01/07/2020 15:07
Cửa khẩu Lao Bảo thông quan cho hơn 2.400 con heo Thái Lan
Tối ngày 30/6, tổng cộng có 2.470 con heo sống từ Thái Lan được nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).
Tối ngày 30/6, theo thông tin từ Chi cục Thú y vùng III, tổng cộng có 2.470 con heo sống từ Thái Lan được nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).
Cụ thể, Công ty TNHH Dinh Dưỡng Quốc Tế Việt Đức nhập khẩu 640 con heo bố mẹ; Công ty TNHH MTV Quốc Tế Đồng Lợi nhập khẩu 330 con heo thịt; Công ty TNHH MTV LB Phú Trọng, Công ty TNHH Tân Triều T&P và Công ty TNHH ATVN, mỗi công ty nhập khẩu 500 con heo thịt.
(Ảnh minh họa). |
Ông Lê Đình Huệ, Chi cục phó Chi cục Thú y vùng III, cho biết việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan được kiểm soát rất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Sau khi về Việt Nam được kiểm tra lâm sàng và tiếp tục đưa về khu cách ly để kiểm tra giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để khẳng định đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm", ông Huệ chia sẻ với Đời sống và Pháp Lý.
Trước đó, vào cuối tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã kí công văn gửi Cục Thú y cho phép nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên nước ta cho phép nhập khẩu chính ngạch heo sống. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, giá thịt heo trong nước không ngừng tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng. Việc cho phép nhập khẩu heo sống sẽ giúp bình ổn giá heo trong nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này, mới có 500 con heo sống nhập khẩu từ Thái Lan được giết mổ bán ra thị trường, vì vậy nguồn cung chủ yếu vẫn là heo nuôi trong nước. Theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn heo cả nước hiện đạt gần 2,5 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn heo trước khi có dịch tả heo châu Phi.
Dịch tả heo Châu Phi bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành phía Bắc. |
Cũng theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính riêng tháng 6/2020, cụ thể đến ngày 28/6/2020, dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 143 xã (bao gồm 1 xã mới và 142 xã tái phát) của 14 tỉnh. Tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong tháng 6 là 5.856 con. Như vậy, tính đến thời điểm này, cả nước có 255 xã thuộc 66 huyện của 20 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả heo Châu Phi.
Dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ca đầu tiên tại Việt Nam đầu tháng 2/2019. Sau đó, dịch đã lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước, tổng số đầu heo tiêu hủy đến thời điểm hiện tại trên 6 triệu con.
Bệnh Dịch tả heo Châu Phi xuất hiện lần đầu tiên tại Kenya, Châu Phi năm 1921, từ đó đến nay con người vẫn chưa tìm ra được vắc-xin cũng như thuốc đặc trị cho loại dịch bệnh nguy hiểm trên heo này.
Dịch tả heo Châu Phi cực kỳ nguy hiểm đối với heo bởi tỷ lệ bị chết khi nhiễm bệnh lên tới 100%. Tuy nhiên, virus Dịch tả heo Châu Phi chỉ lây từ heo sang heo, không có khả năng lây nhiễm sang người.
Theo ghi nhận, thị trường heo hơi miền Bắc hôm nay 1/7 tiếp tục tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg ở một số địa phương.
Trong đó, Thái Bình, Tuyên Quang sau khi điều chỉnh tăng đã chạm mốc 93.000 đồng/kg, ngang bằng với Ninh Bình, đây cũng là mức giá cao nhất cả nước thời điểm hiện tại. Sau nhiều ngày liên tục giảm sâu, giá heo hơi hôm nay miền Trung, Tây nguyên bất ngờ đứng yên, không có điều chỉnh mới.
Mức giá thấp nhất khu vực là 74.000 đồng/kg, có mặt tại Bình Thuận. Cao hơn có Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận thu mua với 75.000 đồng/kg. Một số địa phương vẫn còn neo ở sát ngưỡng 90.000 đồng/kg là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Dao động từ 85.000 - 88.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, đà giảm đã chững lại từ tuần trước, giá heo hơi hôm nay đứng yên, dao động quanh mốc 85.000 đồng/kg. Riêng Bến Tre hôm nay tăng 1.000 đồng/kg, đưa mức giá heo hơi khu vực này lên 87.000 đồng/kg, ngang bằng với Cần Thơ.
Giá heo hơi vẫn duy trì mức cao nên giá heo thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Advertisement
Advertisement