09/07/2019 04:00
Cuộc chiến 10 năm giành lại “chảo lửa” Chi Lăng: Bỏ 1.125 tỷ đồng chuộc lại! (bài 2)
Người trực tiếp ký bán sân vận động Chi Lăng một cách chóng vánh đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam. Nhiều cán bộ liên quan cũng "dính chàm".
Cán bộ vào tù
Theo hồ sơ, trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào giữa năm 2010, ông Trần Văn Minh. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thời điểm đó đã ký quyết định bán sân vận động Chi Lăng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm Tổng giám đốc.
Đà Nẵng sẵn sàng chi trả 1.125 tỷ đồng để chuộc lại sân vận động Chi Lăng. |
Đến đầu năm 2011 thì việc bán “chảo lửa” này về cơ bản đã hoàn tất và ông Minh cũng rời nhiệm sở, được điều động làm Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương. Sau khi Phạm Công Danh bị bắt, toàn bộ 10 sổ đỏ của sân vận động Chi Lăng bị doanh nghiệp này cầm cố tại các ngân hàng thì tháng đến 4/2018, ông Trần Văn Minh bị bắt vì các sai phạm liên quan đến bán đất công sản.
Những sai phạm trong việc bán sân vận động Chi Lăng từng được đưa ra xử lý tại các cuộc họp của Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng. Trong đó có yêu cầu phải làm rõ các sai phạm của các lãnh đạo ký văn bản bán đất, đến trách nhiệm của cán bộ tham mưu như kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ đề nghị.
Đến tháng 7/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Phan Xuân Ít, nguyên Phó Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng. Ông Ít trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý đô thị đã tham mưu lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng ban hành các văn bản không đúng với quy định pháp luật về đất đai.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cũng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đình Thống, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất TP. Đà Nẵng. Lý do là ông Thống đã ký hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng với quy định pháp luật về đất đai.
Đến tháng 3/2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố các bị can đối với ông Ít và ông Thống cùng nhiều bị can khác do liên quan đến sai phạm trong việc bán sân vận động Chi Lăng và bán nhà công sản cho Vũ “nhôm”.
Đòi lại sân Chi Lăng
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như trên các diễn đàn, người dân và chính quyền Đà Nẵng đều bày tỏ mong muốn được giữ lại sân vận động Chi Lăng. Bởi đó là niềm tự hào và là biểu tượng một thời của TP. Đà Nẵng.
Công an khám nhà ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng hồi tháng 4/2018. |
Ngày 28/11/2018, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trình bày tâm tư nguyện vọng của người dân thành phố, cũng như kiến nghị được giữ lại sân vận động Chi Lăng. Trong văn bản này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có báo cáo Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nội dung bản án liên quan đến Phạm Công Danh và số nợ ngân hàng của doanh nghiệp này.
UBND TP. Đà Nẵng cũng thừa nhận, việc giao khu phức hợp Chi Lăng cho Cty TNHH tập đoàn Thiên Thanh, không thông qua đấu giá theo quy định là trái pháp luật. Do đó, Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân vận động Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp.
Cuộc chiến 10 giành lại “chảo lửa” Chi Lăng: Không thể thi hành bản án (bài 3)
Bản án của TAND TP.HCM buộc Phạm Công Danh phải bồi hoàn số tiền hơn 4.000 tỷ đồng bằng tài sản kê biên là các lô đất ở sân Chi Lăng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp