21/03/2021 17:39
COVID-19 - cơ hội để du lịch biển Việt Nam 'đập đi xây lại'
Năm 2019, du lịch Việt Nam trở thành điểm sáng, với 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, được xem là một năm kỷ lục. Tuy nhiên, giống như những nơi khác trên toàn cầu, COVID-19 đã khiến những con số này giảm mạnh. Suy thoái kinh tế đặc biệt rõ ràng trong ngành du lịch biển. Trong khi đó, vào năm 2017, du lịch biển đã đóng góp đến 70% tổng thu nhập toàn ngành.
Do đó, khi ngành du lịch "trượt dài" vì COVID-19, nhiều câu hỏi sâu sắc về tính bền vững của ngành xuất hiện. Sự mở rộng nhanh chóng và hỗn loạn của du lịch đã làm lộ ra những rạn nứt trong các chính sách bảo vệ môi trường.
Đồng thời, các ưu tiên phát triển đang ảnh hưởng đến khả năng tồn tại lâu dài của ngành, cũng như mối quan hệ kinh tế - xã hội mạnh mẽ một thời của Việt Nam với biển.
Chính phủ đang có tham vọng thu hút 50 triệu du khách quốc tế và 160 triệu du khách trong nước mỗi năm, từ năm 2030. Tuy nhiên, nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu doanh thu không bền vững từ du lịch biển có thể tiếp tục được bao lâu?
Bảo tồn văn hóa - Một bước cần thiết để phát triển bền vững
Phan Thiết, một thành phố cảng cách TP.HCM khoảng 200 km về phía Bắc, đã phát triển thành một trung tâm du lịch ven biển. Nơi đó có Vịnh Hàm Tiến, kéo dài về phía đông từ thành phố đến thị trấn chài Mũi Né, đã trở thành thủ phủ của khu nghỉ mát. Gần đây, Mũi Né cũng được thêm vào mạng lưới các khu du lịch quốc gia và sẽ sớm khai trương khách sạn nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam, Apec Mandala Wyndham, với 2.912 phòng.
Ông Võ Đình Vân, Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục Phổ thông tại Đại học Thái Bình Dương, Khánh Hòa, là người biết rõ về địa điểm này. “Tôi đã dành vô số giờ trên bãi biển này, học các kỹ năng sống với bạn bè và gia đình như cách câu cá, bơi lội và chơi bóng đá”, ông nhớ lại.
Ông nói, mặc dù bãi biển vẫn là nơi công cộng nhưng các hạn chế ra vào và đội ngũ an ninh của khu nghỉ mát đã ngăn cản những người không phải là khách sử dụng những khu vực này. Những thay đổi mà ông Vân chứng kiến đóng một vai trò quan trọng trong việc ông trở thành một nhà giáo dục về tư duy phản biện và một nhà từ thiện cho sự thay đổi.
Ông Vân nói rằng, cũng giống như nhiều khu vực ven biển khác, khi nơi này bắt đầu phát triển, hầu hết cư dân trở nên hào hứng và chào đón các nhà đầu tư.
“Họ có thể kiếm tiền dễ dàng từ việc bán nhà. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi đã hối hận khi nhận ra rằng, họ đã đánh mất quá khứ và những ngành công nghiệp truyền thống từng rất quan trọng đối với mục đích và cuộc sống của họ”.
Tất nhiên, điều này không phải là xấu. Ông Vân thừa nhận: “Sự phát triển cũng giúp nâng cao nhận thức về thế giới bên ngoài và về các cơ hội khác bên ngoài thị trấn này”. Tuy nhiên, khi người dân địa phương từ bỏ các ngành công nghiệp truyền thống, thì kiến thức địa phương và các nền văn hóa liên quan đã phát triển qua nhiều thế hệ cũng dần bị bào mòn.
Ông Vân nói, không chỉ có du khách nước ngoài, mà đang có sự thay đổi ngày càng lớn ở du lịch trong nước, các du khách hướng đến những chuyến du lịch trải nghiệm hoặc giáo dục, hơn là sự thư giãn đơn giản và sang trọng mà các khu nghỉ dưỡng ven biển mang lại.
Các địa điểm du lịch hút khách giờ là các trung tâm giáo dục kỹ năng và kinh nghiệm như đánh bắt cá, các chuyến đi khám phá và bảo tồn môi trường, sử dụng bản sắc và văn hóa ven biển vô giá của Việt Nam.
Chi phí cao, quy hoạch kém
Những năm gần đây, các khu nghỉ dưỡng Mũi Né đã báo cáo thiệt hại lên đến hàng trăm mét bãi biển và hàng chục nghìn USD mỗi năm, do việc phá hủy cơ sở hạ tầng và bồi hoàn cho khách vì không đáp ứng được yêu cầu của họ. Danh tiếng tự hào một thời của Mũi Né, là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á, đã trở nên mờ nhạt.
Trước đây, để ngăn những con sóng dữ, người ta thường dùng những rào chắn tạm bợ. Nhưng giờ đây, chúng đã được thay thế bằng "Geotubes" - một loại ống địa kỹ thuật giống như bao tải đường hầm khổng lồ. Kỹ thuật này hiện đại và an toàn hơn nhưng họ phải chặn hoàn toàn lối xuống biển cho khách và tạo ra những bậc thang lớn gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh Phan Thiết là một trong sáu điểm nóng trong báo cáo về "Bờ biển kiên cường: Phát triển vùng ven biển Việt Nam giữa cơ hội và rủi ro thiên tai".
Báo cáo cảnh báo rằng, các khu vực ven biển của trung tâm du lịch phải đối mặt với sự xói mòn nghiêm trọng tại nhiều địa điểm khác nhau, ảnh hưởng đến cộng đồng và đe dọa du lịch.
“Các trận bão có thể gây sạt lở vài chục mét, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khu du lịch trên địa bàn phường Hàm Tiến. Kết quả của sự xói mòn là, số lượng khách du lịch đã giảm 20% trong năm 2018 và đầu tư của các doanh nghiệp cũng giảm”, báo cáo cho biết.
Tại 28 tỉnh ven biển của Việt Nam, xói lở là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch”. Báo cáo nhấn mạnh rằng, 42% khách sạn ven biển nằm gần các bãi biển bị xói mòn.
Chú Hai, một ngư dân địa phương đã sống hơn 45 năm ven biển Mũi Né, cho biết: “Ngày nay việc ra biển khó hơn nhiều do diễn biến và lượng cát bị mất đi rất lớn”.
Ra ngoài khơi, chú Hai cho biết, cát ở đoạn bờ biển này từng kéo dài thêm 50 mét nhưng nay cần phải có tường chắn sóng. Ông tự cho mình là người may mắn vì đã thỏa thuận với một nhà hàng hải sản địa phương, cho phép ông kéo lưới mỗi sáng. Tuy nhiên, ông không chắc vận may của mình sẽ tồn tại được lâu, vì ngày càng khó duy trì mối quan hệ làm việc ổn định và tích cực với những người mới đến trong khu vực.
“Hầu như tất cả những ngư dân khác mà tôi từng làm việc đã rời khu vực này để trồng trọt. Họ trồng các loại cây như dừa và thanh long để có thu nhập đáng tin cậy hơn”, ông nói.
"Các ngư dân bỏ đi vì không thể làm việc tự do như trước, cũng như không thể đối phó với sản lượng khai thác hạn chế từ nghề cá địa phương đang suy giảm", chú Hai nói thêm.
Việt Nam có thể tận dụng suy thoái để thúc đẩy du lịch biển theo hướng bền vững
Alexandra Michat, Giám đốc Bền vững của Du lịch EXO và Giám đốc Quỹ EXO, đã xúc tiến du lịch tại Việt Nam từ năm 2013. Bà lo ngại rằng, lượng khách tập trung hiện tại của Việt Nam sẽ chỉ làm tăng thêm cơ sở hạ tầng và “phá hủy vẻ đẹp tự nhiên vốn có" của Việt Nam.
Để duy trì ngành du lịch và bảo tồn những tài sản thiên nhiên này, bà khuyên: “Việt Nam nên tránh sử dụng mô hình dựa trên kết quả hẹp và sử dụng các biện pháp định tính hơn, tính đến những thứ như sự hài lòng và ý kiến của du khách và quan điểm của người dân địa phương”.
Việt Nam hiện đang tập trung vào việc thu hút khách du lịch từ các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới, người dân ở các quốc gia này chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế trong năm 2017. Tuy nhiên, du khách từ các quốc gia này được đánh giá là "khách tham quan năng suất thấp".
Điều này đã khiến thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam giảm từ 11,1 ngày năm 2013 xuống 10,2 ngày năm 2017 và chi tiêu hàng ngày của du khách trì trệ ở mức 96 USD/ngày.
Tăng trưởng tổng lượng khách có thể ấn tượng, nhưng chúng che giấu sự sụt giảm đáng kể trong lợi nhuận kinh tế tổng thể của Việt Nam từ du lịch, chưa kể đến áp lực gia tăng đối với môi trường và cơ sở hạ tầng.
Ngành du lịch toàn cầu dần nhận ra rằng, sự chuyển hướng tập trung từ lượng khách sang chất lượng cao hơn là chìa khóa để bảo vệ môi trường và tính bền vững. Nhiều phân tích về phát triển du lịch kết luận rằng, thu hút khách chi tiêu nhiều hơn thường tương đương với thời gian lưu trú dài hơn và sự phân tán rộng hơn trên nhiều điểm đến.
Chiến lược này cũng có xu hướng xây dựng các nền kinh tế đa dạng và mạnh mẽ hơn, đồng thời giảm các tác động và chi phí tiềm ẩn liên quan đến du lịch đại chúng.
Các quốc gia áp dụng tư duy hướng đến chất lượng du lịch hơn số lượng đã chứng minh rằng, sự sụt giảm số lượng khách du lịch thường được bù đắp bằng chất lượng lớn hơn. Kết quả là các tiêu chuẩn cao hơn cũng giúp nâng cao tỷ lệ quay lại của du khách.
Alexandria nói rằng, để giúp mang lại những thay đổi tích cực, cộng đồng địa phương phải được giữ lại để sử dụng các kỹ năng và kiến thức của họ, để phát triển các hoạt động và dịch vụ thay thế có khả năng thu hút những du khách giàu có hơn, mang lại nhiều trải nghiệm hơn.
Bà gợi ý, với sự khuyến khích và hỗ trợ từ các nhà hoạch định, Việt Nam có thể ở một vị trí mạnh mẽ nhằm tận dụng sự suy thoái này để thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của du lịch ven biển. Nhưng với cam kết là bền vững, để giữ lại vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa vô giá của bờ biển.