17/02/2017 10:35
Cùng nhau quản lý tốc độ sống, được không?
Xử phạt hành vi chạy xe lên vỉa hè như đang thực hiện ở Q.1 (TP.HCM) là cần thiết để răn đe, hạn chế hành vi vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, thử bàn thêm nguyên nhân khác để có giải pháp căn cơ hơn.
Ngoài một số người thiếu ý thức chấp hành luật giao thông, môi trường đô thị TP.HCM còn có muôn vàn lý do được viện dẫn cho việc người ta phảichạy xe leo lên vỉa hè.
Áp lực từ nhịp sống nhanh
Di chuyển trong một luồng xe chật hẹp vào giờ cao điểm mà ai cũng bận rộn với nếp sống đô thị, nhiều người lái kỹ, chậm rãi có thể bị những người lái ẩu lấn lướt, ép dần dần sát vào lề, bị bỏ lại phía sau.
Phía trước thì bị kẹt xe, con cái ở nhà đợi cơm, đợi mẹ, chưa kể đối tác làm ăn đòi hỏi đúng giờ... Vậy là nhiều người leo vỉa hè - chấp nhận thực hiện một hành vi sai trái.
Có nhiều tuyến đường, người bị ép vào vỉa hè không muốn leo lề để không vi phạm nhưng chưa chắc thực hiện được: nếu không leo, cả nhóm người phía sau cùng nhau bóp kèn, thậm chí chửi bới.
Việc dừng lại cho đúng luật ở những tình huống như vậy cũng có thể bị cho là “không bình thường” trong mắt cư dân đô thị. Vậy là nhiều người leo vỉa hè...
Những lúc kẹt xe, người người buộc phải tranh giành từng centimet để di chuyển. Hành vi nhường đường - hành vi đúng - bị tiêu diệt.
Khi đó, tâm trạng người lái xe căng thẳng, sẵn sàng đánh nhau với những ai động nhẹ vào mình; về đến nhà thì cảm thấy mệt mỏi, dễ nổi cáu với mọi người. Hóa ra, giao thông có thể ảnh hưởng ghê gớm đến nhân cách của cư dân đô thị.
Cũng như vậy, nhịp sống nhanh của đô thị làm cho văn hóa xếp hàng khó hình thành. Vào tiệm mua bánh mì, do có quá ít người chịu xếp hàng chẳng lẽ mình cứ đứng tần ngần? Thôi thì cứ tham gia giành ưu tiên một cách thiếu sòng phẳng, mặc cho ngành du lịch và dịch vụ bị ảnh hưởng thế nào.
Những vấn đề này về lâu dài có thể ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống bởi hành vi sai lấn lướt hành vi đúng.
Cùng nhau quản lý tốc độ sống
Thử bàn một giải pháp nhỏ: cùng nhau quản lý tốc độ sống. Ở nước ta, bài học về các kỹ năng quản lý thời gian, tốc độ sống chưa được xem trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân trong khi các kỹ năng này vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng văn minh đô thị.
Ở các nước phát triển, như Úc chẳng hạn, học sinh được rèn luyện các kỹ năng này rất nghiêm túc, từ tiểu học đến cao học và cả trong cuộc sống hằng ngày. Các bậc phụ huynh ở đây thường hay dạy con cái, nhắc nhau bằng câu “Slow down to speed up!” (Sống chậm lại để tăng tốc).
Trong sinh hoạt hằng ngày, đa số người dân Úc dự trù sẵn một lượng thời giờ cho các tình huống bất ngờ; xếp hạng ưu tiên công việc, lược bớt những công việc không cần thiết để giảm áp lực thời gian, ít để sự bận rộn ảnh hưởng tâm lý, hành vi.
Bởi vậy họ có đủ một lượng thời gian để sẵn sàng nhường đường cho người đi bộ; xe lớn nhường xe nhỏ; người đi bộ, xe đạp được ưu tiên gần như tuyệt đối.
Chỉ cần một hành vi không hay như lấn lướt người đi bộ, xe đạp, phụ nữ, trẻ em, người già thì có thể gặp rắc rối to bởi chính cộng đồng đang di chuyển trên đường và pháp luật.
Hầu hết các du học sinh trước khi sang Úc học thường phải trải qua ít nhất một khóa học bắt buộc liên quan đến quản lý thời gian, lập kế hoạch cho cá nhân.
Đa số du học sinh sang Úc khoảng 6 tháng đầu cảm thấy chán nản vì lối sống “chậm” của họ, nhưng sau đó quen dần việc quản lý kế hoạch thời gian, cảm nhận được rằng đó không phải sống “chậm” mà là sự trầm tĩnh, có nề nếp, nhịp nhàng để “tăng tốc” một cách bền vững.
Tất nhiên, so với đô thị các nước phát triển, công tác quy hoạch và quản lý ở các đô thị nước ta chưa đáp ứng yêu cầu nên dễ đặt người dân trong tình trạng bận rộn, phải tranh thủ từng phút từng giây.
Để chấn chỉnh tình trạng này, khoa học tâm lý học, giáo dục và xã hội học cần vào cuộc để tư vấn cho các nhà quản lý đô thị.
Còn trước mắt, mỗi người cần dành ít phút lập kế hoạch quản lý thời gian như cách làm của người dân Úc, ghi nhớ mỗi ngày và thực hiện nghiêm túc là có thể cùng nhau góp phần cải thiện tình hình.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp