22/02/2017 06:36
"Cuộc chiến" cửa hàng tiện lợi
Ngày 20/2, hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại VN chính thức công bố tuyển dụng nhiều vị trí làm việc tại TP.HCM, chỉ ra dấu hiệu cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ càng khốc liệt.
Dù chưa công bố chính thức thời điểm mở cửa nhưng theo thông tin trên tờ Nikkei (Nhật Bản) trước đó, 7-Eleven sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào đầu năm 2018 và đặt mục tiêu mở 100 cửa hàng trong 3 năm, 1.000 cửa hàng tại VN trong vòng 10 năm sau khi có mặt.
Tuy nhiên, với việc tuyển dụng mới công bố và sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 tới, có thể việc mở cửa hàng này sẽ diễn ra sớm hơn.
Người tiêu dùng thêm lựa chọn
Việc tham gia của 7-Eleven không quá ngạc nhiên bởi theo xếp hạng trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) do Tập đoàn tư vấn thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố hằng năm, VN liên tục nằm trong tốp 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay.
Kết thúc năm 2016, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 2,67 triệu tỉ đồng (tương đương hơn 110 tỉ USD), tăng 10,2% so với năm 2015 (cao hơn mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm 2015).
Hiện thị trường bán lẻ thực phẩm tại VN có khoảng 800 đại siêu thị/siêu thị, 150 trung tâm thương mại, 9.000 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini và 1,3 triệu cửa hàng nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Riêng ở phân khúc cửa hàng tiện lợi, đã có nhiều thương hiệu trong và ngoài nước tham gia như Vinmart , Circle K, Shop&Go, B’s mart…
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, sự có mặt của 7-Eleven là chuyện tất yếu của thị trường bán lẻ khi VN luôn có mức tăng trưởng cao cũng như dân số đông, tiềm năng khai thác còn lớn. Điều đó trước hết sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước khi có thêm sự lựa chọn, hứa hẹn mang lại hàng hóa và dịch vụ có chất lượng.
Đồng thời sự xuất hiện của 7-Eleven khi được đánh giá là đối thủ đáng gờm nhất trong lĩnh vực này sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp (DN) khác. Từ đó có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ nói chung và phân khúc cửa hàng tiện lợi, tiện ích nói riêng tiến lên bước chuyên nghiệp hơn nữa.
“Tham gia vào thị trường một nước thì 7-Eleven cũng sẽ bán các sản phẩm của VN. Điều đó cũng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng VN với tiêu chí chất lượng cao hơn. Ngoài ra thương hiệu này còn góp phần phát triển thị trường bất động sản thương mại VN khi sẽ phải tìm kiếm nhiều mặt bằng để mở cửa hàng…”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Chạy đua quyết liệt
Hiện Vinmart đã vươn lên dẫn đầu về số lượng với gần 900 cửa hàng mọc lên khắp các ngóc ngách trên cả nước. B’s mart sở hữu hơn 150 cửa hàng, Shop&Go hơn 210 cửa hàng, Circle K có gần 180 cửa hàng, Ministop có khoảng 60 cửa hàng...
Ngoài ra còn có các cửa hàng tiện ích của những DN trong nước như SatraFood, Co.opFood, Hapro, Bách Hóa Xanh... Bản thân Vinmart đã đưa ra kế hoạch mở 10.000 cửa hàng trên toàn quốc trong thời gian tới và đây được xem là đối trọng mạnh với những tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực này.
Nếu nhìn trên tương quan này, kế hoạch thiết lập 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm sau của tân binh 7-Eleven không phải quá lớn. Nhưng 7-Eleven được đánh giá là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới với hơn 60.000 cửa hàng tại khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, 7-Eleven có nhiều kinh nghiệm mở chuỗi thành công ở nhiều nước cũng như việc quản trị hệ thống, tiềm lực tài chính... sẽ đưa thương hiệu này dễ dàng thâm nhập thị trường bán lẻ VN.
Tuy nhiên, ông Hào cũng cho rằng trong thị trường bán lẻ, lợi thế về địa điểm đang là yếu tố dẫn đầu để chiếm thị phần. Do đó còn tùy thuộc vào kế hoạch của 7-Eleven như thế nào, ví dụ nếu đưa ra kế hoạch cần 5 năm hay 7 năm để tăng tốc mà không cần đặt chỉ tiêu lợi nhuận thì mới có khả năng thành công.
Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào kế hoạch nghiên cứu đặc điểm vùng dân cư để cung cấp sản phẩm phù hợp nhu cầu...
Ông Lê Phụng Hào nhận định: “Với xu hướng phát triển thương mại hiện đại, hệ thống cửa hàng tiện lợi, tiện ích sẽ còn gia tăng tại VN. Tuy nhiên, bên cạnh đó các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ trong các khu dân cư vẫn sẽ tiếp tục tồn tại vì nhu cầu đa dạng của nhiều người tiêu dùng ở các phân khúc khác nhau, vì đặc điểm văn hóa sinh hoạt trong các khu phố đông đúc, hẻm nhỏ cũng như văn hóa cho mua trước trả tiền sau… Vì vậy không chỉ cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng tiện lợi khác mà bản thân 7-Eleven vẫn phải cạnh tranh với thói quen mua sắm, tiêu dùng của người Việt”.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng tiềm lực tài chính mạnh sẽ giúp 7-Eleven có thể xây dựng được hệ thống của mình khi trước đó thương hiệu này đã từng tuyên bố sẽ vừa xây dựng cửa hàng mới, vừa chuyển đổi các cửa hàng tiện lợi có sẵn trên thị trường.
Tuy nhiên, khi đặt chân vào thị trường VN muộn hơn hầu hết các thương hiệu khác, chắc chắn 7-Eleven sẽ phải rất vất vả cũng như sẽ phải chi ra khá nhiều tiền nếu muốn có được những mặt bằng đẹp, các vị trí đắc địa thu hút người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: 7-Eleven có những lợi thế như tiềm lực tài chính của một tập đoàn lớn, kinh nghiệm mở chuỗi và quản lý, vận hành chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng...
Còn yếu điểm của DN này khi vào VN là chi phí tăng cao để tìm kiếm mặt bằng và nhân sự do là người đến sau. Đây sẽ là điểm chết người nếu không có kế hoạch đầu tư dài hạn hoặc xây dựng bài toán chi phí phù hợp.
“Bởi nhiều DN chỉ sau một thời gian không thể đảm bảo được chi phí hoạt động nên đã phải rút lui, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ thì chi phí đầu tư và duy trì, vận hành trong những năm đầu tiên rất cao. Trong đó đáng kể nhất là chi phí mặt bằng và nhân sự. Chỉ đến khi phát triển được chuỗi hệ thống và có thị phần để đạt điểm hòa vốn cũng cần tối thiểu 4 - 5 năm.
Vì vậy việc thành công hay không sẽ còn phụ thuộc vào kế hoạch của từng DN. Bởi trên thế giới cũng từng xảy ra câu chuyện các ông lớn trong ngành siêu thị như WalMart, Carrefour đã thất bại và rút lui ở Hàn Quốc, Ấn Độ...”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.
Cửa hàng tiện lợi tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo của Hãng Kantar WorldPanel (tháng 10.2016) công bố nói về thị trường bán lẻ VN, siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi đã và đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Có hơn 1/3 số hộ gia đình Việt hiện nay đã từng mua sắm các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại kênh này trong năm ngoái với tần suất mua sắm trung bình là 10 lần/năm. Tuy nhiên, 7/10 hộ gia đình ở thành thị VN cho rằng giá thành ở các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi thường đắt hơn so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống và quan điểm này dường như khó thay đổi trong một sớm một chiều.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp