Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị tăng cường quản lý thủy điện

Chính sách - Hạ tầng

05/11/2020 16:54

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc đưa dự án thủy điện vào quy hoạch cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của mỗi dự án.

Hôm nay (5/11), theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Trong các chủ đề được đại biểu đưa ra thảo luận, nổi bật lên vấn đề quản lý hệ thống thủy điện và tuyến metro số 5 ở Hà Nội.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Đề nghị tăng cường quản lý thủy điện

Tranh luận với Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn về vấn đề đất rừng và thủy điện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc đưa dự án thủy điện vào quy hoạch cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của mỗi dự án.

"Một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu dự án thủy điện, 3 công trình sẽ khác với 8 công trình. Những dự án đầu tiên chúng ta có thể xét duyệt khác, nhưng khi đến dự án thứ 4, 5, 6 thì phải xem xét khác", đại biểu Nghĩa nói và cho rằng, việc đơn giản hóa tiêu chuẩn xét duyệt ở bước này sẽ không thấy được vai trò quản lý của Nhà nước.

Với hiện trạng đất rừng, đại biểu đặt câu hỏi: "Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói diện tích rừng tại Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha năm 1990, lên 14,6 triệu ha rừng hiện nay. Nhưng tôi muốn hỏi là trong số đó, có bao nhiêu là rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng". Đại biểu cho biết, hai loại rừng này là hoàn toàn khác nhau, về vai trò, chức năng, năng lực bảo vệ đất. 

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ thủy điện nhỏ hết khấu hao

Tiếp tục giải đáp ý kiến đại biểu về thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường và xử lý như thế nào khi hết khấu hao, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói "chúng ta có những quy trình pháp lý rất bài bản để quản lý".

Báo cáo về kinh tế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ giúp các cấp có thẩm quyền đánh giá hiệu quả dự án và tác động tiêu cực. Đối với các dự án thủy điện thì đã có tiêu chí sử dụng đất; nếu vượt qua 10 ha đất/1MW hoặc lấy đất rừng tự nhiên sẽ không được xem xét.

Về các thủy điện nhỏ hết khấu hao, luật quy định chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền. Tương tự, với điện mặt trời, các chủ đầu tư cũng phải xử lý rác thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi dự án hết thời hạn. "Trên thực tế chỉ 3% từ các tấm pin này chứa những chất có thể ảnh hưởng đến môi trường", ông Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN/Văn Điệp
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN/Văn Điệp

Lãnh đạo ngành công thương nhấn mạnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án rất quan trọng, giúp cấp có thẩm quyền thông qua dự án hay không. Vì vậy, các báo cáo này đều phải đăng công khai trên trang điện tử và mọi người có cơ sở để đánh giá.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Dương trung Quốc tiếp tục nêu ý kiến "vấn đề tôi muốn nói là cảnh báo câu chuyện của mấy chục năm nữa, chứ không phải hôm nay, bởi nếu không nhìn ra trước sẽ để lại di họa cho con cháu".

Tại phiên thảo luận hôm qua, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại các thủy điện nhỏ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ông Dương trung Quốc cho rằng, khi xét về lợi hay hại của hệ thống thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn câu chuyện hôm nay, nhưng khoảng 40 - 50 năm sau, khi đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì những công trình xây ở những nơi rừng sâu nước thẳm này là vấn đề cần quan tâm.

"Khi đó nguồn lực nào để quản lý các công trình này. Ngay từ bây giờ khi xây dựng chúng ta phải nhìn thấy kết cục đó. Chắc chắn nó là di sản mà thế hệ con cháu phải xử lý", ông nói.

Tương tự, các dự án điện năng lượng mặt trời hiện nay khi không còn sử dụng nữa thì hàng nghìn ha rác thải sẽ được xử lý như thế nào?

Đề nghị đầu tư Metro số 5 ở Hà Nội

Dự kiến khai thác quý II/2019 nhưng đến nay tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa xác định được ngày vận hành chính thức, theo VnExpress.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải lùi thời gian chạy thử do ảnh hưởng của COVID-19. Ảnh: VnExpress/Hoàng An.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải lùi thời gian chạy thử do ảnh hưởng của COVID-19. Ảnh: VnExpress/Hoàng An.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ. 

Dự án này khởi công tháng 10/2011, kế hoạch hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại vào Quý II/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến, tăng trưởng kinh tế sẽ là mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển, với thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD vào năm 2045. Tuy nhiên, với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,5 đến 6,7% mỗi năm như hiện nay, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người mới đạt 7.000 đến 8.000 USD; đến 2045, GDP bình quân đạt khoảng 20.000 đến 25.000 USD, khoảng cách với Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn còn xa.

Theo kinh nghiệm phát triển của "những con rồng châu Á", Việt Nam cần có những giai đoạn tăng trưởng nhanh, có thể trên 10%, mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Vì thế, đại biểu đề nghị trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 đến 2030 cần tập trung nguồn lực vào tăng trưởng. Trong đó, một giải pháp là phát triển các tập đoàn mạnh để làm trụ cột của nền kinh tế. Đại biểu đồng tình với đề nghị xây dựng tuyến Metro số 5 tại Hà Nội (Văn Cao - Hòa Lạc), làm cơ sở thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt.

"Chúng ta có thể kêu gọi tập đoàn nước ngoài tham gia, thậm chí là mua lại công nghệ phát triển để trở thành người chủ trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp đường sắt. Cũng cần nghĩ rằng, những tập đoàn kinh tế tư nhân, nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ, có thể thực hiện mục tiêu này nhanh hơn, hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước", đại biểu Cường nói.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement