Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cựu chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện lãnh án chung thân

Nóng trong ngày

29/12/2022 17:15

TAND TP.HCM chính thức tuyên án đối với Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty Alibaba. Trong đó, bị cáo Luyện bị tuyên phạt mức án tù chung thân.

Sau hơn 20 ngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 29/12, TAND TPHCM đưa ra phán quyết đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Luyện là người chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò điều hành xuyên suốt, chỉ đạo toàn bộ hoạt động Công ty Alibaba và 22 pháp nhân liên quan... Do đó, cần áp dụng điểm A, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự để xử phạt đối với bị cáo.

Cựu chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện lãnh án chung thân - Ảnh 1.

Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Mặc dù HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ như luật sư trình bày dành cho bị cáo, nhưng xét số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại đặc biệt lớn, không chỉ xâm phạm quyền sở hữu của người khác mà còn phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước nên cần có mức hình phạt nghiêm khắc nhất, theo Dân Việt.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị phạt mức án 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 30 năm tù (tù có thời hạn không quá 30 năm).

Về bị cáo Võ Thị Thanh Mai, HĐXX nhận định, Mai là người giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu chi của Công ty Alibaba và toàn bộ các công ty trong hệ thống. Trong đó hoạt động chính là thu tiền bán đất nền từ các bị hại, tổng cộng hơn 2.446 tỷ đồng. Mai cũng là là người đại diện pháp luật của các công ty khác, tạo điều kiện cho Nguyễn Thái Luyện chiếm đoạt hơn 475 tỷ đồng của 1.172 bị hại.

Bên cạnh đó, sau khi vụ án bị khởi tố, thi hành khám xét xe, bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh, Võ Thị Thanh Mai còn chỉ đạo Nguyễn Thái Lực rút hơn 13,9 tỷ đồng từ ngân hàng giao cho Mai sử dụng đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai ruột Nguyễn Thái Luyện) bị tuyên phạt mức án 17 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh là người đứng tên nhận chuyển nhượng 212 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng, tiếp đó ký hợp đồng cho các công ty như Công ty Alibaba Law Firm, Công ty Tia Chớp, Công ty Sunny land, Công ty Bigbang, Công ty Chiến Binh Thép để lập ra 30 dự án rao bán, hành vi của bị cáo Lĩnh đã giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện chiếm đoạt hơn 558 tỷ đồng...

Cựu chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện lãnh án chung thân - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị tuyên 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 10 năm tù tội rửa tiền, tổng hình phạt 27 năm tù.

Về dân sự, tòa buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện và vợ có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bị hại số tiền 2.445 tỷ đồng. Đồng thời, bị cáo Mai còn bị cáo buộc có trách nhiệm nộp lại số tiền 13 tỷ đồng (tội Rửa tiền).

Bên cạnh đó, HĐXX kiến nghị Công an Đồng Nai, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra làm rõ một số đối tượng có liên quan trong vụ án.

Đây là vụ án phức tạp, số lượng người tham gia tố tụng đông "kỷ lục" nên HĐXX cần gần 8 tiếng để công bố toàn bản án.

Theo đó, HĐXX xác định trong quá trình tố tụng có nhiều bị hại thay đổi chỗ ở, không có thông tin, tới thời điểm tuyên án, tòa nhận được đơn của hơn 3.900 bị hại. Tuy nhiên theo hồ sơ, tòa xác định trong vụ án có hơn 4.500 bị hại.

Bản thân bị cáo Luyện từng là nhân viên môi giới bất động sản. Tháng 5/2016, Luyện thành lập Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Hơn một năm sau, công ty thay đổi vốn điều lệ lên mức 1.600 tỷ đồng.

Với vai trò Chủ tịch HĐQT và lợi thế hiểu biết pháp luật, Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh các dự án bất động sản "ma".

Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.

Bằng các thủ đoạn này, Chủ tịch Công ty Alibaba và đồng phạm là nhân viên dưới quyền đã chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng.

Quá trình xét xử, bị cáo Luyện một mực kêu oan, cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản. HĐXX xác định tại Điều 6, Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh. Bên cạnh đó, mỗi địa phương có một quy định riêng về hạn mức sử dụng đất nhưng Nguyễn Thái Luyện đã "gom" đất vượt quá hạn mức gấp nhiều lần.

Căn cứ hồ sơ vụ án, xác định bị cáo Nguyễn Thái Luyện chưa xin phép thành lập dự án, đất chuyển nhượng chủ yếu là đất nông nghiệp, không đủ điều kiện chuyển nhượng, không có quy hoạch đất ở. Ngoài ra, việc rao bán dự án không có thật, Luyện còn sử dụng những chiêu trò để khiến bị hại tin tưởng, thu tiền của khách hàng và chiếm đoạt.

"Các bị cáo chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính như đóng tiền sử dụng đất, thuế, phí nhưng vẫn quảng cáo, rao bán cho khách hàng. Hành vi chào bán đất không có thật là vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, HĐXX không chấp nhận quan điểm của luật sư cho rằng cơ quan tố tụng đã hình sự hóa quan hệ giao dịch dân sự", HĐXX nhận định.

Tòa xác định trong quá trình hoạt động, Công ty Alibaba nhiều lần bị xử phạt hành chính nhưng Luyện và đồng phạm không chấp hành mà còn chống đối, hủy hoại tài sản.

Tại tòa, một số luật sư bào chữa đề nghị tòa đổi tội danh. Về quan điểm này, HĐXX cho rằng căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa có đủ căn cứ xác định bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX xác định hành vi của bị cáo Luyện và đồng phạm là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, chiếm đoạt số tiền rất lớn, phá vỡ quy hoạch đất đai của Nhà nước. Trong vụ án này, bị cáo Luyện đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hành vi phạm tội. Vì vậy, cần có mức án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Nguyễn Thái Lực (em trai Lực) và Huỳnh Kim Thắng (kế toán) cho rằng thân chủ không phạm tội Rửa tiền. HĐXX xác định với vai trò, nhiệm vụ của mình thì Mai và đồng phạm biết rõ số tiền 13 tỷ đồng có nguồn gốc từ phạm tội mà có. Nhưng sau khi Luyện và đồng phạm bị bắt, Mai đã chỉ đạo Lực, Thắng rút 13 tỷ đồng ra khỏi tài sản của Công ty Alibaba. Từ đó, tòa xác định cáo trạng truy tố 3 người về tội Rửa tiền là đúng người, đúng tội, không oan sai, theo Dân trí.

Những bị cáo còn lại, HĐXX xác định phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Quá trình lượng hình, tòa ghi nhận cho các bị cáo nhiều tình tiết giảm nhẹ và phân hóa vai trò của từng người.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement