17/02/2021 18:20
COVID-19 chiều 17/2: Thêm 18 ca dương tính tại Hải Dương
Bản tin của Bộ Y tế công bố vào lúc 18h ngày 17/2, Việt Nam ghi nhận 18 ca mắc mới COVID-19 tại Hải Dương, trong đó có 7 ca liên quan đến ổ dịch Cẩm Giàng.
Ca bệnh 2.312-2.329 đều là F1, đã được cách ly tập trung trước đó.
Cụ thể, có 7 ca tại ổ dịch huyện Cẩm Giàng, 2 ca liên quan ổ dịch phường Thanh Bình, TP Hải Dương và 9 ca ở TP Chí Linh.
Hiện tại, các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh và Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 cho biết, hôm nay có thêm 7 bệnh nhân khỏi bệnh. Như vậy đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.580 bệnh nhân COVID-19.
Trước tình hình COVID-19 bùng phát tại Hải Dương, Ban Chỉ đạo dịch bệnh vừa đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập thêm các phòng xét nghiệm để tăng khả năng dập dịch.
Cụ thể, Hải Dương đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 1; Bệnh viện Bạch Mai thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 2; .
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương, đến 18h ngày 17/2, tỉnh này ghi nhận 555 ca bệnh.
Dịch đã lan rộng ra 12/12 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương. Theo đánh giá của cơ quan này, Hải Dương đang có 5 ổ dịch lớn, gồm Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương.
Diễn biến COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 18h ngày 17/2, đại dịch COVID-19 đã lây mầm bệnh cho khoảng 110 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 2,42 triệu người khác.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi dịch bệnh COVID-19 với trên 28,3 triệu ca mắc, trong đó có 499.991 trường hợp tử vong.
Đứng vị trí thứ hai về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ với 10.937.320 ca mắc và 155.949 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil với 9.921.981 ca mắc và 240,983 ca tử vong. Nga xếp vị trí thứ 4 về số ca mắc nhưng đứng đầu về số ca nhiễm mới, ghi nhận 12.828 ca.
Indonesia và Hàn Quốc nhanh chóng thực hiện tiêm vaccine ngừa COVID-19
Tình hình COVID-19 trên toàn cầu có chiều hướng giảm. Tại Indonesia, chính phủ yêu cầu người dân tham gia chương trình tiêm chủng nhằm nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo đó, Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người, chiếm 2/3 trong tổng số hơn 270 triệu dân, trong vòng 15 tháng và bắt đầu từ ngày ngày 13/1. Hiện Indonesia vẫn phụ thuộc vào nguồn cung vaccine do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc cung cấp.
Thời gian tới, quốc gia đông dân thứ tư này sẽ bổ sung thêm các loại vaccine khác như Sinopharm và Anhui (Trung Quốc), Moderna (Mỹ), Sputnik V (Nga), và Johnson & Johnson (Mỹ).
Trong hôm 17/2, tại Hàn Quốc, Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) cho phép sử dụng lô vaccine ngừa COVID-19 gồm 1,57 triệu liều AstraZeneca (Anh), dự kiến sẽ nhận được vào tuần tới.
Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm vaccine từ ngày 26/2 cho đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân trong các nhà dưỡng lão, song chưa áp dụng cho những người trên 65 tuổi.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp