Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cuộc đua tăng vốn ngàn tỷ và tham vọng trở thành "ông trùm" trong ngành giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng

Doanh nghiệp

20/10/2018 08:20

Tập đoàn Nguyễn Hoàng đang đào tạo từ mầm non đến tiến sĩ, thâu tóm nhiều trường đại học nhưng tham vọng của doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở đó.

Tay chơi" mới nổi 

Tiền thân của Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) được thành lập từ năm 1999. Hiện tại, Nguyễn Hoàng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo từ bậc mầm non đến tiến sĩ. Tuy nhiên, tên tuổi của NHG chỉ được khẳng định khi bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng để mua lại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng vào giữa năm 2015. 

Tên tuổi của NHG chỉ được khẳng định khi bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng để mua lại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng vào giữa năm 2015.
Tên tuổi của NHG chỉ được khẳng định khi bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng để mua lại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng vào giữa năm 2015.

Từ đây, NHG miệt mài thâu tóm hàng loạt trường khác, từ phổ thông đến đại học. Điển hình như Trường Quốc tế bắc Mỹ-SNA, Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu (BVU), Trường Đại học Công nghệ Thông tin Gia Định…

Khoảng nửa tháng nay, các chuyên gia của Nguyễn Hoàng đã đến trụ sở Trường Đại học Hoa Sen để kiểm tra sổ sách, thu chi kế toán. Phòng 902 của Trường Đại học Hoa Sen được dành riêng cho việc rà soát, kiểm tra. Hiện tại, một số hoạt động của trường phải thông qua phòng 902 trước khi thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện trường Đại học Hoa Sen cho biết, người của Tập đoàn Nguyễn Hoàng đang ở trường và kiểm toán, nắm tình hình. Về cổ phần mà NHG đã mua, vị này xác nhận Nguyễn Hoàng đã nắm quyền chi phối tại Trường Đại học Hoa Sen.

Trước đó, bà Bùi Trân Phượng sau khi nghỉ làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đã về làm cố vấn cho TTC Group. Nhóm cổ đông do bà Phượng đứng đầu đã bán 30% cổ phần của Trường Đại học Hoa Sen cho NHG. Nguyễn Hoàng cũng gom cổ phần của các cổ đông khác. Hiện tại, số cổ phần của Trường Đại học Hoa Sen mà Nguyễn Hoàng nắm vào khoảng 80%. 

Như vậy, trong 2 năm qua trường Đại học Hoa Sen đã 3 lần đổi chủ khiến sinh viên, giảng viên rất hoang mang. Liệu rằng, trường này sẽ ổn định hay bước vào một cuộc hỗn loạn sau khi về tay chủ mới?  Trước đây, Trường Đại học Hoa Sen từng trải qua một cuộc chiến nội bộ để giành quyền kiểm soát trong thời gian dài.

Đến tháng 11/2016, UBND TP.HCM có quyết định công nhận Hội đồng quản trị của trường nhiệm kỳ 2012-2017 cho các nhà đầu tư mới, đến từ Tập đoàn SSG. Trong nhiệm kỳ này, Hội đồng quản trị nhà trường đã bầu ông Lưu Tiến Hiệp làm hiệu trưởng, thay cho bà Bùi Trân Phượng. 

Hồi tháng 5, Trường Đại học Hoa Sen cũng từng gây xôn xao dư luận khi ông Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng thường trực được Hội đồng quản trị bầu làm Hiệu trưởng nhưng ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng theo luật Giáo dục Đại học nên không được phê duyệt.  

Sau đó, UBND TP.HCM đã công nhận ông Trần Đan Thư giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen như đề nghị của Hội đồng quản trị trường vào ngày 14/6/2018. Tuy nhiên, ngồi ghế Hiệu trưởng chưa đầy 4 tháng, ông Thư sẽ bị Tập đoàn Nguyễn Hoàng thay thế bằng người khác. Nguồn tin của chúng tôi cho biết, bà Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM sẽ là Hiệu trưởng mới của Trường Đại học Hoa Sen, sau khi NHG hoàn tất quá trình kiểm toán. 

Trong khi đó, Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng phát đi thông báo xác nhận việc mua lại cổ phần của Trường Đại học Hoa Sen. Bà Trần Thúy Trâm Quyên, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết, hiện tại đã có một số cổ đông của Trường Đại học Hoa Sen tiếp cận Nguyễn Hoàng và mong muốn chuyển nhượng lại cổ phần của họ tại trường này. 

“Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng chưa xác định và công bố số lượng cổ phần sẽ mua là bao nhiêu vì đây là cả một quá trình đàm phán riêng lẻ với cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ cổ phần thế nào tùy thuộc vào việc chuyển nhượng lại của các cổ đông nên Nguyễn Hoàng cũng không tự quyết định được điều này. Việc có đại hội cổ đông bất thường hay không chắc chắn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật”, bà Quyên nói. 

Bà Quyên cho biết thêm, Hoa Sen là một đại học có chất lượng tốt và Nguyễn Hoàng luôn mong muốn trường này tiếp tục phát triển. Về công tác nhân sự, trong đó có các nhân sự chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng sẽ do đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị đề xuất và được UBND TP. HCM công nhận.

“Làm gì để ổn định và phát triển Trường Đại học Hoa Sen sẽ là nhiệm vụ chính của Hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường. Lãnh đạo nhà trường sẽ phát huy tối đa những điểm mạnh mà trường hiện có. Đồng thời sẽ có những giải pháp đột phá để đưa nhà trường phát triển một cách nhanh nhất”, bà Quyên khẳng định. 

Tăng vốn thần tốc 

Được thành lập vào năm 1999, khởi đầu bằng việc đầu tư trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Đến ngày 1/8/2007, Tập đoàn Nguyễn Hoàng có vốn điều lệ là 99 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là đầu tư tài chính, phát triển thương mại. Hai đối tác chiến lược của Nguyễn Hoàng lúc đó là Tập đoàn Trung Nguyên (sở hữu 10,1% cổ phần) và Công ty Internet Services Nhật Bản (sở hữu 4,55% cổ phần). 

“Con mồi” mới nhất của Nguyễn Hoàng là Trường Đại học Hoa Sen.
“Con mồi” mới nhất của Nguyễn Hoàng là Trường Đại học Hoa Sen.

Trong quá trình hoạt động, Tập đoàn đã có một số lần thay đổi tên như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Nguyễn Hoàng, Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng. Đến ngày 17/5/2013, Tập đoàn đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng và hiện tại chưa có sự thay đổi.

Tại thời điểm 2013, Nguyễn Hoàng có vốn điều lệ là 105 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập đã góp vốn 99 tỷ đồng, tương đương với 94,2% vốn điều lệ. Trong đó, Hoàng Nguyễn Thu Thảo góp 2 tỷ đồng (tương đương 1,9% vốn điều lệ), Hoàng Quốc Việt góp 96 tỷ đồng (tương đương 91,43% vốn) và Lê Thanh Huỳnh Cang góp 1 tỷ đồng (tương đương 0,95% vốn). Ông Hoàng Quốc Việt, sinh năm 1971 là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.  

Đến ngày 10/12/2015, ông Hoàng Quốc Việt giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo thay ông Hoàng Quốc Việt làm Tổng giám đốc NHG và cũng kiêm vai trò là người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Các vị trí trên vẫn chưa có gì thay đổi cho đến ngày 20/10/2018. 

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là kể từ năm 2013 đến nay, Nguyễn Hoàng đã thay đổi quy mô vốn điều lệ một cách thần tốc. Vào ngày 20/7/2016, vốn điều lệ của doanh nghiệp này tăng từ 105 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Chưa đầy 6 tháng sau, vào ngày 21/12/2016 Nguyễn Hoàng đã tăng vốn lên gấp đôi với 2.000 tỷ đồng. Tại ngày 20/3/2018, vốn điều lệ của Nguyễn Hoàng đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với năm 2013. 

Đến nay, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã đầu tư xây dựng và vận hành gần 40 cơ sở giáo dục tại 15 tỉnh thành, đào tạo gần 40.000 học sinh, sinh viên trong hệ thống đào tạo khép kín từ mầm non đến Tiến sĩ với hệ thống 7 thương hiệu giáo dục. 

Tầm nhìn chiến lược 5 năm, giai đoạn 2019-2024 của Nguyễn Hoàng là tiếp tục làm người dẫn đầu thị trường giáo dục tư thục và trường quốc tế tại Việt Nam, sở hữu trên 150 cơ sở giáo dục, 10 thành phố giáo dục quốc tế IEC, 200.000 học sinh sinh viên, 15.000 Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, giảng viên, giáo viên, quản lý cấp cao, nhân viên hỗ trợ giáo dục... trong và ngoài nước. 

Tham vọng 

Hiện tại, trong tay Nguyễn Hoàng đã có hệ thống Trường Mầm non Quốc Tế Saigon Academy-SGA đào tạo trẻ từ 0-6 tuổi với 7 cơ sở tại TP.HCM. Hệ thống trường Hội nhập Quốc tế iSchool đào tạo liên cấp từ mầm non đến phổ thông với 13 cơ sở nằm ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, TP.HCM, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu.  Hệ thống Trường Quốc tế song ngữ Học Viện Anh Quốc-UK Academy, đào tạo liên cấp từ mầm non, tiểu học và trung học.

UK Academy có cơ sở ở Bà Rịa-Vũng Tàu và quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hệ thống Trường Quốc tế Bắc Mỹ-SNA đào tạo từ mầm non đến lớp 12 với chương trình theo chuẩn quốc tế chất lượng cao. Trụ sở đặt tại Khu dân cư Him Lam, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. 

Ở bậc đại học, NHG có Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường Đại học Công nghệ Thông tin Gia Định và Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Lĩnh vực du học, Nguyễn Hoàng có Viện hợp tác Quốc tế và Du học-iStudent. Đó là chưa kể, ngoài Hoa Sen thì Nguyễn Hoàng đang đàm phán để thâu tóm thêm một trường đại học tư thục khác ở TP.HCM. Đồng thời, mở phân hiệu của một trường đại học quốc tế tại Việt Nam. 

Nhưng tham vọng của Nguyễn Hoàng không dừng lại ở đó. Ngày 8/8/2018, Nguyễn Hoàng đã được UBND tỉnh Quảng Nam duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An. Mục tiêu dự án hướng tới là xây dựng thành phố giáo dục quốc tế, có khả năng đáp ứng cho 12.000 học sinh, bao gồm nhiều cấp học như mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và sau đại học theo chuẩn Việt Nam và quốc tế. 

Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An sẽ được xây dựng trên diện tích đất rộng 41ha tại các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.500 tỷ đồng với nguồn vốn tự có của NHG là 500 tỷ đồng, nguồn vốn vay là 1.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư.     

Tham vọng trở thành
Tham vọng trở thành "ông trùm" trong ngành giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.

Dự kiến, trong quý IV năm 2021, dự án sẽ được đưa vào hoạt động chính thức. Khi tham gia thực hiện dự án này, Nguyễn Hoàng sẽ được hưởng một loạt các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… 

Ở dự án này, UBND tỉnh Quảng Nam quy định Nguyễn Hoàng phải đảm bảo khớp nối không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật với các dự án lân cận như Khu phức hợp nghỉ dưỡng Đạt Phương, khu Vinpearl Nam Hội An, khu An Thịnh PPC đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cũng như tuyến đường Ven biển 129 đoạn qua dự án. 

Hiện tại, dự án này chưa có quy hoạch 1/500 nên không rõ, Nguyễn Hoàng có kết hợp phát triển giáo dục với du lịch nghỉ dưỡng tại Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An hay không. Bởi nhìn vào vị trí đắc địa và danh sách các dự án bất động sản đang được triển khai ở xung quanh đã phần nào cho thấy tiềm năng khai thác du lịch nghỉ dưỡng và các loại hình dịch vụ khác tại đây. 

Trên thực tế, Nguyễn Hoàng không chỉ đơn thuần phát triển giáo dục mà còn đang sở hữu Khu nghỉ dưỡng làng Bình An tại đường Trần Phú, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là chưa kể, NHG có thể lấy lý do xây khu nghỉ dưỡng để cho sinh viên thực tập. 

Nên nhớ, vào ngày 20/4/2018, NHG đã khánh thành Khu tổ hợp thực hành du lịch và khách sạn Sunlyna theo tiêu chuẩn quốc tế, đẳng cấp 5 sao. Dự án này được xây dựng ngay trong khuôn viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tại TP.HCM với mục đích sinh viên ngành Du lịch sẽ có cơ hội tiếp cận, thực hành trong môi trường làm việc thực tế ngay tại trường. 

Dự án có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng ở Quảng Nam khá tương đồng với một dự án ngàn tỷ khác, cũng do Nguyễn Hoàng làm chủ đầu tư và đang triển khai thi công xây dựng trong thời gian gần đây. Cụ thể là vào cuối tháng 3/2018, Nguyễn Hoàng đã khởi công dự án Thành phố giáo dục quốc tế IEC đầu tiên ở Việt Nam tại Quảng Ngãi. Tổng số vốn đầu tư dự án là hơn 1.000 tỷ đồng, diện tích 10ha, thiết kế và quy hoạch bởi Tập đoàn B H Studio của Canada.'

TUYẾT HƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement