Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cử nhân trở thành 'xe ôm công nghệ', bài toán khó giải hay vấn nạn cấp thời?

Sức khỏe

25/07/2017 11:54

Những thủ tục vô cùng đơn giản lại tạo nguồn thu nhập ổn định, khiến thời gian qua, giới sinh viên và Cử nhân đổ xô đi làm tái xế Grab, Uber rất nhiều, trở thành một thực trạng đáng báo động.

Hình ảnh những anh “xe ôm công nghệ” xuất hiện tràn ngập trên đường phố đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Bắt đầu khai thác thị trường Việt Nam từ năm 2014, Uber và Grab dần trở thành hình thức di chuyển được ưa chuộng của một bộ phận người dân.

Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều người trẻ mà đa phần là sinh viên hay Cử nhân mới ra trường chưa tìm được việc làm đã quyết định đăng kí tham gia, trở thành xe ôm của hãng. Tuy nhiên, liệu lựa chọn này là đúng hay sai?

Đơn giản, dễ làm

Chỉ cần vài cú click chuột trên trang web, người hướng dẫn sẽ gọi điện đến và giải thích các thủ tục cho ai có nguyện vọng tham gia. Đối với các bạn sinh viên, mang thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân, bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xe máy đến đăng ký là hoàn tất công đoạn trở thành một tài xế GrabBike.

Còn với những đối tượng khác, ngoài những giấy tờ trên còn cần sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu. Sau đó, tài xế sẽ được bổ túc 2 tiếng đồng hồ về kiến thức công ty, phong cách phục vụ khách hàng và trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm. Nếu vượt qua, sẽ được cấp mã số, cài ứng dụng Grab trên điện thoại và chính thức trở thành một “xe ôm công nghệ” mà không cần đóng bất cứ khoản phí nào khác.

Chính sách của Uber cũng tương tự, có lẽ yêu cầu cơ bản và duy nhất chính là bạn phải thông thuộc đường xá. Khi chạy đủ 10 cuốc, tài xế sẽ được phát áo, áo mưa và mũ bảo hiểm đồng phục của công ty.

Thủ tục để trở thành một tài xế Uber hay Grab vô cùng đơn giản.

Về phần thu nhập, anh Nguyễn Tấn Tài (sinh năm 1993) – một tài xế Uber mô tô khu vực Bình Dương chia sẻ với chúng tôi, nếu chạy part-time, tức là rảnh lúc nào thì chạy lúc đó, khoảng 4 - 6 tiếng/ngày thì thu nhập khoảng 200-300 nghìn đồng tùy vào lộ trình xa hay gần.

Còn nếu chăm chỉ chạy cả ngày, thu nhập có khi lên đến 500-700 nghìn đồng, một con số có thể nói là khá cao so với mặt bằng chung. Số tiền này đã được trừ chi phí xăng xe và chiết khấu phần trăm cho công ty.

Ngoài ra, vào nhiều khung giờ trong ngày như giờ cao điểm, giờ tan tầm, nhu cầu của người dân tăng cao, hãng sẽ có chính sách tăng giá, trợ giá để hỗ trợ tài xế. Hay như dịp Tết Nguyên đán, GrabBike tăng giá lên gấp 2, 3 lần, tài xế có thể có thu nhập từ 1 triệu – 1 triệu 500 đồng/ngày.

Nếu chăm chỉ, thu nhập của "cánh" tài xế xe ôm có thể sẽ khá cao.

So với Grab, Uber có “thiệt thòi” hơn một chút khi trước đó, Bộ GTVT từ chối đề án thí điểm. Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến thu nhập của “cánh” Uber mô tô. Mặt khác, Uber cũng liên tục có những chính sách và trả công rất hậu hĩnh cho lái xe.

Chính những thủ tục vô cùng đơn giản, lại tạo nguồn thu nhập khá nếu làm nghiêm túc, là những lý do khiến thời gian qua, giới sinh viên và Cử nhân đổ xô đi làm tái xế Grab và Uber rất nhiều.

“Một con cá lội, mấy người buông câu”

Việc dễ thì ai cũng “nhảy” vào làm, dẫn đến tình trạng nhiều người bị hút vào tham gia loại hình vận chuyển mới mẻ này và “xe ôm công nghệ” xuất hiện ngày càng dày đặc.

Giai đoạn đầu năm 2015 đến giữa năm 2016 là thời kỳ hoàng kim của Grab và Uber khi khách hàng bắt đầu biết đến và sử dụng rất nhiều. Những lý do như giá rẻ, khuyến mãi liên tục, phần mềm tiện lợi nên được nhiều người lựa chọn.

Tuy nhiên, theo nhiều thống kê, khoảng gần 1 năm trở lại đây, lợi nhuận từ chạy Grab và Uber không còn quá lớn như trước do sự cạnh tranh giữa các tài xế. Các chính sách hỗ trợ từ phía công ty cũng giảm dần trong khi số tài xế ngày một tăng. Chỉ cần mở app, có thể thấy lượng tài xế còn nhiều hơn lượng người có nhu cầu.

Trong một khu vực nhỏ nhưng tập trung khá đông tài xế GrabBike.

Bên cạnh đó, những mối nguy hại khi bùng nổ mâu thuẫn nhằm giữ chân khách hàng với giới "xe ôm truyền thống" dần dần xảy ra cực kỳ gay gắt. Khi phát sinh những vấn đề nghiêm trọng, chính tài xế là những người chịu trách nhiệm chứ không phải công ty, nếu có, bất quá cũng chỉ là khoản hỗ trợ nhỏ để gọi là động viên.

Mặt khác, những yêu cầu rất đơn giản về mặt giấy tờ, pháp lý cũng chính là “con dao hai lưỡi”. Hầu như tài xế không được công ty chi trả các khoản như BHXH, BHYT cũng như các điều khoản đảm bảo khi lái xe gặp nạn.

Thời gian qua, dư luận đã chứng kiến rất nhiều trường hợp "xe ôm truyền thống" và "xe ôm công nghệ" xảy ra mâu thuẫn.

“Xe ôm công nghệ” – Việc tạm qua ngày

Theo các chuyên gia, ngay trong năm 2017 này, cả nước sẽ có thêm khoảng 200 nghìn Cử nhân thất nghiệp. Đây có thể được xem là một con số đáng báo động khi tỉ lệ Cử nhân quá nhiều, dẫn đến dư thừa về lao động.

Cử nhân mới ra trường hoặc đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng lại chưa tìm được việc làm phù hợp. Thậm chí là trình độ Thạc sĩ cũng chấp nhận làm trái ngành được đào tạo, những công việc phổ thông không yêu cầu bằng cấp hay trình độ chuyên môn, đang là thực trạng của thị trường lao động hiện nay. Việc này đã cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian và công sức.

Chắc hẳn bất cứ ai khi nghe đến đều chép miệng tiếc nuối xen lẫn xót xa khi đội ngũ "thất nghiệp trí thức" với một số lượng quá đông, đã chọn cho mình cái nghề mang tính đặc thù lao động đầy giản đơn: xe ôm. Phải chăng xã hội phát triển quá, nên khiến người có ăn có học tử tế vẫn không có việc làm đàng hoàng?

Để quy chụp lỗi do ai thì có rất nhiều, nhưng trước hết lỗi vẫn là ở chính các em không tự xác định bản thân mình muốn gì và có thể làm được gì. Thậm chí, có những bạn đã xin được việc nhưng khả năng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc hay do không chịu nổi áp lực cũng nghỉ ngang.

Việc sống trong một xã hội quá trọng bằng cấp, vô hình chung khiến các em học sinh xem Đại học là "chiếc vé" duy nhất vào đời mà không chọn học nghề, rèn giũa kỹ năng, va chạm thực tế để đúc kết kinh nghiệm.

Một dấu hiệu đáng mừng đó là, theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu Giáo dục, việc sinh viên, Cử nhân đi chạy Uber, Grab không phải là một vấn nạn ồ ạt mà chỉ ở phạm vi hẹp. Mưu sinh là điều bắt buộc, nhưng chỉ cần trò chuyện qua với một số người, họ đều xác định nghề tài xế Uber và Grab chỉ là công việc tạm thời vì “miếng cơm manh áo”.

Ai mà chẳng muốn được làm, được cống hiến cho những công việc mà mình đã được trang bị kiến thức, chứ không phải là một tài xế rong ruổi ngoài đường, cả ngày đối mặt với khói bụi và hiểm nguy. Chắc hẳn, khi có cơ hội, họ sẽ chuyển nghề ngay.

Những bạn trẻ, đặc biệt là những người có nền tảng về mặt tri thức đủ tỉnh táo và khôn ngoan để tự nhận biết, ngoài những lợi nhuận trước mắt, các bạn sẽ gặp rất nhiều rủi ro, không được hưởng các chính sách từ xã hội... cũng như bản thân đang phí hoài 4, 5 năm tuổi trẻ học tập trên giảng đường.

P.V (Thế giới trẻ)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement