20/05/2020 08:55
'Cuộc đua marathon' của các siêu cường công nghệ: Trung Quốc có bắt kịp Mỹ?
Mỹ có thể dẫn đầu trong một số lĩnh vực của cuộc chạy đua công nghệ với Trung Quốc, song giới chuyên gia cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang "ngủ quên" trên những vinh quang của mình, đồng thời hối thúc Washington hợp tác với các đồng minh và thay đổi chính sách đối nội.
Bên cạnh những diễn biến mới trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai bên còn vướng vào một cuộc cạnh tranh đang ngày càng lớn nhằm thống trị hàng loạt lĩnh vực của nền công nghệ thế hệ mới, chẳng hạn như mạng lưới 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
5G là công nghệ mạng lưới di động mới nhất hiện nay, có khả năng tải dữ liệu siêu tốc và củng cố cơ sở hạ tầng trọng yếu. Đó là lý do tại sao đây được coi là một công nghệ quan trọng đối với cả hai quốc gia.
Trong vài năm gần đây, Bắc Kinh đã vạch ra một loạt kế hoạch mà họ hy vọng sẽ đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau.
Quốc gia này đang tăng tốc để đưa ra một bản kế hoạch chi tiết 15 năm với tên gọi “Các Tiêu chuẩn Trung Quốc năm 2035”, trong đó vạch ra các kế hoạch nhằm thiết lập những chuẩn mực toàn cầu cho các công nghệ trong tương lai.
Năm 2017, Trung Quốc công bố tham vọng từ nay đến năm 2030 sẽ trở thành một quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Cách đây 5 năm, năm 2015, Bắc Kinh tiết lộ một kế hoạch mang tên “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” nhằm thống trị lĩnh vực chế tạo công nghệ cao toàn cầu.
Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. |
Bản kế hoạch "Các Tiêu chuẩn Trung Quốc năm 2035" chủ yếu là những chi tiết và nguyên tắc kỹ thuật xác định xem có bao nhiêu trong số những công nghệ đang được sử dụng hàng ngày hoạt động, chẳng hạn như các hệ thống di động mà đang được sử dụng hàng ngày. Khả năng gây ảnh hưởng với các công nghệ này mang ý nghĩa to lớn đối với khả năng vận hành hàng loạt lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh trên toàn cầu.
Tại một hội nghị trực tuyến hồi đầu tháng này, chuyên gia Frank Rose - nghiên cứu sinh kỳ cựu về an ninh và chiến lược trong chương trình Chính sách Ngoại giao của Viện Brookings - nhận định rằng “bản chất của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung chính là ai sẽ kiểm soát các tiêu chuẩn và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin toàn cầu”.
Mỹ dẫn đầu trong cạnh tranh AI
Một báo cáo mới đây của hãng Citi, chuyên nghiên cứu về sự cạnh tranh trong lĩnh vực AI của 48 nền kinh tế, cho thấy Mỹ vẫn đang dẫn đầu và bỏ xa các đối thủ một cách đáng kể. Báo cáo cho biết 47 nền kinh tế còn lại trong danh sách này sẽ phải đối mặt với “những khó khăn khốc liệt để có thể bắt kịp với ngành công nghiệp AI của Mỹ trong giai đoạn 2020-2030.
Có được điều này là nhờ sức mạnh của Mỹ, đặc biệt trong các phát minh về AI, sự đầu tư và nghiên cứu hàn lâm. Citi cho biết thứ hạng này không có gì đáng ngạc nhiên, với thực tế là các công ty phần mềm lớn đều đóng trụ sở tại Mỹ.
Thứ hạng này được tính toán bằng cách cân nhắc 5 nhân tố là nghiên cứu hàn lâm, phát minh, đầu tư, nhân công và phần cứng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng chỉ có Trung Quốc, nước đứng thứ hai sau Mỹ trong danh sách này, có khả năng “nuôi dưỡng một hệ sinh thái mạnh mẽ độc lập cho ngành công nghiệp AI nhờ sức mạnh của họ trong cả hai lĩnh vực kinh tế và địa chính trị.
Trung Quốc vẫn là nước duy nhất có sức mạnh mà có thể… đe dọa địa vị thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ. |
Không "ngủ quên" trên những vinh quang
Theo Michael Brown, giám đốc đơn vị đổi mới quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc vẫn cần phải nỗ lực để bắt kịp Mỹ trong hai lĩnh vực có tên gọi là động cơ phản lực và chất bán dẫn. Ông phát biểu tại một hội nghị trực tuyến của Viện Brookings: “Trung Quốc vẫn chưa đuổi kịp chúng ta, song tôi cho rằng chúng ta không nên 'ngủ quên' trên những vinh quang của mình. Tôi nghĩ họ có khả năng cạnh tranh rất cao và đây chính là điều khiến tôi lo ngại, nếu chúng ta không thức tỉnh và xem xem chúng ta cần làm gì để cạnh tranh với họ”.
Scott Moore, Giám đốc Chương trình Trung Quốc Toàn cầu Penn thuộc trường Đại học Pennysylvania, phát biểu tại buổi họp trực tuyến này: “Mặc dù nhiều quốc gia đã đầu tư các nỗ lực nhằm củng cố lĩnh vực công nghệ sinh học trong nước, Trung Quốc vẫn là nước duy nhất có sức mạnh mà có thể… đe dọa địa vị thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ sinh học”.
Moore cho biết mục tiêu mà chính sách của Trung Quốc nhắm tới là đến hết năm 2020 sẽ đầu tư khoảng 4% GDP cho lĩnh vực công nghệ sinh học, trong khi công nghệ sinh học chỉ chiếm khoảng 2% GDP của Mỹ.
Cuộc đua marathon của các siêu cường
Giới chuyên gia đã chỉ ra rằng Mỹ có thể kêu gọi các đồng minh và các quốc gia khác, đồng thời tái định hướng chính sách đối nội nhằm gia tăng tính cạnh tranh. Andrew Imbrie, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi thuộc trường Đại học Georgetown, phát biểu tại hội nghị: “Mỹ và các đồng minh hiện chiếm khoảng 2/3 ngành Nghiên cứu và Phát triển toàn cầu, và hiện đang có những phương thức tuyệt vời mà chúng ta có thể thử để củng cố quy mô đó, cũng như hợp tác trong các ưu tiên chung".
Brown nhấn mạnh rằng sự đầu tư vào nghiên cứu mà cả chính phủ và giới hàn lâm đã thực hiện là một “chiến lược đã được chứng minh” từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, có thể áp dụng một lần nữa trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng lập luận rằng “chiến lược quan trọng và khó khăn hơn có thể bao gồm việc thay đổi suy nghĩ kinh doanh và các thị trường vốn của chúng ta, nhằm thoát ra khỏi những suy nghĩ ngắn hạn và hướng tới sự cân nhắc dài hạn”.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đang áp dụng một tầm nhìn rất dài hạn, coi công nghệ và cách tân là chìa khóa để phát triển năng lực quốc gia như một phần trong chiến lược tổng thể của đất nước. Brown cho rằng suy nghĩ ngắn hạn không phải là một cách tiếp cận đúng đắn nếu Mỹ muốn chuẩn bị cho một cuộc đua “marathon giữa các siêu cường” với Trung Quốc: “Chúng ta phải thay đổi điều này, nếu không chúng ta sẽ không thể thành công trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc”.
(Nguồn: TTX/CNBC)
Chủ đề liên quan
Advertisement