26/08/2020 10:28
Đại biểu Quốc hội có quốc tịch nước ngoài, xử lý thế nào?
Mới đây, Trưởng Ban Công tác ĐBQH Trần Văn Tuý cho biết ông Phạm Phú Quốc và Đoàn ĐBQH TP.HCM phải có báo cáo về việc ông Quốc có 2 quốc tịch.
Ngày 25/8, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã trao đổi với báo chí về thông tin cho rằng ông có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus). Theo đó, ông Phạm Phú Quốc cho biết ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018, nhưng là do gia đình bảo lãnh. Vị ĐBQH phủ nhận thông tin mua quốc tịch thứ 2.
Cùng ngày, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, cho biết đã nắm được thông tin về việc này và giao các đơn vị chức năng xác minh.
Hộ chiếu Cyprus, “hộ chiếu vàng" được nhiều người săn đón. Ảnh minh họa. |
Ông Tuý cho biết theo quy định, ĐB Phạm Phú Quốc và Đoàn ĐBQH TP.HCM phải có báo cáo cụ thể về việc này gửi Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tiến hành các bước xác minh, xử lý tiếp theo.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết thêm, vào hôm nay 26/8 sẽ có ý kiến với Đoàn ĐBQH TP.HCM về việc này.
Trao đổi với báo chí, ĐB Phạm Phú Quốc cho biết tháng 5/2016, khi ông ứng cử vào Quốc hội thì chỉ có một Quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân, nên năm 2018 gia đình ông Quốc đã thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cộng hoà Síp cho ông để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.
Ông Quốc cho biết vợ và con đều là doanh nhân, trong đó con trai có nhiều năm sinh sống tại Anh. Vị ĐBQH khẳng định thông tin mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD là không chính xác.
Theo dữ liệu đại biểu Quốc hội của Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc, sinh năm 1968, quê quán: xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải , Quảng Trị; trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Kinh tế.
Ông Quốc hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Quốc là đại biểu Quốc hội khoá XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM.
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Trước đó, hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) đã đưa ra một tài liệu cho thấy Đại biểu Quốc hội TP HCM Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách những người mua hộ chiếu của Síp, một quốc gia châu Âu, theo Đại đoàn kết.
Cụ thể, hãng tin này cho biết chương trình hộ chiếu của Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này. Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Theo Al Jareeza, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua thứ gọi là “hộ chiếu vàng” (golden passport) này từ thời điểm cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm mà Al Jazeera thu thập được hồ sơ, còn chương trình này của Síp đã được thực hiện từ 2013), trong đó có cả quan chức chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và anh/em trai của cựu Thủ tướng Lebanon.
Đại biểu Quốc hội TP HCM Phạm Phú Quốc được Al Jazeera điểm tên trong danh sách này. Al Jazeera cũng cho rằng, Síp đã “bán” hộ chiếu cho cả tội phạm, những người đào tẩu, các chính trị gia (PEP - politically exposed persons) dễ dính vào tham nhũng để trốn tránh trách nhiệm tại nước sở tại.
Vào tháng 7/2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) không được công nhận tư cách ĐBQH khoá XIV dù đã trúng cử, bởi bà Hường có 2 quốc tịch (Việt Nam và Malta) nhưng không khai báo trong hồ sơ ứng cử.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Ảnh: Zing. |
Lúc đó, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi bà Nguyệt Hường còn bị xem xét vì những lý do nào nữa, ông Phúc khẳng định đến thời điểm ấy mới phát hiện vi phạm hộ tịch và điều đó đã đủ cơ sở kết luận bà Hường không đủ tư cách đại biểu Quốc hội.
Ông lý giải, Luật hộ tịch quy định, người Việt Nam ở trong nước có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, khi muốn nhập hộ tịch nước khác thì phải thôi quốc tịch Việt Nam. Còn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, luật cho phép họ giữ quốc tịch Việt Nam, để gắn bó với quê hương đất nước.
Theo Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, sau trường hợp này, việc rà soát sẽ được tiến hành và làm suốt cả nhiệm kỳ, nếu vi phạm thì xử lý.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội hiện đang có hiệu lực quy định tiêu chuẩn ĐBQH tại điều 22 chỉ yêu cầu ĐBQH đáp ứng 5 tiêu chuẩn (không có tiêu chuẩn về quốc tịch), bao gồm:
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 1/1/2021) bổ sung điểm a vào sau khoản 1 Điều 22 với yêu cầu ĐBQH "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp