Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đà Nẵng tiếp tục đem vụ án buôn lậu gỗ "triệu USD" ra xét xử

Chính sách - Hạ tầng

14/08/2018 17:06

Trải qua nhiều phiên tòa, thế nhưng vụ án buôn gỗ lậu lớn nhất miền Trung với sự tiếp tay của nhiều cán bộ hải quan vẫn chưa có hồi kết.

Ngày 14/8, TAND TP. Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu gỗ lớn nhất miền Trung của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (trụ sở tại Quảng Trị).

Cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Trương Huy Liệu (60 tuổi, ngụ tại số 111 khóm Trung Chín, Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng cùng vợ là bà Trần Thị Dung (57 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng. 

Ba cán bộ hải quan bị truy tố do tiếp tay cho công ty của ông Liệu và bà Dung buôn lậu gỗ là: Đỗ Lý Nhi – nguyên Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt (Cục Hải quan Quảng Trị); Lê Xuân Thành – nguyên Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo và Đỗ Danh Thắng -  nguyên Chi cục Hải quan KCN Đà Nẵng (Cục Hải quan Đà Nẵng).

Các bị cáo trung đại án buôn lậu gỗ lớn nhất miền Trung vẫn một mực kêu oan.
Các bị cáo trung đại án buôn lậu gỗ lớn nhất miền Trung vẫn một mực kêu oan.

Theo cáo trạng, vào ngày 17/12/2011, để hợp pháp hóa số gỗ nhập lậu từ Lào về Việt Nam, Liệu đã giao cho nhân viên của mình là Trần Đình Quang (cháu bà Dung) dùng giấy không hợp lệ bao gồm hợp đồng mua bán, giấy phép vận chuyển, lý lịch gỗ nhập khẩu. ..để nộp cho hải quan cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). 

Ngoài ra, Liệu cũng giao cho Quang dùng 3 giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cấp cho hai công ty khác nhau của cơ quan kiểm dịch cửa khẩu Deansavanh (Lào) để nộp cho Trạm kiểm dịch thực vật Lao Bảo để hoàn thiện thủ tục. Dù không tên gỗ trắc, giáng hương trong các giấy tờ này, thế nhưng các ông Hoàng Hữu Dũng - nguyên Phó trưởng trạm, phụ trách Trạm kiểm dịch thực vật Lao Bảo, Hà Xuân Thống và Nguyễn Hồng Tư (nhân viên) vẫn cấp giấy chứng nhận.

Cùng ngày, Dung ký giấy giới thiệu cho Quang đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo mở tờ khai hải quan để nhập 535,8 m3 gỗ trắc trị giá gần 1,56 triệu USD (được vận chuyển trên 13 ô tô) từ Lào về Việt Nam. Số gỗ này đã được nộp thuế gần 3,25 tỉ đồng và được thông quan, đưa về TP. Đông Hà.

Cáo trạng cũng xác định, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng đã làm giả phụ lục hợp đồng, 9 giấy yêu cầu chuyển tiền của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào để ký 9 lệnh chuyển tiền sang Lào. Trong đó có 8 lệnh chuyển hơn 1,4 triệu USD vào tài khoản Trương Thị Thu Đông, 1 lệnh chuyển 150.000 USD vào tài khoản Boun Leut, sau đó, Đông rút toàn bộ trả lại cho Liệu, Dung.

Về hành vi xuất gỗ lậu và hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của Thành, Nhi và Thắng tại Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt và Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng, cáo trạng xác định ngày 18/12/2011, Liệu giao 2 tờ giấy không nội dung nhưng có hình dấu của Công ty East Well (Hồng Kông, Trung Quốc) và chữ ký đại diện công ty là Zhang Chun Hai, cho kế toán làm hợp đồng kinh tế. 

Ngày 19/12/2011, Dung ký giấy giới thiệu cho một người tên Mỹ đến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt mở tờ khai hải quan xuất 525,8 m3 gỗ trị giá gần 33,3 tỉ. Nhi, Thành là công chức thuộc Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt nhận nhiệm vụ làm thủ tục hải quan cho 22 xe container chở gỗ, nhưng chỉ có 4 xe có mặt. Khi kiểm tra, Nhi và Thành không ghi rõ số hiệu, số niêm phong, không kiểm đủ chủng loại, số lượng nhưng vẫn cho thông quan, đưa hàng đến cảng Đà Nẵng để xuất đi Trung Quốc. 

