04/08/2020 09:55
Đã lỗ chục nghìn tỷ, Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways sẽ ra sao khi COVID-19 bùng phát?
Vừa chuẩn bị bước vào cao điểm du lịch hè, COVID-19 lại ập đến khiến các hãng hàng không một lần nữa đau đầu. Nửa đầu năm, do ảnh hưởng của đại dịch, tổng lỗ của Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways đã lên đến gần chục nghìn tỷ đồng.
Nếu như quý I/2020, các doanh nghiệp hàng không trong nước bắt đầu gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, Hàn Quốc, thì bước sang quý II, khủng hoảng lại càng nặng nề hơn do các đường bay quốc tế bị đóng băng, bay nội địa chỉ mới được dần phục hồi từ cuối tháng 4.
Đang bước vào mùa du lịch hè, tần suất bay nội địa được tăng cường thì COVID-19 tái bùng phát khiến các hãng hàng không một lần nữa đau đầu cân đo con số lỗ sẽ đối diện trước mắt.
Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways lại đau đầu vì COVID-19 bùng phát. Ảnh: Zing. |
Theo thống kê của Cục Hàng không, từ ngày 28/7, kể từ khi có quyết định dừng các đường bay đến Đà Nẵng do dịch diễn biến phức tạp, 11 đường bay từ các cảng hàng không trong nước đến Đà Nẵng đã dừng hoàn toàn.
Thực tế, không riêng đường bay đến Đà Nẵng, trước tâm lý dịch bệnh, nhiều khách du lịch chủ động hủy tour, khiến số chuyến bay khai thác nói chung giảm 12%, lượng khách giảm khoảng hơn 30%.
Báo cáo của 3 doanh nghiệp hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và FLC - doanh nghiệp sở hữu Bamboo Airways, cho biết tổng lỗ lũy kế nửa đầu năm nay lên đến gần chục nghìn tỷ đồng.
Vietnam Airlines đã lỗ hơn 6.500 tỷ đồng
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Vietnam Airlines cho biết trong kỳ, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 5.995 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ. Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu hợp nhất đạt 24.808 tỷ đồng, giảm một nửa so với 6 tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, khoản lỗ trước thuế quý II lên đến 3.981 tỷ đồng, lũy kế nửa đầu năm lỗ tổng cộng 6.526 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục của Vietnam Airlines, nửa đầu năm ngoái, hãng hàng không này ghi nhận lãi trước thuế 1.786 tỷ đồng.
Vietnam Airlines lỗ hơn 6.500 tỷ nửa đầu 2020. Ảnh: VNA. |
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không và doanh nghiệp cũng thể thoát khỏi làn sóng khủng hoảng. Mức giảm doanh thu vì dịch cao hơn so với mức giảm chi phí khiến doanh nghiệp lỗ nặng trong quý II cũng như nửa đầu năm 2020.
Cụ thể, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm đến 72% so với cùng kỳ, tương đương giảm 12.695 tỉ đồng. Doanh thu hành khách nội địa giảm 58%, hành khách quốc tế giảm 97%, doanh thu thuê chuyến giảm 89%.
Trong khi đó, tổng chi phí quý II của công ty mẹ chỉ giảm được 48% (tương ứng hơn 8.811 tỷ đồng).
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết thêm lợi nhuận hợp nhất giảm còn vì các công ty con liên quan cung cấp dịch vụ hàng không như VACS, Skypec, VIAGS… hoạt động cũng không thuận lợi, khiến lợi nhuận giảm.
Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cũng tiết lộ tính đến cuối tháng 6/2020, vốn chủ sở hữu đã giảm thấp hơn vốn điều lệ. Cụ thể, so với đầu năm, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm 38% còn 11.428 tỷ đồng, trong khi mức vốn điều lệ là 14.182 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản của Vietnam Airlines cũng tăng đáng kể từ mức 76% hồi đầu năm lên mức 83% vào cuối quý II/2020.
Giữa tháng 7, lãnh đạo Vietnam Airlines ước tính năm nay, doanh thu sẽ giảm khoảng một nửa, lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng. Trước mắt, tháng 8 này, doanh nghiệp có thể sẽ mất khả năng thanh khoản. Vì vây, Vietnam Airlines tiếp tục đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp với số tiền 12.000 tỷ đồng.
Mảng hàng không của Vietjet lỗ hơn 2.100 tỷ đồng, con số kỷ lục từ khi thành lập
Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của Vietjet cho biết quý II/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 4.970 tỷ và 1.039 tỷ đồng. Nửa đầu năm, doanh thu đạt 12.200 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế dương 73 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào báo cáo tài chính của công ty mẹ phụ trách mảng hàng không thì nửa đầu năm, hãng hàng không do tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo điều hành đã không thể thoát khỏi khủng hoảng COVID-19, với mức lỗ lên đến nghìn tỷ đồng.
Mảng hàng không của Vietjet lỗ hơn 2.100 tỷ đồng nửa đầu 2020. Ảnh: Vietjet. |
Cụ thể, doanh thu nửa đầu năm đạt 9.194 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, lên đến 20.182 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng vượt doanh thu khiến lợi nhuận gộp nửa đầu năm của công ty mẹ Vietjet âm 2.759 tỷ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm, mảng hàng không của Vietjet lỗ trước thuế 2.131 tỷ đồng, chỉ riêng quý II/2020 đã lỗ 1.165 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục của Vietjet từ trước đến nay.
Giải trình về khoản lỗ lịch sử, Vietjet cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên ngành hàng không toàn cầu. Dù có lệnh cách ly xã hội hồi tháng 4 nhưng trong quý, hãng vẫn thực hiện được 300 chuyến bay chuyên dụng cho hàng hóa và 14.000 chuyến bay thương mại.
“Là hãng hàng không chi phí thấp với khả năng tối ưu hoá chi phí hoạt động nhưng Vietjet vẫn phải duy trì chi phí cố định, để chuẩn bị nguồn lực khi thị trường quay trở lại. Lợi nhuận vận tải hàng không lỗ 1.122 tỷ đồng trong quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 2.111 tỷ đồng”, đại diện Vietjet cho biết.
Cũng theo Vietjet, sở dĩ báo cáo tài chính hợp nhất vẫn ghi nhận lợi nhuận dương, vì hãng tích cực tìm đối tác, chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính, và cả nghiệp vụ chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay (bán và thuê lại).
Cõng thêm Bamboo Airways, FLC lỗ nặng nhất lịch sử
Tân binh Bamboo Airways cũng không thoát khỏi khó khăn vì dịch COVID-19.
Tập đoàn FLC đang là doanh nghiệp sở hữu hơn 50% vốn Bamboo Airways. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 do FLC vừa công bố dù không nhắc đến kết quả kinh doanh cụ thể của mảng hàng không, nhưng tập đoàn của đại gia Trịnh Văn Quyết đã báo con số lỗ nặng.
Hợp nhất các mảng kinh doanh, nửa đầu năm, FLC ghi nhận 6.490 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 3%. Tuy nhiên, thu không đủ bù chi khiến FLC lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế. Đây cũng là số lỗ ròng bán niên nặng nhất trong lịch sử FLC.
Giải trình về kết quả này, FLC cho biết do ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 khiến doanh thu quý II giảm gần một nửa. Dịch bệnh ảnh hưởng gần như đến tất cả mảng kinh doanh từ hàng không, khách sạn, du lịch…
Với hàng không, FLC cho biết dự kiến vẫn nghiên cứu, đẩy mạnh mở mới 6 đường bay nội địa để gia tăng thị phần, mục tiêu chiếm 30% thị phần nội địa ngay trong năm nay. Đồng thời, dù phải điều chỉnh kế hoạch phát triển đội bay ở mức tối thiểu với 40 máy bay nhưng vẫn đặt mục tiêu đội có bay 50 tàu nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt.
Riêng bay quốc tế, tùy theo tình hình khắc phục dịch bệnh tại các nước, Bamboo Airways sẽ khôi phục hoạt động trên những đường bay như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Cộng hoà Czech… Hãng cũng khẳng định sẽ tái khởi động việc xây dựng và kết nối các đường bay mới tới Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương đang bị tạm hoãn.
Giữa tháng 5, hãng bay của ông Trịnh Văn Quyết lần đầu công bố chi tiết con số lỗ quý. Theo đó, khoản lỗ quý I/2020 lên đến 1.500 tỷ đồng, do ảnh hưởng từ dịch bệnh buộc hãng phải giảm tần suất bay.
Tuy nhiên, Bamboo Airways thời điểm này cho biết đang lên kế hoạch đặt mua 60 động cơ GE của Tập đoàn General Electric (Mỹ) và các dịch vụ liên quan trong năm 2020, với tổng trị giá 2 tỉ USD, phục vụ đội bay Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng đang đặt hàng.
Thậm chí, Bamboo Airways dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong quý 4/2020, tức cuối năm nay, đồng thời sẽ thuê thêm máy bay mở rộng mạng bay với 100 chuyến bay/ngày.
Hãng còn dự kiến đường bay Mỹ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp