14/03/2017 07:04
Cục Hàng không lại xin tăng phí dịch vụ, yêu cầu giữ trần giá vé
Không những xin tăng giá, Cục Hàng không và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam còn đồng kiến nghị tính phí theo khung giờ cao điểm và thấp điểm.
Cục Hàng không vừa trình Bộ Giao thông Vận tải khung giá, mức giá một số dịch vụ hàng không dựa trên kiến nghị của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Trao đổi vớiZing.vn, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết tăng phí là cần thiết để tái đầu tư hạ tầng. Việc tăng giá dịch vụ hàng không là hợp lý. Nhưng lãnh đạo Cục yêu cầu các hãng giữ nguyên mức trần giá vé máy bay, ngay cả khi tăng phí dịch vụ.
Theo đó, để đảm bảo doanh thu đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ tương ứng (hòa vốn) cho ACV, Cục Hàng không nhất trí với kiến nghị tăng mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa, để ACV có thể đạt tỷ suất lợi nhuận 10%.
“Nhận thấy việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số cảng hàng không chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội, Cục đề xuất xây dựng chính sách giá hạ, cất cánh đối với chuyến bay quốc nội theo khung giờ, tác động để các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, đảm bảo phù hợp với năng lực khai thác của các cảng hàng không”, văn bản gửi Bộ nêu.
Về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ, Cục đề xuất giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay quốc nội, giai đoạn 1 (áp dụng từ ngày 1/7) sẽ tăng 5%, giai đoạn 2 (áp dụng từ ngày 1/1//2018), tiếp tục tăng thêm 10%.
Nói cách khác, mức giá cất hạ cánh áp dụng đối với các chuyến bay nội địa tại các sân bay nhóm A và B trong khung giờ bình thường (giai đoạn 1) là 698.000 đồng/lần cho máy bay trọng tải cất cánh tối đa dưới 20 tấn. Cao nhất là hơn 10,5 triệu đồng/lần cho máy bay cất hạ cánh có trọng tải từ 250 tấn trở lên.
Từ giai đoạn 2 giá sẽ tăng lên. Với máy bay cất/hạ cánh có tải trọng tối đa dưới 20 tấn là 765.000 đồng/lượt, cao nhất với máy bay cất/hạ cánh có tải trọng đối đa 250 tấn trở lên là hơn 11,6 triệu đồng. Vào khung giờ cao điểm, giá dịch vụ cất hạ cánh sẽ thu bằng 115% giá dịch vụ cất hạ cánh khung giờ bình thường.
Cục Hàng không cũng kiến nghị tăng một số dịch vụ đối với hành khách (nhà khai thác thu hộ), như giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý... Đối với hành khách, hành lý quốc tế là 2 USD/hành khách; với hành khách, hành lý quốc nội là 18.181 đồng/hành khách.
Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không với khách đi chuyến bay quốc tế tại sân bay Nội Bài là 25 USD/người, Tân Sơn Nhất là 20 USD/người, Phú Quốc là 18 USD/người, Cần Thơ là 16 USD/người…; Đối với hành khách đi chuyến bay nội địa tại cảng hàng không nhóm A xấp xỉ 91.000 đồng/người, các sân bay nhóm B xấp xỉ 73.000 đồng/người…
Theo tính toán của ACV, nếu đề xuất trên được thông qua, các hãng hàng không dự kiến phải tăng chi hơn 143 tỷ đồng/năm, tương đương 5.188 đồng/hành khách (chiếm tỷ lệ 0,11% giá vé máy bay).
“Tỷ lệ quá nhỏ như vậy không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay”, ACV khẳng định.
Năm ngoái, khi ACV kiến nghị tăng giá dịch vụ tại cảng hàng không, mức tăng cao nhất lên đến 42%, một số hãng hàng không đã có phản ứng. Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air đánh giá nếu áp dụng việc tăng như đề xuất, thì năm 2017 hãng sẽ bị tăng chi phí lên hơn 200 tỷ đồng. Không chỉ thế, giá phục vụ và giá soi chiếu an ninh hành khách/hành lý cũng tăng rất mạnh.
Đại diện Jetstar Pacific cũng cho rằng việc tăng phí dịch vụ cảng hàng không, sân bay chắc chắn sẽ tác động đến giá vé máy bay vì chi phí đầu vào tăng.
Advertisement
Advertisement