7h30 ngày 21/12/2011, Đội Cảnh sát Kinh tế Môi trường Công an Q. Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) phát hiện 1 xe container của Công ty Ngọc Hưng chở 27 kiện, 867 sản phẩm gỗ trắc không có trong tờ khai hải quan và hồ sơ, nên chuyển vụ việc cho Cục Hải quan TP. Đà Nẵng xử lý theo thẩm quyền.

Ngày 28/12/2011, Cục Hải quan Đà Nẵng giao cho Thắng lúc này là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng khám xét lô hàng, nhưng 4 công chức Phan Quang Minh, Nguyễn Hữu Long (Đội Kiểm sát hải quan, Cục Hải quan Đà Nẵng), Đặng Ngọc Vinh, Đặng Hoàng Thành (Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng) chỉ khám xét 57 thanh gổ xẻ ở bên trên trong tổng số 8.001 hộp, thanh gỗ có trong container.

Cáo trạng cũng nêu rõ, mặc dù tỷ lệ kiểm tra rất thấp với thời gian ngắn, nhưng Thắng không cho khám tiếp mà ngay ngày 29/12/2011 đã cho phép 21 container lên tàu xuất cảnh, trừ container bị Công an quận Ngũ Hành Sơn giữ.

Ngày 30/11/2011, Tổng cục Hải quan dừng làm thủ tục lô hàng, dỡ hàng xuống cảng, khám xét toàn bộ, phát hiện Ngọc Hưng khai sai khối lượng gỗ trắc, thiếu gỗ giáng hương và sản phẩm gỗ trắc. Ngày 6/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án buôn lậu tại cảng Đà Nẵng. Ngày 12/4/2012, cơ quan chức năng cho thu giữ toàn bộ 22 container, bảo quản tại Công ty CP Logistics Cảng Đà Nẵng, chuyển vụ án qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - C44 theo thẩm quyền.

Sau giám định, lô hàng có gần 591m3 gỗ trắc, gần 24m3 gỗ giáng hương, tổng cộng gần 615m3, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng. Quá trình điều tra, ban đầu Liệu, Dung nhận tội nhưng sau đó phản cung. Riêng Nhi, Thành, Thắng không nhận hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm để Liệu, Dung buôn lậu.

Nhiều uẩn khúc trong vụ án

Vụ án này đã kéo dài hơn 7 năm, trải qua nhiều phiên tòa xét xử nhưng vẫn chưa có hồi kết. Đây cũng được xem là “đại án” kéo dài và từng nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội. Đoàn Đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cơ quan tư pháp sớm kết luận việc có hay không tội buôn lậu của Công ty Ngọc Hưng để doanh nghiệp còn làm ăn, kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong vụ án này đã được nêu ra tại buổi sáng đầu tiên của phiên xét xử. Đó là việc luật sư của các bị cáo đề nghị Tòa trưng ra tang vật của vụ án là hơn 615m3 gỗ trắc (có trị giá 64 tỷ đồng theo định giá của cơ quan chức năng).

Tuy nhiên, toàn bộ số gỗ này đã bị bán đấu giá với giá hơn 60 tỷ đồng (sau khi đã trừ đi các chi phí). Các bị cáo Liệu và Dung cũng trưng ra các văn bản của C46 (Bộ Công an) về việc trả lời các quyết định hình sự liên quan đến vụ án này.

Trong đó, có nêu rõ là vụ án không có dấu hiệu phạm tội buôn lậu. Bị cáo Dung cùng một số bị cáo khác có đề nghị Tòa triệu tập điều tra viên, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra – C44 (Bộ Công an), kiểm sát viên giám sát vụ án (Viện kiểm sát nhân dân tối cao) lên đối chất tại phiên tòa nhưng không được tòa chấp nhận.

Dự kiến phiên tòa này sẽ kéo dài trong hai ngày, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến đại án này.

AN PHONG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement