31/01/2020 18:32
Đại dịch virus corona thổi bùng tâm lý kỳ thị Trung Quốc trên toàn cầu
Nỗi sợ virus corona lan khắp toàn cầu cũng làm bùng lên tâm lý bài ngoại, đôi lúc không tương xứng với nguy cơ thực tế, theo New York Times.
Ở Nhật Bản, hashtag #ChineseDon’tComeToJapan (Người Trung Quốcđừng đến Nhật Bản) đã trở thành xu hướng trên Twitter. Ở Singapore, hàng chục nghìn người ký đề xuất cấm người Trung Quốc nhập cảnh.
Ở Hong Kong, Hàn Quốc, đã có những cửa hàng dán giấy bên ngoài và nói khách Trung Quốc không được chào đón.
Ở Pháp, trang nhất một tờ báo đặt tít “Yellow Alert” (“Báo động Vàng”, màu vàng vừa là mức báo động vừa có ý kỳ thị người da vàng). Ở ngoại ô Toronto, các phụ huynh yêu cầu trường cho nghỉ học 17 ngày đối với một em nhỏ vừa trở về từ Trung Quốc.
Người Hàn Quốc biểu tình kêu gọi cấm du khách Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Những phản ứng có cơ sở
Đại dịch virus corona, đã làm tử vong 213 người và có 9.692 ca nhiễm (tính đến sáng 31/1) tạo ra những nỗi lo sợ trên toàn cầu, và trong một số trường hợp dẫn đến tâm lý chống Trung Quốc không giấu giếm.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ tối 30/1 khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc vì dịch bùng phát, chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Trong bối cảnh sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc khiến nhiều láng giềng ở châu Á cũng như các cường quốc phương Tây lo ngại, dịch virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán đang thổi bùng lên sự e dè, kỳ thị ẩn giấu ở các nước đối với người Trung Quốc đại lục, New York Times bình luận.
“Một phần của sự bài ngoại có thể bắt nguồn từ những căng thẳng, lo lắng về chính trị, kinh tế từ Trung Quốc, điều đó trộn lẫn với nỗi sợ trước mắt về lây bệnh”, Kristi Govella, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii, nói với New York Times.
Tất nhiên, nhiều đối sách để ứng phó với đại dịch là sự tính toán có cơ sở, dựa vào nguy cơ lây lan virus. Chẳng hạn, các hãng hàng không hủy chuyến bay tới Vũ Hán - tâm điểm của dịch bệnh - và một số thành phố khác. Hay các hội nghị đề nghị đại biểu Trung Quốc không tham dự.
Cuối ngày 30/1, thủ tướng Italy nói Rome đã dừng mọi chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc. Các nước như Malaysia, Philippines và Nga đã dừng cấp một số loại visa cho du khách đến từ tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán, hoặc du khách đến từ Trung Quốc nói chung.
“Tôi nghĩ đến lúc đặt biển tạm thời ‘Cấm vào’ đối với khách đến từ Trung Quốc”, Ralph Recto, một nghị sĩ ở Philippines, phát biểu.
Người dân Bangkok đang tránh những siêu thị có nhiều du khách Trung Quốc. Một văn phòng thẩm mỹ ở quận Gangnam giàu có của thủ đô Seoul, Hàn Quốc, hướng dẫn nhân viên chỉ nhận khách Trung Quốc nếu họ chứng minh được là đã ở Hàn Quốc hơn 14 ngày - khoảng thời gian ủ bệnh của virus corona.
“Tôi không nghĩ nỗi sợ đó đến từ sự kỳ thị”, Yaeko Suenaga, 70 tuổi, phục vụ một nhà hàng sushi có 90% khách Trung Quốc ở Tokyo, nói.“Đây là nỗi lo chính đáng của việc bị lây loại virus có thể dẫn đến chết người”.
Nhà hàng của bà Suenaga vẫn phục vụ khách Trung Quốc, nhưng yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang.
Du khách Trung Quốc ở Bangkok ngày 30/1. Ảnh: Reuters. |
Chạm ranh giới sự bài ngoại
Tuy nhiên, một số phản ứng gây tranh cãi khi ranh giới giữa nỗi sợ chính đáng hay sự kỳ thị không còn rõ ràng, chẳng hạn như tiệm bánh dán biển “không phục vụ khách Trung Quốc” hay khách sạn từ chối nhận khách Trung Quốc.
Chuỗi nhà hàng Kwong Wing ở Hong Kong tuyên bố trên Facebook ngày 29/1 rằng sẽ chỉ phục vụ khách nói tiếng Anh hoặc tiếng Quảng - ngôn ngữ chính của người Hong Kong, khác với tiếng Quan Thoại (phổ thông) ở đại lục.
Các chuyên gia y tế cộng đồng hiểu được những phản ứng này. “Theo cách nào đó, đây là phản ứng tự nhiên, muốn cách xa khỏi nguồn gốc có thể của bệnh, đặc biệt là khi chưa có thuốc chữa”, Karen Eggleston, Giám đốc chương trình chính sách y tế châu Á của Đại học Stanford, nói.
Một số ví dụ khác trên mạng xã hội hay báo chí đã thực sự vượt quá giới hạn.
Ở Australia, tờ Herald Sun của tỷ phú Murdoch, đăng chữ “China Virus Panda-monium” trên hình khẩu trang màu đỏ (cách viết lái của từ “pandemonium” có nghĩa “đại dịch”, nhưng mỉa mai từ “panda” tức loài gấu trúc biểu tượng của Trung Quốc).
Hơn 46.000 người trong cộng đồng gốc Hoa ở Australia ký vào thư lên án cụm từ trên là “phân biệt chủng tộc không thể chấp nhận”.
Một tờ thông báo bên ngoài tiệm làm móng, nói không nhận khách Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tờ báo ở vùng phía bắc Pháp Le Courrier Picard cũng gây phẫn nộ khi giật tít “Yellow Alert” (“Báo động Vàng”, màu vàng vừa là một mức báo động cũng có ý kỳ thị người da vàng). Sau đó, tờ báo này phải xin lỗi.
Trên Twitter ở Nhật Bản, nơi mà tâm lý e ngại du khách Trung Quốc đã có từ lâu, cư dân mạng bình luận về người Trung Quốc bằng những từ như “dơ bẩn”, “bất lịch sự” và “khủng bố sinh học”.
Kỳ thị nhắm vào người châu Á nói chung
Những người châu Á nước khác, hoặc công dân phương Tây gốc châu Á, cũng bị cuốn vào vòng xoáy của sự phân biệt. Ở Pháp, một phụ nữ Việt Nam nói với tờ Le Monde rằng cô đã bị một tài xế xúc phạm. Tài xế này hét lên “giữ lấy virus đi, người Trung Quốc dơ bẩn”, và “cô không được chào đón ở Pháp”, rồi lái xe qua vũng nước, khiến nước bắn lên người cô.
Ở Australia, Andy Miao, 24 tuổi, một người Australia gốc Hoa vừa trở về từ Trung Quốc, nói hành khách trên phương tiện công cộng nhìn anh rất lạ nếu anh không đeo khẩu trang.
Người Trung Quốc và châu Á nói chung cũng bị kỳ thị tương tự trong đợt dịch SARS năm 2003, nhưng hiện nay, số người Trung Quốc du lịch ra nước ngoài đã tăng lên rất nhiều.
Việc Trung Quốc phong tỏa hàng chục triệu người với mong muốn kiềm chế virus cũng có thể đã khiến các chính quyền nước khác phản ứng mạnh hơn, theo Koichi Nakano, giáo sư chính trị ở Đại học Sophia ở Tokyo.
“Việc chính quyền Trung Quốc đối xử với người dân nước mình như vậy có thể theo cách nào đó đã khuyến khích người dân hay chính phủ các nước khác cũng mạnh tay tương tự”, ông Nakano nói.
Du khách Trung Quốc ở Sydney, Australia, năm 2019. Ảnh: New York Times. |
Một số nơi đang cố gắng giảm nỗi sợ hãi này. Ở Toronto, Canada, các chính khách và quan chức trường học, cộng đồng lên tiếng kêu gọi không lặp lại sự kỳ thị đã bao trùm thành phố vào năm 2003, khi dịch SARS làm 44 người ở đây tử vong.
Dù Indonesia đã tạm dừng các chuyến bay tới Vũ Hán, Thống đốc Irwan Prayitno của vùng West Sumatra từ chối cấm toàn bộ khách Trung Quốc như các tổ chức dân sự kêu gọi. Ngày 26/1, ông ra sân bay chào đón 174 du khách đại lục đến từ thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc.
Ở quận mua sắm Ginza vốn đông khách Trung Quốc của Tokyo, Michiko Kubota, chủ một tiệm thời trang nhỏ, nói cô hy vọng chính phủ Nhật sẽ làm nhiều hơn để giúp Trung Quốc, như gửi khẩu trang hay thiết bị y tế.
“Nhật Bản và Trung Quốc có những lúc chỉ trích nhau, nhưng sự tử tế là ở hai phía”, cô Kubota nói. “Tôi hy vọng chúng ta có thể làm nhiều hơn để xua tan nỗi sợ ở Trung Quốc”.
Tag:
# người trung quốc bị kỳ thị cấm người trung quốc vì virus corona đại dịch virus corona tình hình lây lan virus corona virus corona là gì phòng virus corona tất tần tật về virus corona bí ẩn về virus corona phòng tránh virus corona nhiễm virus corona biểu hiện gì virus corona ở Việt Nam đội phản ứng nhanh virus corona số người chết vì virus corona khẩu trang phòng virus corona cẩm nang 10 câu hỏi về virus coronaChủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp