Đánh giá trên do ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra tại Hội thảo "Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam".
Trong 10 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp luôn là lĩnh vực giúp cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vai trò của
doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế bởi lượng doanh nghiệp lập ra thì nhiều mà hoạt động hiệu quả thì không đáng là bao.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Ngành nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đang giành được sự chú ý áp đảo, vượt qua cả ngành công nghiệp.
Trước đây, toàn bộ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hoá của nước ta đều tập trung vào công nghiệp còn nông nghiệp và dịch vụ vẫn chưa đóng vai trò chủ đạo. Nhưng hiện nay, công nghiệp đang có dấu hiệu "giảm ga" và nông nghiệp được đẩy mạnh.
Lượng doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp đang ngày càng nhiều như: TH-True Milk, Vingroup, HAGL, Hoà Phát,...
"Sự chuyển hướng mạnh mẽ này của doanh nghiệp là động thái rất tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi trước nay ngành nông nghiệp chỉ có nông dân với nhà nước. Việc xảy ra tình trạng "được mùa rớt giá" khiến cộng đồng phải giải cứu nông sản như vụ việc của dưa hấu, chuối, thịt lợn,.. là do chưa có sự đóng góp mạnh mẽ của doanh nghiệp", ông Thiên cho biết.
Chính doanh nghiệp sẽ là đối tượng có thể giải cứu ngành nông sản chứ không phải là người tiêu dùng, bởi có doanh nghiệp tham gia vào ngành nông nghiệp sẽ bài bản chứ không manh mún và tự phát như hiện nay.
Dù vậy, trong 5 năm gần đây, lượng doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng kỷ lục nhưng quy mô vốn tăng lên không đáng kể. Đồng thời, quy mô lao động của các doanh nghiệp ngày càng nhỏ, số lao động trung bình của doanh nghiệp giảm mạnh từ 27 lao động xuống 18 lao động trong năm 2015.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không muốn lớn và lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn dè dặt. Đây cũng là một trở ngại cho sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp bởi đối với thế giới, doanh nghiệp ít lao động chưa phải là yếu nhưng với Việt Nam thì doanh nghiệp quy mô nhỏ, ít lao động, số vốn ít thì đa phần hoạt động còn kém vì chưa có mạng lưới phân phối, công nghệ…
"Trong 3 tháng đầu năm nay, cứ 10 doanh nghiệp mở ra thì 9 doanh nghiệp đóng cửa. Điều này gây ra chi phí cực kỳ
tốn kém, khiến doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được vì chưa kịp lớn đã "hy sinh" rồi", ông Thiên cho biết thêm.
Năm 2016, Đảng và Nhà nước đã thông qua chương trình tái cơ cấu và đẩy mạnh nông nghiệp. Tuy nhiên, cần tư duy lại căn bản về phát triển nông nghiệp nông thôn, nhất là việc chaỵ theo sản lượng trong sản xuất lúa gạo và các nông sản khác.
Đồng thời, việc sở hữu đất đai cũng là câu chuyện gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai thì không thể đầu tư quy mô lớn và nếu chính sách không ổn định thì doanh nghiệp rất dễ gặp rủi ro. Khởi nghiệp cũng cần đẩy mạnh, nhưng không nên tập trung theo số lượng mà cần tập trung vào việc hoạt động có hiệu quả đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.