Ca mắc mới là nam bệnh nhân 30 tuổi, được đánh số 2560 ở phường Bến Tắm, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân 2560 là F1 của bệnh nhân 2263, và đã cách ly trước đó.
Ngày 14/3/2021, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 15/3/2021 xác định dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa cơ sở 2 tỉnh Hải Dương - Trường Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.
Ổ dịch Hải Dương đến thời điểm này đã cơ bản được kiểm soát. UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định nới lỏng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Theo đó, tại 7 huyện trong 14 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, là Bình Giang, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ (trừ xã Đại Hợp), Nam Sách (trừ xã Nam Tân) học sinh từ bậc tiểu học trở lên đi học trở lại từ 18/3.
Tại 5 địa phương bao gồm TP. Chí Linh, TP. Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành chỉ tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại. Các khối lớp còn lại vẫn tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Trẻ mầm non trong toàn tỉnh vẫn tiếp tục tạm nghỉ đến hết tháng 3/2021. Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương đề nghị các nhà trường tạm thời chưa tổ chức cho học sinh ăn bán trú, và tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống.
Liên quan đến vấn đề vaccine, theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Liên bang Nga gửi tặng Việt Nam 1.000 nhiều vaccine Sputnik V phòng COVID-19, hiện số vaccine này được nhập kho và bảo quản lạnh. Đây là những liều vaccine ngừa COVID- 19 đầu tiên của Nga có mặt tại Việt Nam.
Lô vaccine Sputnik V là quà tặng của Liên bang Nga được ông Nikolai Patrushev, Thư ký hội đồng an ninh Liên bang Nga mang tới Việt Nam vào sáng 16/3, trong chuyến công tác 2 ngày tại Hà Nội.
Sputnik V là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ 11/8/2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vaccine Sputnik V, khi vaccine này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Đến nay vaccine Sputnik V được hơn 50 quốc gia phê chuẩn sử dụng.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6 %. Riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS CoV-2.
Liên quan đến nguyên nhân một số nước ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca, do có phản ứng phụ như xuất huyết, đông máu và giảm số lượng tiểu cầu sau khi tiêm loại vaccine này.
Nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước không nên tạm dừng chương trình tiêm chủng.
WHO cho biết ban cố vấn của tổ chức này đang tiến hành xem xét các báo cáo liên quan tới các trường hợp có phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, và sẽ công bố kết luận sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, WHO cho biết ít có khả năng thay đổi các khuyến nghị được đưa ra vào tháng trước về việc sử dụng rộng rãi vaccine AstraZeneca, kể cả ở những quốc gia ghi nhận việc các biến thể virus phát hiện ở Nam Phi có thể làm giảm hiệu quả của loại vaccine này.
Theo WHO, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm loại vaccine này là nguyên nhân gây ra các sự cố. Việc tiếp tục thực hiện các chương trình tiêm chủng là cực kỳ quan trọng, có thể cứu nhiều mạng sống trong cuộc chiến với đại dịch gây ra bởi virus SARS-CoV-2.
(tổng hợp)