30/05/2021 22:32
Đằng sau cơn sốt nóng của cổ phiếu ngân hàng
Cùng với quá trình bứt tốc về giá, khối lượng giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng cũng được đẩy lên nhanh trong thời gian gần đây. Đây là điều mà các nhà đầu tư cá nhân cần hết sức lưu ý để tránh phải nhận quả ‘bong bóng giá’ đã được bơm căng từ phía những ‘cá mập’ tài chính trên thị trường.
Đối với nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam, trong vài tháng trở lại đây tâm điểm chú ý được hướng tới nhóm cổ phiếu vua - cổ phiếu ngân hàng.
Trong những giai đoạn thăng hoa của thị trường, nhóm cổ phiếu này là nguồn cảm hứng chắp cánh cho sự bay cao của chỉ số. Ngược lại, trong những phiên nhóm ngành này chìm trong sắc đỏ thì chính nó là nhân tố chủ đạo góp phần làm cho thị trường giảm sâu hơn.
Lý do là bởi số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường của khối này tỏ rõ sự vượt trội so với các nhóm ngành khác. Vì thế, tỷ lệ vốn hóa của nhóm ngành này trong cả rổ chỉ số VN-Index và VN30 đều cao, nhất là trong nhóm VN30, bởi có tới 9 cổ phiếu ngân hàng nằm trong rổ này.
Chỉ tính riêng 9 ngân hàng thuộc nhóm VN30 và ngân hàng ACB, SHB trong thống kê ở bảng trên thì số lượng cổ phiếu lưu hành của 11 ngân hàng này đã lên tới gần gần 30 tỷ đơn vị. Theo đó có 4 ngân hàng có số lượng cổ phiếu lưu hành ở mức trên 3 tỷ đơn vị.
Trong số này chỉ có một ngân hàng tư nhân duy nhất (Techcombank) có số lượng cổ phiếu lưu hành đạt 3,5 tỷ đơn vị. Ngân hàng có số cổ phiếu lưu hành thấp nhất trong nhóm trên là TPBank với hơn 1 tỷ đơn vị.
Thống kê cho thấy, tính tới hết phiên giao dịch ngày 27/5/2021, cổ phiếu TCB của ngân hàng Techcombank có chuỗi ngày tăng điểm dài nhất kể từ phiên giao dịch ngày 14/10/2020 với khối lượng bùng nổ lên tới gần 75 triệu cổ phiếu.
Từ thời điểm đó cho tới hết ngày 27/5, đã có gần 3 tỷ cổ phiếu được các nhà đầu tư giao dịch. Tính ra, khối lượng giao dịch trung bình của cổ phiếu này đạt trên 19 triệu cổ phiếu/phiên. Giá của cổ phiếu TCB cũng đã tăng tới 138% trong thời gian này.
Xếp sau TCB là cổ phiếu STB của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Trong chuỗi 40 phiên tăng điểm gần đây nhất, tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu này cũng lên tới 1,9 tỷ đơn vị.
Tuy đứng sau TCB về khối lượng giao dịch trong chuỗi ngày tăng điểm, nhưng trong chuỗi ngày tăng điểm gần nhất của mình thì cổ phiếu STB lại có khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên ở mức cao nhất, đạt gần 46,6 triệu đơn vị. Giá của cổ phiếu này cũng đã tăng gần 60% trong quãng thời gian này.
Cổ phiếu SHB của ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội đứng thứ 3 trong ‘bảng xếp hạng’ cổ phiếu quốc dân. Kể từ khi bắt đầu vào quá trình bứt phá về giá hôm 11/3, tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu này đã đạt gần 1,25 tỷ đơn vị. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của cổ phiếu này cũng đạt gần 30 triệu đơn vị. Cổ phiếu này cũng đã tăng giá gần gấp đôi trong giai đoạn này.
Thú vị nhất là cổ phiếu VPB. Kể từ khi bắt đầu vào chuỗi ngày tăng tốc hôm 22/4, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của cổ phiếu VPB thuộc hàng Top của nhóm ngân hàng với hơn 31 triệu đơn vị. Trong 24 phiên ‘bứt tốc’ gần đây nhất, cổ phiếu này đã tăng gần 37%.
Ngân hàng ACB cũng đã có chuỗi 3 tháng tăng điểm ấn tượng lên tới 67 phiên, không kể phiên giao dịch ngày 28/5. Trong khoảng thời gian này khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của mã này đứng ở mức hơn 12 triệu đơn vị, trong đó phiên bùng nổ có khối lượng đạt hơn 12 triệu đơn vị. Giá của cổ phiếu ACB cũng đã tăng gần 32% trong khoảng thời gian này.
Mặc dù có mức độ tăng giá tương đương với ACB nhưng cổ phiếu TPB của ngân hàng Tiên Phong lại chỉ cần có 19 phiên giao dịch để bứt tốc về giá. Với 9,7 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên trong quá trình này, giá cổ phiếu TPB đã được đẩy lên tới 28%.
Trong nhóm 3 ông lớn nhà nước nổi trội nhất là cổ phiếu CTG của ngân hàng Viettinbank. Trong chuỗi 18 phiên tăng điểm gần đây nhất của cổ phiếu này, khối lượng giao dịch trung bình/phiên của CTG đạt 20,5 triệu cổ phiếu. Giá của CTG tính đến hết ngày 27/5 đã tăng 25%.
"Anh cả" VCB lại có màn trình diễn tệ nhất. Trong khi các mã ngân hàng khác thăng hoa trong một thời gian dài thì kể từ khi có phiên giao dịch bùng nổ lên tới hơn 6 triệu cổ phiếu vào hôm 20/4 vừa qua, cổ phiếu này đã đi vào giai đoạn điều chỉnh và chỉ mới mon men trở lại đường đua trong những phiên gần đây. Tính ra, trong giai đoạn từ 20/4 tới 27/5 giá cổ phiếu VCB của Vietcombank giảm 1%.
Theo quan sát, VCB là trụ đỡ của thị trường nên khi các cổ phiếu ngân hàng khác trong rổ VN30 tăng mạnh thì cổ phiếu này chỉ tăng giá rất ít, thậm chí giảm giá, để kiềm chế bớt đà tăng của chỉ số. Nhiều phiên khi đa phần cổ phiếu trong VN30 giảm giá thì VCB lại là một trong những trụ đỡ, giúp giảm đà tăng của thị trường.
Theo giới phân tích chứng khoán, khi thị trường tiếp cận tới vùng đỉnh, nhà đầu tư cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng khi đầu tư vào những cổ phiếu đã tăng giá quá cao, đi kèm với khối lượng giao dịch gia tăng trong nhiều phiên liên tiếp. Đây là dấu hiệu cho thấy những nhà đầu tư lớn đang trong quá trình chuyền quả bong bóng đã căng phồng sang phía nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp