Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đại án 'chuyến bay giải cứu': Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ hơn 21 tỷ đồng

Nóng trong ngày

12/07/2023 17:34

Liên quan đến đại án "chuyến bay giải cứu", VKSND Tối cao cáo buộc ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp với số tiền hơn 21 tỷ đồng.

Chiều 12/7, TAND TP Hà Nội xét hỏi bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) về các cáo buộc trong vụ án "chuyến bay giải cứu".

Trước bục khai báo, ông Dũng thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối lỗi. Nói về vai trò của bản thân khi Nhà nước có chủ trương triển khai "chuyến bay giải cứu", ông Dũng cho biết, Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ bảo hộ công dân, nắm bắt tình hình công dân ở các nước để bảo trợ.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Ngoại giao sẽ bảo trợ bà con bị tắc nghẽn ở nước bạn, xây dựng kế hoạch để tham mưu Chính phủ đưa công dân về nước.

Theo cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự là đơn vị đảm nhiệm chính việc bảo hộ công dân, còn những Cục, phòng nghiệp vụ khác xây dựng kế hoạch, phối hợp với Tổ công tác 5 Bộ tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch...

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 21 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Tô Anh Dũng tại phiên tòa.

Ông Dũng được phân công đại diện Bộ Ngoại giao tham gia vào Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia, phụ trách chỉ đạo công tác của Cục Lãnh sự.

Khi bị HĐXX chất vấn về quy trình cấp hồ sơ tổ chức các chuyến bay giải cứu, ông Dũng cho biết Cục Lãnh sự sẽ trực tiếp nhận đơn, hồ sơ của doanh nghiệp; sau đó xem xét năng lực, khả năng, nắm bắt nhu cầu của công dân trong và ngoài nước để xây dựng kế hoạch rồi trình lại ông Dũng. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ xem xét toàn bộ, đối chiếu với chủ trương rồi gửi lên Tổ công tác 5 Bộ.

Sau khi Tổ 5 Bộ có phản hồi, Cục Lãnh sự sẽ thông báo lại cho doanh nghiệp và các đơn vị khác để triển khai.

"Quá trình thực hiện, có doanh nghiệp nào tiếp xúc với bị cáo hay không?", HĐXX đặt câu hỏi. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao xác nhận "có".

Theo lời khai trước tòa, bị cáo Dũng không chủ động gặp, tiếp xúc với doanh nghiệp mà các doanh nghiệp tìm đến ông qua các mối quan hệ.

Nói về mục đích tiếp xúc doanh nghiệp, ông Dũng phân trần là vì nể nang, muốn nghe xem họ có vướng mắc gì không.

Trong các buổi "tiếp xúc", ông Dũng hỏi thăm, xem xét năng lực, khả năng của doanh nghiệp rồi hướng dẫn họ cách làm việc chứ không ra điều kiện, yêu cầu hay nhu cầu gì đối với doanh nghiệp để được cấp phép tổ chức bay.

"Bị cáo không có mưu đồ hay nhu cầu gì. Doanh nghiệp họ đến để cảm ơn", ông Tô Anh Dũng nói trước tòa.

HĐXX yêu cầu cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao liệt kê lại tất cả những lần nhận tiền từ doanh nghiệp.

Ông Dũng nhắc lại "theo trí nhớ" về nhiều lần nhận tổng 8,5 tỷ đồng từ Hoàng Diệu Mơ (TGĐ Công ty An Bình); 5 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Hằng (Công ty BlueSky); 115.000 USD từ Nguyễn Thị Tường Vy (Công ty ATA); khoảng 30.000 USD của Trần Thị Mai Xa (Công ty Masterlife); 40.000 USD từ Lê Văn Nghĩa (Công ty Nhật Minh); 25.000 USD của Phan Thị Mai (Công ty Sao Hà Nội). Còn lại ông Dũng nói không nhớ, theo Dân trí.

HĐXX sau đó đọc lại những doanh nghiệp, cá nhân đưa tiền cho ông Dũng được nêu trong cáo trạng và được bị cáo xác nhận.

Tại bục khai báo, ông Dũng thừa nhận hành vi sai phạm của bản thân. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phân trần bản thân không nhận thức được vi phạm khi vụ án xảy ra mà chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận ra.

"Khi đó bị cáo chỉ nghĩ là không làm gì sai với chủ trương, không bàn bạc với ai, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khi gặp doanh nghiệp, bị cáo không đòi hỏi gì", ông Tô Anh Dũng nói, đồng thời cho biết gia đình đã nộp khắc phục khoảng 17 tỷ đồng và đang tiếp tục tác động gia đình khắc phục nốt hậu quả để được hưởng khoan hồng.

Trong vụ án, VKSND Tối cao cáo buộc ông Tô Anh Dũng đã 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp với số tiền hơn 21 tỷ đồng.

Từ đầu 2020 - 2021, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Từ tháng 4/2020 - 1/2022, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Theo cơ quan tố tụng, từ tháng 5/2020 - 1/2022, biết vai trò của ông Dũng, 13 cá nhân đại diện cho nhiều doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề để được giải quyết thủ tục. Trong lần gặp đầu tiên, ông Dũng đồng ý với đại diện 13 doanh nghiệp về việc sẽ hỗ trợ, chỉ đạo cấp dưới tại Cục Lãnh sự làm thủ tục giúp cấp phép chuyến bay, tổ chức chuyến bay combo.

Hai bên không thỏa thuận nhưng ông Dũng và các doanh nghiệp đều hiểu sẽ có "phần tiền cảm ơn", cơ quan điều tra cáo buộc.

Theo đó, lần đầu tiên vào tháng 5/2020 tại phòng làm việc ở Bộ Ngoại giao, ông Dũng gặp Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) và đã giới thiệu công ty của bà Mơ với hãng hàng không Vietnam Airlines để tổ chức chuyến bay combo, theo TPO.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 12/2020 - 1/2022, ông Dũng đã 8 lần nhận tiền của Mơ (8,5 tỷ đồng); 29 lần nhận tiền các doanh nghiệp khác tại phòng làm việc, nhà riêng, quán cà phê. Tổng cộng, ông Dũng nhận hối lộ 14,1 tỷ đồng và 320.000 USD.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement