18/12/2020 18:13
Đại dịch COVID-19 đi qua, hàng không là ngành hồi phục nhanh nhất
Ngành hàng không ước tính thiệt hại gần 118,5 tỷ USD trong năm 2020 và 38,7 tỷ USD trong năm 2021. Song, cũng là một trong những ngành phục hồi nhanh nhất sau dịch.
Dữ liệu của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy lượng hành khách vận chuyển của ngành Vận tải hành khách trong 11 tháng năm 2020 chỉ đạt 3.216 triệu lượt người, tương đương 70,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tình trạng sụt giảm hành khách xảy ra đối với tất cả các loại hình vận tải, trong đó vận tải hàng không có mức sụt giảm nhiều nhất.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), COVID-19 được cho là cú sốc lớn nhất đối với vận tải hàng không kể từ Thế chiến thứ 2, gây ra mức suy giảm kỷ lục về lượng hành khách luân chuyển toàn cầu (66%). Lượng hành khách năm 2020 sụt giảm 60,5%, doanh thu giảm còn 191 tỷ USD, chưa bằng 1/3 so với doanh thu năm 2019. Ngành hàng không ước tính thiệt hại gần 118,5 tỷ USD trong năm 2020 và 38,7 tỷ USD trong năm 2021.
Dù thiệt hại nặng nề, nhưng hàng không là ngành hồi phục nhanh nhất sau dịch. Ảnh: Báo Giao thông |
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của COVID-19, nhưng tại Việt Nam, hàng không cũng là lĩnh vực phục hồi nhanh nhất khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 4. Mặc dù thị trường quốc tế vẫn đóng cửa, tăng trưởng nhanh từ thị trường nội địa giai đoạn tháng 5 đến cuối tháng 7, do trùng với cao điểm du lịch hè, đã khiến các hãng có dòng tiền luân chuyển trở lại.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 10 tháng đầu 2020, lượng hành khách thông qua cảng hàng không đạt 52,8 triệu lượt khách, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 7,1 triệu lượt khách, giảm 79,4% so với cùng kỳ năm 2019, khách nội địa đạt 45,7 triệu lượt khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, IATA dự báo tình hình vận tải hàng không năm 2021 sẽ cải thiện, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021. Dòng tiền của hàng không sẽ dương trở lại vào quý IV/2021, nhờ việc các hãng cắt giảm chi phí cùng nhu cầu gia tăng do mở cửa trở lại biên giới và vaccine COVID-19 đã đưa vào sử dụng.
IATA lưu ý những nỗ lực kích cầu bằng việc các hãng đưa ra chính sách ưu đãi cũng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, và phải phụ thuộc rất lớn vào tâm lý hành khách nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Ngành hàng không nói riêng và cả hoạt động vận tải hành khách nói chung sẽ cần từ 3-5 năm để có thể phục hồi như trước đại dịch.
Ở một khía cạnh khác, các hãng hàng không đã có dấu hiệu phục hồi vào đầu quý IV/2020, mặc dù còn yếu ớt. Việc phục hồi thấy rõ qua vận tải hàng hóa qua đường hàng không chứ không phải vận tải hành khách.
COVID-19 thổi bay hàng ngàn tỷ đồng của các hãng hàng không, gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Ảnh: VNA |
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, ngoài vận tải hàng hóa, các hãng hàng không thông qua những chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về nước, chở vật tư y tế tới các vùng dịch.
Vietnam Airlines đã nhanh chóng đưa vào sử dụng 12 máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 để chuyên chở hàng hóa thuần túy. Vietjet Air cũng tập trung đã mở dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Tính đến giữa tháng 4, mỗi ngày hãng thực hiện khoảng 10 chuyến bay vận chuyển hàng hóa. Ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hãng đã tập trung khai thác thị trường nội địa thông qua việc mở hàng loạt đường bay mới kết nối các điểm du lịch trong nước.
Các hãng hàng không cũng liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi chưa từng có như đổi vé, giảm giá, nâng hạng vé, voucher combo du lịch nghỉ dưỡng, tặng kèm gói bảo hiểm COVID-19… nhằm thu hút khách hàng.
Vietnam Report cho rằng nhu cầu di chuyển của người dân chỉ tạm thời bị nén lại trong giai đoạn dịch, và dự báo sẽ tăng nhanh trở lại ngay khi dịch được kiểm soát.
Tại Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” diễn ra ngày 26/11, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Phạm Văn Hảo, cho biết theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không. Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V - sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Kịch bản 2 là sẽ theo mô hình chữ U, giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế.
Với Việt Nam, ông Hảo cho rằng sẽ theo kịch bản thứ nhất, là từng bước phục hồi theo mô hình chữ V, sẽ mất 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019.
Advertisement
Advertisement