Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

“Cuộc chiến” chống hàng nhái

Tiêu dùng

17/04/2017 10:16

Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi

Khi thị trường có những sản phẩm hấp dẫn người mua, lập tức sản phẩm giả, nhái xuất hiện “ăn theo”, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính.

Vi phạm tràn lan

Sau nhiều năm nghiên cứu, phát triển sản phẩm và dày công xây dựng thương hiệu, sản phẩm “Bột bánh xèo Hương Xưa” thương hiệu MIKKO của Công ty Liên doanh bột mì Quốc tế (Intermix) đã được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhãn hiệu “Intermix và hình” đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ từ ngày 19-1-2004 và được đơn vị này cấp chứng nhận ngày 18-4-2005 thuộc danh mục sản phẩm bột mì pha trộn dùng trong ngành thực phẩm (nhóm 30). Thế nhưng, tháng 2-2017, thị trường lại xuất hiện sản phẩm “Bột bánh xèo Hương Quê”, thương hiệu Vinamix của Công ty Liên doanh bột Sài Gòn với bao bì, nhãn hiệu tương tự. Đáng chú ý là công ty này mới đăng ký và hoạt động từ tháng 12-2016 do ông Phạm Minh Hiền làm đại diện pháp luật.

Ngoài ra, ông Phạm Minh Hiền còn là đại diện pháp luật cho Công ty Bột mì Đại Nam, tung ra sản phẩm “Bột mì nhãn hiệu trái lê” có bao bì tương tự “Bột mì đa dụng (bột mì số 8)” nhãn hiệu hình trái táo của Công ty TNHH MTV Bột mì Đại Phong (công ty góp vốn vào Intermix).

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ kết luận “Bột bánh xèo Hương Quê” xâm phạm quyền sản phẩm “Bột bánh xèo Hương Xưa”

Công ty Đại Nam mới hoạt động vào tháng 8-2016. Trong khi đó, Công ty Đại Phong hoạt động từ năm 2000, nhãn hiệu trái táo của công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận từ năm 2000 và đã được gia hạn hiệu lực đến năm 2020.

Ngay khi phát hiện hàng nhái trên thị trường, Intermix và Công ty Đại Phong đã lập tức có thư nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan chức năng, như Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389). Kết quả giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã kết luận: “Bột bánh xèo Hương Quê” xâm phạm quyền sản phẩm “Bột bánh xèo Hương Xưa” và “Bột mì nhãn hiệu trái lê” xâm phạm quyền “Bột mì đa dụng (bột mì số 8)”. Lực lượng QLTT các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và TP HCM đã vào cuộc kiểm tra, xác minh vi phạm nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Một trường hợp khác là Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân (nhãn hiệu Bảo Xuân) bị một cơ sở nhỏ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ suốt 4 năm, 3 phiên bản xâm phạm. Dù đã bị phạt hành chính 13 lần, cơ sở này cũng thừa nhận vi phạm và cam kết thu hồi sản phẩm nhưng sự việc không được giải quyết dứt điểm. Thậm chí, cơ sở này đã nộp đơn kiện Cục Sở hữu trí tuệ và có giai đoạn được tuyên phần thắng. Một dạng nhái thương hiệu khác mà người tiêu dùng dễ bắt gặp ở các tuyến đường là các quán ăn đắt khách rất hay có các biển cảnh báo “quán không chi nhánh” dù bên cạnh có rất nhiều quán tương tự cũng treo biển “chính gốc”.

Đó là một số vụ việc đã được các chủ sở hữu xúc tiến những biện pháp bảo vệ mình. Thực tế, có rất nhiều trường hợp bị làm nhái nhưng chủ sở hữu chấp nhận “sống chung” hoặc bị cướp mất thương hiệu do “quên” đăng ký bảo hộ từ đầu.

Chủ yếu xử lý hành chính

Trao đổi với phóng viên về thực trạng hàng nhái, lãnh đạo Chi cục QLTT TP HCM nhìn nhận hàng hóa trên thị trường rất phong phú, cung ứng từ nhiều nguồn trong và nước ngoài. Bên cạnh hàng chính hãng, xuất xứ nhãn hiệu rõ ràng, bảo đảm tiêu chuẩn, vẫn tồn tại nhiều hàng giả, hàng nhái, trong đó phần lớn là hàng tiêu dùng.

“Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Nhờ kỹ thuật hiện đại, hình thức bao bì và tem nhãn giả rất giống hàng thật. Tem chống hàng giả phản quang có đặc điểm riêng cũng bị làm giả. Đối tượng sản xuất hàng nhái phần lớn là các cá nhân hoạt động riêng lẻ, kín đáo. Nơi buôn bán hàng nhái thường là cửa hàng kinh doanh cố định. Một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh cũng sản xuất và buôn bán hàng nhái” - đại diện Chi cục QLTT TP HCM đánh giá.

Theo lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, khi xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể dùng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Trong đó, với hàng nhái, biện pháp phổ biến nhất tại Việt Nam là xử lý hành chính. Ưu điểm của biện pháp này là xử lý nhanh (thông qua các lực lượng thực thi như thanh tra khoa học và công nghệ, QLTT, công an) nhưng chưa bảo đảm quyền lợi cho chủ sở hữu như bồi thường thiệt hại. Ở hình thức này, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tối đa 250 triệu đồng, tổ chức là 500 triệu đồng.

Với xu thế không hành chính hóa các quan hệ dân sự, các vụ việc liên quan đến hàng nhái sắp tới có thể sẽ được giải quyết thông qua tòa án. Đây là biện pháp chủ đạo của các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam lại chưa phát huy do thủ tục phức tạp, kéo dài và cả năng lực bất cập của người thực thi.

Hàng chục vụ xâm phạm

Theo thống kê của Chi cục QLTT TP HCM, trong năm 2016 và quý I/2017, QLTT đã kiểm tra 11 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Tang vật vi phạm gồm: 801,5 kg và 26.396 đơn vị sản phẩm khẩu trang, động cơ chạy xăng dùng cho máy cắt cỏ, đèn LED, nước uống đóng chai, bột giặt, nước rửa tay, quần lót nam, thực phẩm chức năng, rượu, bột trét tường, ba lô. Trị giá tang vật vi phạm lên đến 256.962.200 đồng, xử phạt 311.350.000 đồng.

Ngày 22-3-2016, Đội QLTT 4A kiểm tra Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thắng (gian hàng F7, Trung tâm Thương mại quận 10, 134/1 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10) do ông Nguyễn Ngọc Thanh là giám đốc làm đại diện. Qua kiểm tra, lực lượng QLTT tạm giữ 2.937 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng Bar-B xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, trị giá tang vật 191.000.000 đồng, xử phạt 85.000.000 đồng.

Ngày 25-11-2016, Đội QLTT 2A kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Thiên Hoàng Nguyên (127 An Dương Vương, phường 10, quận 6) do bà Nguyễn Thị Hải Yến là Chủ tịch HĐTV làm đại diện. Lực lượng QLTT đã tạm giữ 180 đơn vị sản phẩm động cơ chạy xăng dùng cho máy cắt cỏ xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và 80 đơn vị sản phẩm máy hái cà phê không có hóa đơn, chứng từ; trị giá tang vật 114.700.000 đồng, xử phạt 115.000.000 đồng.

VƯƠNG NGỌC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement