16/03/2022 11:38
Đại dịch COVID-19 đã đẩy 4,7 triệu người dân Đông Nam Á rơi vào cảnh nghèo
Bên cạnh việc cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đại dịch COVID-19 còn đảo ngược những tiến bộ trong công cuộc giảm nghèo và cực nghèo đã đạt được trong nhiều thập niên.
Đại dịch COVID-19 gây ra đã đẩy 4,7 triệu người dân Đông Nam Á rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021, khi 9,3 triệu việc làm đã biến mất so với kịch bản không có COVID, theo một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được trình bày tại Hội nghị chuyên đề Phát triển Đông Nam Á (SEADS) công bố hôm nay (16/3).
Số người nghèo cùng cực được định nghĩa là những người sống dưới 1,90 USD mỗi ngày - là 24,3 triệu người vào năm ngoái, tương đương 3,7% trong tổng số 650 triệu dân Đông Nam Á, ADB cho biết.
Trước đại dịch, số liệu về những người nghèo ở Đông Nam Á đã giảm xuống, với 14,9 triệu người vào năm 2019, giảm so với 18 triệu người năm 2018 và 21,2 triệu người năm 2017.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Masatsugu Asakawa, cho biết: “Đại dịch đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng, bất bình đẳng ngày càng trầm trọng và tỷ lệ nghèo gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở Đông Nam Á. ADB sẽ tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách trong quá trình họ nỗ lực tái thiết, cải thiện hệ thống y tế quốc gia và hợp lý hóa các quy định trong nước để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chúng tôi khuyến khích chính phủ các nước Đông Nam Á đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng đổi mới công nghệ để phục hồi tăng trưởng kinh tế.”
Hai năm sau khi đại dịch bùng phát, báo cáo cho thấy triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn đối với các nền kinh tế có khả năng ứng dụng công nghệ rộng rãi, xuất khẩu hàng hóa được duy trì hoặc có tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Báo cáo ghi nhận sự phục hồi kinh tế trên toàn khu vực, với hầu hết các quốc gia chứng kiến lượt khách ghé thăm các khu vực bán lẻ và giải trí tăng 161% trong giai đoạn hai năm tính tới ngày 16/2/2022.
Dù vậy, khu vực vẫn phải đối mặt với những thách thức toàn cầu, bao gồm sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 mới, thắt chặt lãi suất toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá hàng hóa cao hơn và lạm phát.
Với 59% dân số trong khu vực được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 21/2/2022, báo cáo kêu gọi các chính phủ Đông Nam Á phân bổ nhiều nguồn lực hơn để giúp các hệ thống y tế chăm sóc, cải thiện giám sát dịch bệnh và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Đầu tư cho y tế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng cường tham gia lao động và năng suất. Ví dụ: tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á có thể tăng 1,5 điểm phần trăm nếu chi tiêu cho y tế trong khu vực đạt khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 3,0% vào năm 2021, theo nhận định của báo cáo.
Báo cáo khuyến nghị các quốc gia theo đuổi cải cách cơ cấu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh và năng suất.
Điều đó có thể bao gồm việc đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, giảm các rào cản thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ áp dụng công nghệ mới.
Nó cũng có thể bao gồm đào tạo kỹ năng để giúp người lao động giải quyết sự gián đoạn rộng rãi đối với thị trường lao động và việc chuyển đổi công việc giữa các lĩnh vực.
Các chính phủ cần duy trì sự thận trọng về tài khóa để giảm thâm hụt và nợ công, đồng thời hiện đại hóa công tác quản lý thuế để nâng cao hiệu quả và mở rộng cơ sở thuế.
Advertisement