08/04/2021 16:12
Đài Loan bùng nổ bất động sản sau một năm chính quyền Mỹ trừng phạt Huawei
Tiền lương công nhân và lợi nhuận doanh nghiệp liên tục ‘chảy' vào nền kinh tế Đài Loan, tạo nên sự bùng nổ bất động sản tại hòn đảo này.
Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ công bố vào tháng 5/2020 đối với Huawei đã thay đổi chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, theo những cách không ai ngờ tới. Hàng loạt đơn đặt hàng làm giàu cho các xưởng đúc chip của Đài Loan giúp thay đổi cảnh quan của hòn đảo một cách chóng mặt.
Có thể thấy rõ sự bùng nổ ở Tân Trúc, nơi hãng bán dẫn Đài Loan đặt trụ sở chính. Ở đó, thành công của công ty đã thúc đẩy làn sóng mua nhà cao cấp của người dân.
Một đại lý bất động sản địa phương cho biết: "Khi chúng tôi bắt đầu nhận đơn đặt hàng căn hộ cao cấp vào ngày hôm trước, chúng tôi đã bán hết trong vòng ba ngày. Việc xây dựng thậm chí còn chưa bắt đầu."
Nằm trên bờ biển phía tây bắc của Đài Loan, Tân Trúc từng là một thành phố tương đối yên tĩnh so với sự hối hả và nhộn nhịp ở Đài Bắc của hòn đảo. Tuy nhiên, "mọi thứ bắt đầu thay đổi vào tháng 6 năm ngoái", một người đàn ông địa phương 40 tuổi cho biết và nhấn mạnh rằng giá căn hộ gần như ngay lập tức tăng vọt.
Ngay sau khi Hoa Kỳ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei, công ty Trung Quốc rơi vào trạng thái tuyệt vọng và đã nhanh chóng đặt hàng mua thêm chip của TSMC với số lượng lớn nhất có thể, trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Nhờ vậy, TSMC đã có một khoảng thời gian không thể bận rộn hơn, các nhân viên của công ty đã nhận được những khoản tiền thưởng hậu hĩnh nhờ theo kịp nhu cầu tăng cao.
Nhiều người trong số họ có thể đã dành khoản tiền thưởng này vào việc mua nhà.
Một khu phố gần đường Costco ở địa phương này - toạ lạc gần trụ sở TSMC - đã trở nên nổi tiếng theo cách đặc biệt. Các căn hộ có giá khoảng 1 triệu Đài tệ vẫn đang được đặt mua với tốc độ chóng mặt, chủ yếu là bởi các nhân viên của TSMC.
"Thậm chí có một khách hàng đã mua đến 20 căn hộ một lúc," một nguồn tin nội bộ của công ty cho hay.
Thế giới tiếp tục hướng về các công ty Đài Loan, trong đó có TSMC, sau khi cơn bão tuyết ở Texas vào tháng Hai năm nay đã buộc nhà máy của Samsung phải tạm ngừng sản xuất. Một vụ cháy khác tại nhà máy Renesas Electronics của Nhật Bản vào tháng Ba càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip.
Các nhà máy bán dẫn ở đây đã hoạt động hết công suất. Tại một sự kiện trong ngành công nghiệp diễn ra vào cuối tháng Ba, Chủ tịch TSMC Mark Liu cảnh báo các công ty toàn cầu không nên đánh giá quá cao năng lực của các nhà sản xuất chip Đài Loan.
TSMC đang xây dựng một cơ sở mới rộng lớn ở thành phố Đài Nam phía nam, ở đầu kia của hòn đảo nếu so với trụ sở Tân Trúc.
Năm ngoái, cơ sở này đã bắt đầu sản xuất những con chip cao cấp nhất được cung cấp riêng cho Apple để sử dụng trên dòng sản phẩm iPhone 12 của hãng, và bất kỳ sự gián đoạn sản xuất nào ở đó đều có thể dẫn đến sự gián đoạn trên diện rộng đối với nền kinh tế toàn cầu. TSMC đã tăng cường an ninh cho cơ sở và khu vực này "giờ đây đã khác hoàn toàn", một nguồn tin từ một nhà cung cấp cho biết.
TSMC được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy những thay đổi ở Đài Loan. Sau khi ghi nhận lợi nhuận ròng 518 tỷ Đài tệ (khoảng 17,6 tỷ USD) trên doanh thu 1,34 nghìn tỷ Đài tệ vào năm 2020, công ty đang chuẩn bị thuê thêm 9.000 nhân viên trong năm nay và chi 100 tỷ USD trong ba năm tới cho một chiến lược đầu tư lớn.
Trước đó, nhà cung cấp chip cho Apple đang bắt đầu triển khai một bước đi táo bạo: chế tạo chip 3 nanomet vào nửa cuối năm nay. Dựa trên xưởng đúc có khả năng sản xuất 30.000 tấm wafer hàng tháng bằng công nghệ tiên tiến hơn.
Theo MacRumors, TSMC được cho là có kế hoạch mở rộng công suất của quy trình 3nm lên 55.000 đơn vị mỗi tháng vào năm 2022, nhờ cam kết đặt hàng của Apple. Sau đó sẽ mở rộng quy mô lên 105.000 đơn vị vào năm 2023. Quy trình 3nm sẽ giúp cải thiện khả năng tiết kiệm điện thêm 30% và hiệu suất tốt hơn 15% so với quy trình 5nm.
TSMC cũng có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất quy trình 5nm trong suốt cả năm nay để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các khách hàng lớn. Theo báo cáo mới nhất, TSMC đặt mục tiêu sản xuất 105.000 tấm wafer mỗi tháng trong nửa đầu năm 2021, tăng so với mức 90.000 chiếc của quý 4/2020, có kế hoạch mở rộng công suất lên 120.000 vào nửa cuối năm nay.
Công suất của dây chuyền sản xuất 5nm của TSMC dự kiến sẽ đạt 160.000 tấm wafer mỗi tháng vào năm 2024. Ngoài Apple, các khách hàng lớn khác sử dụng quy trình sản xuất 5nm của TSMC bao gồm AMD, MediaTek, Xilinx, Marvell, Broadcom và Qualcomm.
Các đơn đặt hàng chip 5nm của Apple đối với TSMC vẫn được duy trì tương đối ổn định, nhờ Apple tiếp tục đặt hàng sản xuất những con chip máy tính M1 được thiết kế dựa trên kiến trúc ARM, cùng nhu cầu đang tăng cao đối với dòng sản phẩm iPad Air sử dụng chip A14 BIonic.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp