ định những quan chức an ninh và quốc phòng, cũng như chịu trách nhiệm điều hành quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật của Nga.

Putin nhấn mạnh những thay đổi hiến pháp cần được trải qua một cuộc bỏ phiếu toàn quốc. Putin đã tại nhiệm lâu hơn bất kỳ lãnh đạo nào của Nga hay Liên Xô kể từ khi Josef Stalin, người lãnh đạo Nga từ năm 1924 cho đến năm 1953.

Theo luật hiện hành, Putin phải từ chức vào năm 2024 sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Giới phân tích đồn đoán rằng Putin có thể tìm cách tại nhiệm bằng cách hoán đổi vị trí thủ tướng một lần nữa sau khi gia tăng sức mạnh của Quốc hội và nội các cũng như giảm bớt quyền lực của tổng thống.

Nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin cho rằng thông điệp liên bang của Putin cho thấy rõ ông đang cân nhắc việc đảm nhiệm vai trò thủ tướng. Theo nhà phân tích này, Putin đang đi theo hướng duy trì quyền lực của ông với tư cách là một thủ tướng có tầm ảnh hưởng và sức mạnh lớn hơn, còn vị trí tổng thống sẽ chỉ mang tính "trang trí".

Trong thông điệp liên bang, Putin nói rằng hiến pháp cũng cần quy định rõ quyền lực của Hội đồng Nhà nước, vốn bao gồm các thống đốc khu vực và các giới chức liên bang hàng đầu. Theo nhận định của Tatiana Stanovaya, thuộc trung tâm Carnegie Moscow, dường như Putin có thể tiếp tục đóng vai trò "giật dây" với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước và thậm chí có thể chuyển sang một vị trí mới trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Nhà phân tích chính trị Kirill Rogov cho rằng Putin có ý định duy trì quyền lực, đồng thời tái phân phối quyền lực giữa các nhánh chính phủ khác nhau. Một mô hình như vậy, vốn giống với mô hình của Trung Quốc, sẽ cho phép Putin nắm vai trò lãnh đạo đến suốt đời, đồng thời kích động sự ganh đua giữa những người kế nhiệm tiềm năng. 

Trong thời kỳ Medvedev giữ cương vị tổng thống Nga, ông Putin vẫn là người ra quyết định chính. Khi Medvedev từ chức để tạo điều kiện cho Putin quay lại vị trí tổng thống, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra ở Moskva từ năm 2011-2012, tạo ra thách thức không nhỏ đối với Điện Kremlin. Một số cộng sự của Putin cho rằng các trợ lý của ông Medvedev đã kích động các cuộc biểu tình này.

MINH TUẤN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement