11/03/2018 12:11
CPTPP sẽ giúp nông dân và ngư dân dễ dàng đưa sản phẩm ra nước ngoài
CPTPP sẽ tác động tích cực, tập trung vào những ngành có tác động nhiều đến nông dân, ngư dân... giúp xóa đói giảm nghèo.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước tham gia. Trong đó, có Việt Nam đã được ký kết vào sáng 9/3. Dù không có sự tham gia của Mỹ nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất, dự kiến sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho các nước tham gia.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên Bộ Công thương, CPTPP kế thừa toàn bộ cam kết mở cửa thị trường, đầu tư, mua sắm công của TPP. Do đó, cơ bản 100% dòng thuế với tất cả hàng hóa sẽ về 0%. Điểm đáng lưu ý với Việt Nam, các nước sẽ dành cho Việt Nam lộ trình tương đối dài hơn.
Có rất nhiều cam kết mở cửa thị trường các nước dành cho Việt Nam ở mức rất cao. Ví dụ với nông nghiệp có mặt hàng cá ngừ. Trước đây, Nhật Bản chưa mở cửa thì nay ta đã đạt được cam kết tốt hơn nhiều.
Đây là lợi thế khi Nhật là nước có dung lượng thị trường lớn, giá cao. Hoặc các mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh. Thủy sản cũng có cơ hội như vậy dù lộ trình giảm thuế dài hơn.
Cá ngừ Bình Định sẽ dễ dàng vào Nhật hơn sau khi ký kết Hiệp định CPTPP. |
CPTPP dù không còn Mỹ nhưng những cam kết về mở cửa thị trường vẫn được giữ nguyên. Do đó, ở nhiều lĩnh vực như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... đều đạt được thỏa thuận chất lượng cao.
Ngoài ra, là cơ hội khai thác các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.... CPTPP sẽ tác động tích cực khá tập trung vào những ngành có tác động nhiều đến nông dân, ngư dân... giúp xóa đói giảm nghèo.
Ông Thái cho biết thêm, phần lớn các nước khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) là nhìn vào cơ hội mở cửa thị trường, sau khi tham gia đạt được như thế nào và với Việt Nam cũng vậy. Với CPTPP, nội dung mở cửa thị trường được giữ nguyên như TPP, tức là tiêu chuẩn mở cửa thị trường rất cao.
Với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn, thường khoảng 7 năm. Còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển. Cơ bản các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% đối với tất cả các mặt hàng.
Hiện nay, thuế trung bình khi xuất khẩu sang các nước CPTPP khoảng 1,7%. Nếu thuế đưa về 0% thì tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Mặc dù Mỹ rút khỏi TPP, nhưng với thị trường 500 triệu dân của nhiều nước CPTPP có quy mô kinh tế tương đối lớn thì lợi ích đối với Việt Nam tương đối rõ rệt.
Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước. Đơn cử như trước đây, ta không chú ý lắm tới mua sắm công của các nước, nhưng gần đây ta có vươn ra mua sắm công ở nước bên ngoài, chẳng hạn như Tập đoàn FPT có dịch vụ phần mềm tại Nhật Bản...
“Lợi ích gián tiếp cao hơn nhóm lợi ích trực tiếp mở cửa thị trường. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), CPTPP trực tiếp giúp Việt Nam tăng trưởng 1% GDP nhưng gián tiếp có thể tăng 3,6 điểm phần trăm trong GDP”, ông Thái nói.
Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên Bộ Công thương cho biết thêm, đó là chưa kể khi triển khai hiệu quả, hiệp định còn có lợi ích khác như lợi ích từ phi thuế quan. Chưa có công cụ chỉ ra lợi ích từ việc phi thuế quan mang lại khi tham gia hiệp định.
Nhưng trên thực tế, khi các nước có hiệp định thương mại tự do với nhau tức là chấp nhận luật chơi chung, có chất lượng quản lý, thương mại, nội dung quan tâm phát triển thì có sự tin tưởng nhau hơn. Vì vậy, nhiều trường hợp rào cản phi thuế quan giữa các nước giảm đi nhiều.
Đơn cử như thời gian trung bình để một nước công nhận 1 mặt hàng tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đi vào nước họ đối với nước trong FTA giảm 3 lần so với nước không có FTA gặp phải.
Chẳng hạn, Việt Nam phải mất nhiều năm để thuyết phục các nước là quả thanh long của Việt Nam an toàn. Nhưng nếu đã có hệ thống thông qua tiêu chuẩn của FTA để người ta tin tưởng, hàng hóa Việt Nam tuân thủ quy định quốc tế thì thị trường nước ngoài sẽ tin tưởng hơn, giúp xuất khẩu của ta thuận lợi hơn. Đây là lợi ích các FTA trong quá khứ đã cho thấy nhưng để lượng hóa ngay khi FTA vừa ký là khó.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp