26/08/2020 00:02
Cuộc di cư bí mật của giới nhà giàu Trung Quốc bằng 'hộ chiếu vàng' đảo Síp
500 người Trung Quốc đã mua quốc tịch Síp, trong đó có nữ tỷ phú giàu thứ 6 thế giới và hàng loạt tài phiệt, chính trị gia có tiếng.
Việc công dân Trung Quốc nộp đơn xin thường trú hoặc nhập quốc tịch ở nước ngoài là hợp pháp. Tuy nhiên, một khi một công dân Trung Quốc có quốc tịch nước ngoài, điều đó có thể dẫn đến việc họ tự động mất quyền công dân Trung Quốc, vì Trung Quốc không công nhận quốc tịch kép.
8 tỷ phú và chính trị gia có tiếng mua quốc tịch Síp
Trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng thống kê được hơn 500 người Trung Quốc đã có quốc tịch Síp từ năm 2017 đến năm 2019. Điều này làm sáng tỏ thêm nghi vấn về làn sóng di cư bí mật của giới thượng lưu Trung Quốc được đồn đoán trong nhiều năm qua.
Al Jazeera, hãng thông tấn độc quyền có được tài liệu rò rỉ hơn 2.500 người dùng 2,5 triệu USD muahộ chiếuSíp không tiết lộ toàn bộ danh sách nhưng trong số hơn 500 người Trung Quốc được thống kê, có 8 cái tên được nêu đích danh.
Đáng chú ý là Dương Huệ Nghiên, nữ tỷ phú sở hữu công ty phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc Bích Quế Viên. Bà từng được Forbes vinh danh là phụ nữ giàu thứ 6 trên thế giới vào năm 2020 với khối tài sản trị giá 20,3 tỷ USD.
Tài sản của bà Dương chủ yếu đến từ người cha Dương Quốc Cường. Ông là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cơ quan hiệp thương chính trị hàng đầu của Bắc Kinh.
Tài liệu bị rò rỉ cho biết bà Dương Huệ Nghiên đã được cấp quốc tịch Síp vào ngày 23/10/2018.
Nữ tỷ phú giàu thứ 6 thế giới Dương Huệ Nghiên cũng mua quốc tịch Síp. Ảnh: Forbes |
Người Trung Quốc mua hộ chiếu Síp thứ hai là Lục Văn Bân, một đại biểu của Hội đồng nhân dân Thành Đô. Ông còn là chủ tịch của Sichuan Troy Information Technology, một công ty mạng máy tính có trụ sở tại thành phố. Theo các tài liệu mà Al Jazeera cung cấp, ông Lục có hộ chiếu Síp vào tháng 7/2019.
Nhân vật đáng chú ý thứ ba là Trần An Lâm, một thành viên CPPCC ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Người này là giám đốc của Central China Industry Development, một công ty con của Tập đoàn Bảo vệ Môi trường và Bảo vệ Năng lượng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Ông được cấp quốc tịch Síp vào tháng 7/2018.
Ngoài ra còn có Phó Chính Quân, cựu thành viên của CPPCC ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, được cấp hộ chiếu Síp vào tháng 11/2017; và Triệu Chấn Bằng, một thành viên trong CPPCC ở tỉnh Sơn Đông, đã nhập quốc tịch Síp vào tháng 2/2019.
Đường Dũng, chủ tịch đương nhiệm của China Resources Power Holding, một tập đoàn nhà nước lớn của Trung Quốc, cũng được Al Jazeera nêu tên. Ông nhận hộ chiếu Síp vào tháng 1/2019.
Một người Trung Quốc xin cấp hộ chiếu Síp nữa là Lý Gia Đông. Ông từng bị Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh trừng phạt. Một đương đơn khác Trương Khắc Cường, từng bị kết án 4 năm tù vì tội lừa đảo.
Người Trung Quốc mua hộ chiếu Síp nhiều thứ hai thế giới
Al Jazeera cho biết 8 người Trung Quốc bị tiết lộ chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 500 người di cư từ Trung Quốc đến Síp trong 2-3 năm qua, nhưng phần lớn trong số họ không có liên hệ chính trị hoặc tiền án. Ngoài ra, Al Jazeera cũng cung cấp hồ sơ của 11 cá nhân Trung Quốc mà không nêu tên, bao gồm "cựu giám đốc ngân hàng đầu tư tại một công ty chứng khoán có trụ sở tại Trung Quốc", "chủ tịch của một nhà sản xuất xe điện" và “giám đốc công nghệ thông minh của công ty dược phẩm tại Hong Kong”.
Theo Al Jazeera, công dân Trung Quốc là nhóm đối tượng lớn thứ hai trong số những người tham gia trong chương trình mua “hộ chiếu vàng”. Công dân Nga, với khoảng 1.000 người là nhóm lớn nhất.
Điều tra của Al Jazeera giúp công chúng càng có thể khẳn định rằng nhiều người giàu Trung Quốc đang cảm thấy bất an về việc giữ tài sản của họ trong nước, mặc dù giới thượng lưu thường được xem là những người hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc.
Sở dĩ nhiều người chọn hộ chiếu Síp vì nó mang lại giá trị rất hời cho chủ nhân vì không yêu cầu cư trú thực tế ở chính quốc, đồng thời cho phép đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng miễn phí ở tất cả 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Hộ chiếu thứ hai, hoặc thậm chí là hộ chiếu thứ ba, mang lại sự thuận tiện cho việc đi lại, cũng là một cách để chuyển tiền ra nước ngoài hoặc thậm chí là cơ hội để chạy trốn trong trường hợp xảy ra sự cố. Mặc dù theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, quốc tịch nước ngoài không phải là biện pháp hữu hiệu cho họ nếu đã bị kết tội tại quê nhà.
Hộ chiếu Síp được xem là "hộ chiếu vàng" vì có nhiều quyền lợi trong EU. Ảnh: Handout |
Tiêu Kiến Hoa, nhà tài phiệt Trung Quốc từng bỏ trốn rồi lại bị bắt tại một khách sạn sang trọng ở Hong Kong và phải trở về đại lục để hỗ trợ cuộc điều tra của chính phủ về các giao dịch kinh doanh của mình vào đầu năm 2017. Lúc đó ông tuyên bố mình đã là “công dân Canada” và là người thường trú hợp pháp của Hong Kong, nhưng vẫn phải chịu lệnh thi hành án của Bắc Kinh.
Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, mặc dù các doanh nhân giàu có ở Trung Quốc thường là thành viên của cơ quan lập pháp địa phương và ủy ban tham vấn chính trị, nhưng họ có thể bị tước tư cách thành viên nếu bị phát hiện mang hộ chiếu nước ngoài hoặc không khai báo cư trú nước ngoài.
Khoảng một năm trước, Tôn Tường, một đại biểu của Hội đồng nhân dân Hà Bắc, đã bị tước tư cách thành viên sau khi ông bị phát hiện có hộ chiếu của đảo quốc Saint Kitts và Nevis thuộc vùng Caribe, được cấp vào năm 2011. Cũng trong năm ngoái, Châu Ngạn Ba, chủ tịch của một trường tư thục, đã bị tước tư cách thành viên trong CPPCC Sơn Tây vì che giấu việc cư trú tại Canada, mặc dù thời hạn lưu trú đã hết hạn vào năm 2018 và ông vẫn chưa gia hạn.
Ngoài ra, Trung Quốc có những quy định đặc biệt nghiêm ngặt đối với nhân viên của các cơ quan chính phủ và các tổ chức công, cũng như các giám đốc điều hành cấp cao tại các doanh nghiệp nhà nước. Theo một luật mới của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 7/2020, “nhân viên khu vực công” có thể bị sa thải nếu họ bị phát hiện có quốc tịch nước ngoài hoặc thậm chí thường trú nước ngoài mà không được chấp thuận.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp