23/09/2017 08:06
Đại án OceanBank: Căn cứ nào xác định 1.576 tỷ đồng là thiệt hại?
Trong thời gian 2010-2014, OceanBank đã chi 1.576 tỷ đồng chi ngoài lãi suất. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, số tiền này là trái quy định. Luật sư bào chữa cho các bị cáo lại cho rằng 1.576 tỷ đồng phải hiểu là việc “mua đắt bán đắt"...
Chi lãi ngoài là tiền đề để tội phạm tham nhũng phát triển
Tại phiên toà xét xử đại án OceanBank chiều 22/9, đại diện Viện kiểm sát TP. Hà Nội đã đối đáp lại những tranh luận của các luật sư khi bào chữa cho các bị cáo trong nhiều ngày qua.
Theo kết luận, hành vi chi lãi ngoài của các bị cáo đã gây thiệt hại cho OceanBank số tiền 1.576 tỷ đồng. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng nhờ chi lãi ngoài nên OceanBank mới huy động được tiền gửi, thu lợi và tránh đổ bể cho ngân hàng. Do vậy, số tiền nay không thể coi là thiệt hại mà cần phải hiểu là việc “mua đắt bán đắt”.
Trước lập luận này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Cơ quan truy tố căn cứ chứng cứ lời khai, chứng cứ thấy rằng số tiền này là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước đến nay không có chứng từ hợp lệ và không có khả năng thu hồi.
Hậu quả của việc làm trái nêu trên không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn là tiền đề để tội phạm tham nhũng phát triển, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.
Ngoài ra, theo đại diện Viện kiểm sát, trong vụ án này, liên quan đến số tiền 1.576 tỷ đồng đã có các bị cáo bị buộc tội danh tham ô tài sản và tiếp tục có các vụ án khác đang khởi tố.
Hậu quả nghiệm trọng hơn là đánh mất lòng tin của người dân vào các tổ chức khi tiền chủ yếu từ các khách hàng lại rơi vào tay một số khách hàng. Đồng thời, cũng góp phần đẩy nợ xấu của OceanBank.
Đại diện Viện kiểm sát cho biết, trong thời gian 2010-2014, OceanBank đã chi 1.576 tỷ đồng chi ngoài lãi suất. Trong số này có 246 tỷ đồng được chi cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt đã cấu thành tội tham ô tài sản và lạm dụng quyền hạn để chiếm đoạt.
Về việc các luật sư và bị cáo cho rằng việc chi lãi ngoài đã đem lại lợi ích cho OceanBank và các năm qua ngân hàng kinh doanh có lãi và chia cổ tức, đại diện Viện kiểm sát nói: "Theo nội dung giám sát thanh tra, từ năm 2010-2011, nợ xấu OceanBank chiếm 12%, vốn chủ sở hữu điều chỉnh giảm do ngân hàng phân loại nợ và trích lập dự phòng không đúng quy định. Kết luận thanh tra sau đó xác định nợ xấu của OceanBank lên tới 49,8% tổng dư nợ. Vốn huy động cho vay các khách hàng có mối quan hệ chiếm 41,39% dư nợ. Trong nợ xấu, riêng nợ xấu nhóm liên quan đến Hà Văn Thắm chiếm 79,8%".
Viện kiểm sát cũng cho rằng, lợi nhuận ngân hàng đã được hạch toán sai. Quản trị điều hành của OceanBank không khách quan, minh bạch. Báo cáo tài chính không trung thực, không phản ánh đúng tình trạng kinh doanh khác với các khoản lãi dự thu không thu được tính vào thu nhập.
Con số lãi 1.000 tỷ là không chính xác?
Tại phiên toà chiều nay, đại diện Viện kiểm sát cũng đề cập tới việc OceanBank lãi hơn 1.000 tỷ ngay sau khi mua 0 đồng. Theo đó, cơ quan này cho biết, thông tin OceanBank lãi 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận năm 2015 là 48 tỷ, lỗ lũy kế 15.412 tỷ. Năm 2016, lãi 70 tỷ, lỗ lũy kế 15.340 tỷ đồng.
Trong năm 2015, bị kiểm soát đặc biệt, để duy trì tính thanh khoản NHNN đã cho vay đặc biệt. Đến nay, OceanBank mới vẫn chưa hoàn trả khoản vay này. OceanBank mới cũng đang cần hỗ trợ về nhân lực, chuyển nhiều dự án thanh khoản tốt hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Điều này chứng tỏ lợi nhuận OceanBank không phải do hiệu quả huy động cho vay vốn từ thời gian trước. Con số 1.000 tỷ là hoàn toàn không chính xác, đại diện Viện kiểm sát nói.
Sau phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát, Luật sư Đào Hữu Đăng – bào chữa cho Hà Văn Thắm tiếp tục đặt vấn đề: Căn cứ nào chứng minh 1.576 tỷ là thiệt hại?
"Vị đại diện Viện kiểm sát dùng từ thất thoát, tuy nhiên điều 165 Bộ luật hình sự là gây hậu quả nghiêm trọng mới cấu thành tội, chứ không phải gây thất thoát. Giám định viên mới chỉ kết luận là cố ý làm trái vậy căn cứ nào nói 1.576 tỷ là thiệt hại?", luật sư nói.
Theo luật sư, Cơ quan tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh 2 khoản này. Cơ quan điều tra đã chứng minh một phần là cố ý làm trái còn vế có gây hậu quả nghiêm trọng chưa thây được chứng minh. Việc làm trái không đồng nghĩa với việc gây hậu quả, luật sư nhấn mạnh.
Luật sư tiếp tục cho rằng, việc chi lãi ngoài là hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh bấy giờ và các ngân hàng khác đều vậy. Bởi nếu không chi, khách hàng sẽ không gửi tiền mà rút tiền ồ ạt ra, hậu quả xảy ra có thể đổ vỡ, phá sản ngân hàng.
"Chi lãi ngoài có lợi hơn hay là để ngân hàng phá sản hơn? Cái nào thiệt hại hơn cái nào? Nếu chi lãi ngoài là hợp lý thì có coi là thiệt hại hay không?", luật sư Đăng tiếp tục đề nghị làm rõ hơn về vấn đề này.
Tại các phiên toà trước, bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank liên tục khẳng định 1.576 tỷ đồng bị quy kết trong cáo trạng không phải là thiệt hại mà đó là khoản chi lãi ngoài để huy động vốn, từ đó thu lợi nhuận về cho ngân hàng.
“Tôi là cổ đông lớn nhất của OceanBank. Tôi khẳng định 1.500 tỷ đồng không phải là thiệt hại của ngân hàng mà chỉ là khoản chi lãi ngoài để huy động vốn, từ đó thu lợi về cho ngân hàng. Tôi không hồ đồ hết lần này đến lần khác, tự làm thiệt hại cho chính mình”, bị cáo Thắm nói.
Luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Nga - cựu trưởng ban Tài chính kế toán OceanBank) cũng cho rằng cần phải làm rõ về khoản tiền nói trên để xác định các bị cáo có cố ý làm trái hay không. Luật sư Được cho biết mình mặc dù đã tìm kiếm nhưng không hề tìm không thấy một dòng nào trong kết luận giám định 1.576 tỷ là thiệt hại cho ngân hàng Oceanbank.
Vấn đề đặt ra là kết luận giám định của đoàn giám định có giá trị pháp luật không, ông Được vừa đặt câu hỏi đồng thời chỉ ra một loạt bất cập của kết luận giám định này.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp