19/03/2021 09:18
COVID-19 đã đẩy 90 triệu người từ tầng lớp trung lưu toàn cầu xuống thành người nghèo
Một nghiên cứu của Trung tâm Pew cho thấy, tầng lớp trung lưu toàn cầu đã giảm 90 triệu người vào năm ngoái do đại dịch COVID-19 và điều này làm số người nghèo trên toàn cầu tăng thêm 131 triệu người.
Trong một nghiên cứu được công bố hôm 18/3, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng, tầng lớp trung lưu toàn cầu, những người kiếm được từ 10 đến 50 USD/ngày - đã giảm 90 triệu người xuống còn gần 2,5 tỷ người vào năm ngoái.
Theo ước tính của Pew, sự sụt giảm này đã làm số người nghèo, những người kiếm được dưới 2 USD/ngày, tăng thêm 131 triệu người.
Trong khi đó có khoảng 62 triệu người có thu nhập cao, những người kiếm được 50 USD trở lên mỗi ngày, đã trở thành tầng lớp trung lưu do hậu quả của đại dịch, Rakesh Kochhar, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Cũng theo nghiên cứu này, số người rơi vào khủng hoảng với tư cách là người thuộc tầng lớp trung lưu trên toàn cầu trên thực tế đã lên đến con số 150 triệu vào năm ngoái, nhiều hơn dân số của Pháp và Đức cộng lại.
Nếu ước tính của Pew đúng với dữ liệu mà Ngân hàng Thế giới thu thập được, thì đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990 tầng lớp trung lưu toàn cầu giảm.
Kể từ những năm 1990, tầng lớp trung lưu toàn cầu luôn tăng hàng năm do sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ.
Thống kê của Pew lần đầu tiên vào năm 2011 cho thấy, tầng lớp trung lưu chiếm 13% dân số thế giới.
Thống kê tiếp theo vào năm 2019 cho thấy con số này đã tăng lên gần 18%, Kochhar cho biết.
Theo Pew, trung bình có khoảng 50 triệu người gia nhập hàng ngũ tầng lớp trung lưu mỗi năm trong thập kỷ qua.
Trong một báo cáo riêng biệt được công bố bởi Ngân hàng thế giới hôm thứ 15/3, dựa trên khảo sát 47.000 hộ gia đình ở 34 quốc gia đang phát triển (gần 1,4 tỷ người), các nhà nghiên cứu tại cơ quan này phát hiện ra rằng, 36% hộ gia đình bị mất việc làm vào năm ngoái và gần 2/3 số hộ có thu nhập giảm. .
Kết quả của quá trình này đã làm cho sự nghèo đói gia tăng đầu tiên trên toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, các nhà nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho biết.
Các cuộc khảo sát ở các nước đang phát triển, từ Burkina Faso cho đến Colombia, Indonesia và Việt Nam cho thấy, gánh nặng của cuộc khủng hoảng rơi vào phụ nữ, thanh niên và lao động tự do ở các thành phố lớn.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự phục hồi này sẽ chậm hơn dự kiến.
Trong khi Hoa Kỳ đã nỗ lực giải cứu tài khóa lớn chưa từng có cho nền kinh tế của mình thì nhiều nền kinh tế đang phát triển không có đủ nguồn lực để thực hiện điều tương tự.
Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến tháng 9/2020, các nền kinh tế phát triển đã chi trung bình 7,4% GDP để cứu các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trong khi tại các thị trường mới nổi là 3,8% GDP và 2,4% ở các nước đang phát triển.
Theo Ngân hàng thế giới, có khoảng 124 triệu người sống dưới mức 1,90 USD/ngày vào năm 2020 và con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, dự kiến khoảng 163 triệu người.
Kochhar cho biết, sự phục hồi của tầng lớp trung lưu toàn cầu phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi ở các quốc gia chủ chốt như Ấn Độ. Tuy nhiên, theo ông, điều này vẫn chưa chắc chắn.
Theo Pew, Nam Á chiếm hơn một phần ba mức sụt giảm của tầng lớp trung lưu vào năm ngoái.
Bước sang năm 2020, kinh tế của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng gần 6% trong năm. Ngân hàng Thế giới hiện ước tính GDP của Ấn Độ sẽ giảm 9,6% trong năm tài chính tính đến ngày 31/3 năm nay.
(Tham khảo từ Bloomberg)
Advertisement
Advertisement