Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

COVID-19 làm chậm quá trình chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Quản trị

18/08/2021 19:16

Sự bùng phát gần đây của COVID-19 đang phá vỡ kế hoạch của Apple, Google, Amazon và các nhà cung cấp, nhằm chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
news

Làn sóng COVID-19 mới buộc các chính phủ phải thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus, đồng thời làm chậm quá trình đa dạng hóa chuỗi cung cứng của các công ty công nghệ sang Việt Nam.

Điều gì khiến các "ông lớn" công nghệ trì hoãn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam?

Loạt điện thoại thông minh Pixel 6 sắp tới của Google sẽ được sản xuất tại Trung Quốc, mặc dù công ty đã có kế hoạch chuyển sản xuất thiết bị cầm tay này sang miền Bắc Việt Nam vào đầu năm ngoái, nguồn tin giấu tên cho biết.

Giống như dòng Pixel 5, những chiếc điện thoại Pixel 6 sẽ được lắp ráp tại thành phố Thâm Quyến, do nguồn lực kỹ thuật ở Việt Nam còn hạn chế và khó khăn trong quy định về việc đi lại, người này cho biết thêm. 

Trong khi đó, Apple cũng bắt đầu sản xuất hàng loạt tai nghe AirPods mới nhất của mình ở Trung Quốc, thay vì ở Việt Nam như kế hoạch trước đó, hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết. 

Họ vẫn hy vọng trong tương lai Apple sẽ chuyển khoảng 20% ​​sản lượng AirPods mới sang Việt Nam. 

lay-mau-xet-nghiem.jpg
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang, ngày 15/5. Ảnh: Giang Huy

AirPods, cả hai mẫu bình dân và cao cấp, là một trong những sản phẩm sớm nhất mà Apple bắt đầu sản xuất với số lượng đáng kể tại Việt Nam, sau khi chuyển sản xuất sang quốc gia này khoảng hai năm trước, trong thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên cao.

Kế hoạch chuyển sản xuất MacBook và iPad sang Việt Nam cũng bị hoãn lại, do thiếu nguồn lực kỹ thuật, chuỗi cung ứng máy tính xách tay chưa hoàn thiện và tình hình COVID phức tạp.

Gần đây, Amazon cũng chuyển sản xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản xuất chuông cửa thông minh, camera an ninh và loa thông minh cho Amazon đã bị trì hoãn kể từ tháng 5, khi các cơ sở lắp ráp ở miền Bắc đất nước phải đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19.

Nhờ lực lượng lao động trẻ và vị trí gần Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế để thu hút các nhà sản xuất công nghệ khi Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất vào năm 2018.

Trong những năm gần đây, các nhà cung cấp của Apple, Google, Amazon, Microsoft và Dell đã thiết lập hoặc mở rộng nhà máy tại Việt Nam.  

Tuy nhiên, việc xây dựng một chuỗi cung ứng ở khu vực mới đòi hỏi các kỹ sư có kinh nghiệm và phải đào tạo cho công nhân địa phương.

Năm nay, cả Trung Quốc và Việt Nam đều áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. Điều này làm chậm quá trình chuyển dịch sản xuất giữa hai nước, một CEO chuỗi cung ứng của Apple và Google nói với Nikkei Asia.

Vị CEO này cho biết việc tiến hành giới thiệu sản phẩm mới - trong đó các công ty và nhà cung cấp làm việc cùng nhau để phát triển và sản xuất một sản phẩm hoàn toàn mới - tại Việt Nam đặc biệt khó khăn do thiếu kỹ sư.

"Lực lượng kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế", người này nói. "Với tất cả những hạn chế đi lại này, việc lựa chọn Việt Nam để sản xuất các sản phẩm đã được tạo ra hàng loạt ở nơi khác sẽ khả thi hơn so với việc bắt đầu sản xuất các sản phẩm hoàn toàn mới".

Trung Quốc sẽ làm mọi cách để ngăn các nhà sản xuất rời đi

Đầu tháng 8, Cơ quan Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc xác nhận rằng, họ đã thắt chặt kiểm soát biên giới và làm chậm việc cấp hộ chiếu cũng như giấy thông hành mới, để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể COVID-19 Delta.

"Chính quyền đã xem xét nghiêm ngặt tất cả hộ chiếu và đơn xin giấy thông hành của công dân, để ngăn chặn virus lây lan qua các cuộc di chuyển xuyên biên giới", một tài liệu được chính quyền công bố hôm 4/8 cho biết. 

"Chính quyền sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách nghiêm ngặt trong tương lai để hạn chế việc đi lại qua biên giới không cần thiết".

chuyen-dich-san-xuat.jpg
Để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, chính phủ Việt Nam yêu cầu các công ty tạm ngừng sản xuất, trừ khi họ có thể bố trí chỗ ngủ hoặc đi lại cho công nhân. Ảnh: N.Đ

Theo các nguồn tin, việc đưa người lao động sang Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn kể từ khi làn sóng COVID-19 gia tăng vào tháng 5.

Nhiều nhà quản lý chuỗi cung ứng nói với Nikkei Asia rằng, nhân viên Trung Quốc của họ khó xin đi công tác đến Việt Nam hơn, vì cần "nhiều tài liệu và yêu cầu hơn". Họ buộc phải cử các kỹ sư thuộc các quốc tịch khác, mặc dù vẫn phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn từ cả hai phía.

"Việc kiểm soát biên giới đã được thắt chặt trong vài tháng qua. Chúng tôi không thể dễ dàng cử kỹ sư Trung Quốc sang hỗ trợ các dự án sản xuất của chúng tôi cho Amazon ở miền Bắc Việt Nam. Vì vậy công ty đã đưa các kỹ sư Đài Loan được tiêm phòng đầy đủ từ Trung Quốc", quản lý cấp cao của một nhà cung cấp cho Amazon cho biết.

Để ngăn chặn sự lây lan các ca nhiễm COVID-19, các tỉnh trọng điểm của Việt Nam đã yêu cầu các nhà máy tạm ngừng sản xuất, trừ khi họ có thể bố trí chỗ ngủ hoặc đi lại cho công nhân.

Samsung Electronics tạm thời ngừng sản xuất tại TP.HCM và cắt giảm lực lượng lao động do tình hình COVID gia tăng. Hồi tháng 5, các nhà cung cấp chủ chốt của Apple là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đã tạm ngừng sản xuất tại miền Bắc Việt Nam để tuân thủ các biện pháp kiểm soát COVID chặt chẽ hơn.

Annabelle Hsu, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC, cho rằng bất kỳ trở ngại nào đối với Việt Nam, vốn đã nổi lên như một địa điểm sản xuất thay thế quan trọng cho Trung Quốc, có thể chỉ là tạm thời.

"Chúng tôi nhận thấy COVID-19 và các biện pháp của chính phủ đã có một số tác động đến dây chuyền sản xuất và làm chậm lại quá trình chuyển dịch sản xuất".

"Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như vậy trong thời gian dài, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và năng lực sản xuất đang phát triển của nước này", Hsu nói.

Trung Quốc luôn tự hào vì có chuỗi cung ứng điện tử lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới. Do đó, Trung Quốc sẽ làm mọi cách để ngăn chặn một số nhà sản xuất rời khỏi nước này, ông Hsu nói thêm.

"Đó là một cuộc giằng co lâu dài giữa sản xuất tại Trung Quốc và không phụ thuộc vào Trung Quốc. Cuối cùng, tốc độ chuyển dịch sản xuất sẽ phụ thuộc vào áp lực địa chính trị từ các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ hoặc Ấn Độ", ông Hsu quả quyết.

AN DI
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