23/02/2021 10:46
Đài Loan dự báo tăng trưởng 4,64% trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu
Nền kinh tế Đài Loan được dự báo sẽ tăng trưởng 4,64% trong năm nay, so với dự báo 3,83% được đưa ra vào cuối năm ngoái. Đây sẽ là mức nhanh nhất kể từ năm 2014, chính quyền Đài Loan cho biết, theo CNBC.
Đài Loan đã nâng cấp dự báo tăng trưởng cho năm 2021, dự đoán nền kinh tế năm nay vùng lãnh thổ sẽ phát triển với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm qua.
Tình trạng khan hiếm chất bán dẫn trên toàn cầu sẽ là cơ hội để Đài Loan tăng cường xuất khẩu.
Theo dữ liệu từ Cục thống kê Đài Loan, tổng sản phẩm quốc nội của Đài Loan có thể sẽ tăng 4,64% trong năm nay, so với dự báo 3,83% được đưa ra vào cuối năm ngoái.
Chính quyền cũng nâng mức mở rộng GDP quý IV lên 5,09% và điều chỉnh ước tính tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 từ mức 4,59% lên 9,58%.
Nền kinh tế Bắc Á tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á vào năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 tấn công nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đài Loan cũng tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc lần đầu tiên sau 30 năm.
Gary Ng, nhà kinh tế học tại ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, cho biết nền kinh tế Đài Loan đang ở trong một ”điểm ngọt” về nhu cầu rất mạnh đối với các sản phẩm công nghệ trên toàn cầu, cũng như việc ngăn chặn tương đối thành công đại dịch COVID-19 trong năm vừa qua.
“Về mặt bên ngoài, chắc chắn chất bán dẫn thực sự là tâm điểm chú ý”, ông Ng nói trên chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC hôm 22/2, ông cũng lưu ý rằng các sản phẩm công nghệ chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan.
Tăng mạnh nhưng khó có thể vượt qua Trung Quốc
"Ngoài xuất khẩu, nhu cầu nội địa của Đài Loan cũng tăng hơn so với nhiều nền kinh tế khác," ông Ng nói.
"Mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với tiêu dùng đã được hạn chế - nhờ vào việc ngăn chặn sớm sự lây lan của đại dịch COVID-19, trong khi các kế hoạch của chính phủ đã giúp khuyến khích các công ty đầu tư," nhà kinh tế này nói thêm.
Triển vọng kinh tế của Đài Loan được củng cố nhờ việc xử lý thành công đại dịch COVID-19.
Với dân số hơn 23 triệu người, Hòn đảo ghi nhận 942 ca nhiễm kể từ khi dịch bùng phát và 9 ca tử vong tính đến 21/2, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan.
Nhờ vậy, Đài Loan tránh được những đợt phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới tê liệt. Trừ vài trường hợp ngoại lệ, hầu hết các doanh nghiệp, văn phòng, trường học ở Đài Loan vẫn mở cửa bình thường.
Nhà kinh tế Gary Ng nhận định: “Nếu chúng ta kết hợp tất cả các yếu tố này lại với nhau, chúng ta thực sự thấy rằng điều này đã hỗ trợ Đài Loan trở thành con át chủ bài cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2020. Và tôi nghĩ rằng chúng ta dự kiến sẽ có nhiều bất ngờ về cơ bản hơn vào năm 2021.”
Nhưng sự tăng trưởng của Đài Loan không có khả năng vượt qua Trung Quốc một lần nữa, theo ông Ng.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên 8,1% trong năm so với mức tăng 2,3% của năm ngoái.
Trước đó, tổ chức tài chính đa phương này đã dự báo kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 8,2% trong năm nay.
Trong báo cáo, IMF nhận định nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới tiếp tục phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 nhờ các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ và các hành động chính sách kịp thời nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ để bảo vệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, đồng thời đảm bảo sự ổn định tài chính, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, theo IMF, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, Trung Quốc cần thay thế các biện pháp hỗ trợ tạm thời bằng các chính sách xử lý các khoản vay có vấn đề cũng như tăng cường khuôn khổ quản lý và giám sát.
Tổ chức này cũng lưu ý tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chưa đồng đều khi đà phục hồi chủ yếu dựa vào hỗ trợ công trong khi tiêu dùng cá nhân đang chững lại.
Trước đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố ngày 5/1, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay là 7,9%.
Advertisement
Advertisement