27/03/2021 08:59
Đắc nhân tâm cho nhà quản lý
Đọc “Đắc nhân tâm cho nhà quản lý” của tác giả Craig Nathanson, bạn sẽ hiểu rằng, thu phục người tài bằng tâm và tầm, chứ không phải bằng những quy tắc cứng nhắc.
Lý do nhân viên chán việc
Công ty và công việc là những thứ chúng ta gắn cả đời. Chúng ta sẽ thích làm một công việc mình yêu thích thay vì một công việc gượng ép. Thật tuyệt nếu bạn đang làm một công việc với lòng yêu nghề và niềm say mê. Nhưng nếu không thì sao? Những ngày tháng đi làm của bạn sẽ là thảm họa.
Thực tế, người ta chán ghét công việc của mình vì ba lí do chính: công việc không phù hợp, môi trường làm việc nghèo nàn, nhà quản lý kém cỏi và chẳng giúp gì cho nhân viên.
Các nhà quản lý thường quên mất việc quan tâm đến nhân viên. Việc thúc đẩy nhân viên làm việc cũng quan trọng như những lời chào xã giao hằng ngày. Muốn nhân viên làm việc tốt, người quản lý cần kỹ năng. Những cuộc thi, chỉ tiêu, cuộc họp hay những bài nói chuyện truyền cảm hứng chẳng khả quan cho lắm.
Một số doanh nghiệp tổ chức các bữa tiệc ăn mừng kỷ niệm ngày thành lập công ty, trao thưởng hằng năm, cho nhân viên đi du lịch, đưa ra những nhận xét tích cực… Nhưng những hoạt động này vì sao chưa thật sự hiệu quả? Vì nó thường chỉ chú trọng vào số đông, tạo danh tiếng cho công ty hay một nhóm nhỏ nhân viên. Nó chưa thật sự là một hoạt động làm nhân viên cảm động hay “chạm” vào từng nhân viên, ở từng bộ phận.
Thật tiếc khi các bản đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên chẳng mục nào gọi là “đánh giá mức độ hạnh phúc của nhân viên”. Việc nhân viên đi làm với niềm vui và hứng khởi thật ra quan trọng không kém với độ uy tín của công ty.
Nhà quản lý thay vì mải chạy đua với thành tích, hãy làm cách nào đó nâng cao kỹ năng của mình, để thật sự có thể ngồi xuống trò chuyện với nhân viên bằng tấm lòng chân thành và đầy sự thấu hiểu. Như vậy, năng suất làm việc lẫn niềm vui trong công việc của nhân viên đều tăng lên.
Nhà quản lý không thể nào có được sự vững mạnh nếu thiếu chiến lược tạo động lực cho nhân viên.
Chân dung nhà lãnh đạo có tầm
Nhà quản lý giỏi thường quan tâm đến nhân viên nhiều hơn là công việc mà nhân viên phải làm. Nhà quản lý kém thì ngược lại, họ lạnh lùng và đối xử với cấp dưới chẳng khác gì những cỗ máy.
Thực tế, quản lý là một công việc đòi hỏi tư duy. Bạn phải vận dụng trí não để tạo ra năng lượng vận hành cả công ty. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng cái đầu, nhà quản lý còn cần cả trái tim.
“Quản lý vừa là một nghệ thuật vừa là một môn khoa học. Nhà quản lý giỏi sẽ quan tâm đến sự phát triển của cả tổ chức lẫn nhân viên. Họ còn biết ưu tiên hoàn thành những việc quan trọng nhất.”
Tuy nhiên, hệ thống quản lý cồng kềnh của nhiều công ty đang gián tiếp “giết chết” nhân viên. Việc đè nẹt nhân viên hay đưa ra các quy trình cồng kềnh, các buổi họp nhàm chán không giúp nâng cao hiệu suất trong công ty.
Các món tiền thưởng tưởng như là để khích lệ nhân viên thì nay trở thành một mối nguy, khiến các nhân viên cạnh tranh với nhau. Còn các cuộc họp thì “hành” nhiều hơn là họp. Tất cả đều khiến nhân viên cảm thấy căng thẳng. Còn nhà quản lý sẽ đến lúc không còn mặn mà với chính công việc của mình.
Đã đến lúc thay đổi cách quản lí. Loại bỏ các quy trình cồng kềnh, khuyến khích sự sáng tạo và gắn kết đội nhóm, thấu hiểu nhân viên là các cách để đánh bại căng thẳng nơi công sở.
“Đắc nhân tâm cho nhà quản lý” của tác giả Craig Nathanson là một cuốn sách dễ hiểu, dành cho mọi nhà quản lý. Bạn sẽ hiểu ra rằng, thu phục người tài bằng tâm và tầm, chứ không phải bằng những quy tắc cứng nhắc mới giúp doanh nghiệp của bạn phát triển bền vững.
Cuốn sách gồm 192 trang có khổ mini được chia các mục nhỏ nên rất dễ đọc. Sách giúp các bạn bỏ túi dễ dàng và đọc nó bất cứ lúc nào.
Advertisement
Advertisement