Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Coteccons trước nguy cơ mất thương hiệu

Doanh nghiệp

31/03/2021 14:20

Sự ra đi của hàng loạt cán bộ chủ chốt, cộng với những quyết định có phần khó hiểu của lãnh đạo mới, khiến cổ đông của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi sự trở lại của ông vua trong lĩnh vực xây dựng. Thậm chí, thương hiệu Coteccons có khả năng bị biến mất, nếu doanh nghiệp này từ bỏ mảng kinh doanh cốt lõi.

Chảy máu chất xám 

Mới đây, HĐQT của CTD có thông báo cho biết không gia hạn nhiệm kỳ vị trí quyền Tổng giám đốc với ông Võ Thanh Liêm từ ngày 5/3. Như vậy, sau hơn 7 tháng ngồi vị trí này ông Liêm, một trong những nhân sự chủ chốt cuối cùng dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, chính thức rời khỏi CTD.

Trước đó, ông Dương đã phải rời bỏ vị trí Chủ tịch HĐQT sau hơn 16 năm gắn bó, để nhường vị trí này cho ông Bolat Duisenov, người của Kustocem Pte. Ltd (Kusto), đại diện nhóm cổ đông thâu tóm CTD.

Điều đáng nói, không chỉ cán bộ chủ chốt, nhiều lao động có tay nghề cũng quyết định rời bỏ CTD, sau khi tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam về tay nhóm cổ đông lớn với đại diện là Kusto.

Cụ thể theo báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2020, số lượng nhân viên đang làm việc tại CTD tính đến cuối năm 1.659 người (giảm 613 người so với đầu năm). Dù biến động vể mặt nhân sự là chuyện xảy ra thường xuyên ở các công ty xây dựng, nhưng với CTD lại là việc bất thường, bởi CTD là doanh nghiệp có chế độ phúc lợi rất tốt.

CTD từng 6 năm liên tiếp được bình chọn là công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam và dẫn đầu ngành xây dựng do Anphabe bình chọn. 

mot-trong-nhung-du-an-coteccons-trung-thau-15912561180801703252533-crop-15912561727101620707065_lgne.jpg
Ảnh minh họa.

Không thể phủ nhận vị thế ngày nay của CTD có một phần không nhỏ tới từ khả năng quản lý, kinh nghiệm trong ngành, cũng như cống hiến tâm huyết nhiều năm của những lãnh đạo, đặc biệt là ông Dương. Vì vậy, ông Dương và các lãnh đạo ra đi không chỉ khiến nhiều vị trí chủ chốt tại CTD tạm thời bị bỏ trống, còn có thể trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong tương lai của doanh nghiệp.

Hiện tượng chảy máu chất xám tại CTD đã được lãnh đạo chủ chốt thời ông Dương cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, nguyên Thành viên HĐQT, Kusto "không có trước có sau" trong chính sách nhân sự.

Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên 2020, 2 bên đã có những thỏa thuận về vị trí Chủ tịch HĐQT, nhưng 3 tháng sau khi nắm quyền, Kusto đã buộc ông Dương phải từ nhiệm. Qua trường hợp tại CTD, ông Hiệp, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cũng gửi lời cảnh báo đến các thương hiệu Việt cẩn trọng trước các đối tác ngoại trong các chiến lược kêu gọi đầu tư hay phát hành tăng vốn.

Vung tay quá trán

Trước sự ra đi ồ ạt của người lao động, HĐQT mới của CTD vội vã tung ra những quyết định gây sốc.

Cụ thể, trong tháng 2/2021, CTD thông báo toàn bộ nhân viên sẽ được thưởng tối thiểu 10 tháng lương, khoản này được chi trả dàn đều cho các dịp lễ, tết, thưởng đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn thành tiến độ dự án. HĐQT của CTD cũng công bố quyết định đăng ký mua vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 8.000 cán bộ nhân viên và người thân.

Đặc biệt, CTD còn lên kế hoạch chi hàng trăm tỷ đồng mua 4,9 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 6,18% số cổ phiếu đang lưu hành). Mục đích nhằm chuẩn bị nguồn cổ phiếu cho đợt phát hành cổ phần có lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Nguồn vốn mua lại cổ phiếu quỹ được lấy từ thặng dư vốn cổ phần. Với mức giá thời điểm công bố khoảng 70.000 đồng/cổ phiếu,  CTD phải chi ra số tiền khoảng 345 tỷ đồng cho kế hoạch này.

Kế hoạch này nhận phải sự phản ứng gay gắt từ cổ đông, bởi CTD đang gặp khó khăn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo BCTC năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CTD giảm lần lượt 38% (đạt 14.597 tỷ đồng) và 35% (đạt 463 tỷ đồng). Đây là năm đầu tiên CTD tăng trưởng âm sau nhiều năm duy trì được mức tăng trưởng trên 2 con số.

Điều đáng nói, người lao động nghỉ việc tăng đột biến nhưng chi phí bán hàng, hành chính và quản lý (SG&A) của CTD lại tăng mạnh trong năm 2020, từ 134 tỷ đồng lên 223 tỷ đồng. Đây là hiện tượng bất thường bởi mức tăng này chủ yếu đến từ các khoản chi cho chi phí nhân công.

Buông cốt lõi

Sự ra đi của ông Dương kéo theo hệ lụy nguy hiểm hơn đối với CTD, là các đơn hàng dự án trúng thầu (backlog) suy giảm mạnh. Thời điểm hoàng kim (2015-2018) giá trị backlog được ký mới của CTD luôn bỏ xa các đối thủ, khi đạt trung bình 27.000 tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, các gói thầu của CTD thường cao hơn các đối thủ 3-5% nhờ uy tín và năng lực thi công chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, những con số mới được công bố cho thấy sự sụt giảm đang ở mức báo động.

Chẳng hạn, trong quý I/2020, CTD công bố giá trị backlog mới là 5.000 tỷ đồng, nhưng không có bất kỳ con số nào được công bố trong 2 quý sau.

Theo nhận định của CTCK Bản Việt (VCSC), dịch COVID-19 và quá trình tái cơ cấu nội bộ đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020, dẫn đến khả năng trì hoãn hoặc hủy các hợp đồng đã được tính trong lượng backlog hiện tại của CTD.

Những dự án lớn được thi công bởi Coteccons nay đã thuộc về nhà thầu mới là Newtecons, như Grand Marina Saigon hay One Central HCM. Đây là nguyên nhân khiến ông chủ mới của CTD có những quyết định khó hiểu. 

Theo chia sẻ của ông Bolat Duisenov, trong năm 2021, CTD đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD với lĩnh vực chiến lược là cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, tài chính và xây dựng EPC.

Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025 là phát triển thành tập đoàn đa ngành với 5 trụ cột mới: khu công nghiệp và bất động sản, vật liệu xây dựng, logictics và vận chuyển, công nghệ thông tin và phát triển phần mềm, dịch vụ bảo hiểm và tài chính.

Với mục tiêu này, xây dựng sẽ không còn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của CTD. Khẳng định của ông Bolat Duisenov càng cho thấy sự bất nhất giữa lời nói và thực hiện của bộ sậu HĐQT mới của CTD. 

Trước đó, trong những bức tâm thư gửi cho nhân viên, vị lãnh đạo này luôn khẳng định CTD sẽ đổi mới mạnh mẽ, có những hướng đi táo bạo, bước nhảy thần tốc để đảm bảo luôn là công ty đứng đầu ngành xây dựng. Ngay với hướng đi mới của CTD cũng khiến cổ đông không mấy vững tin, bởi đây là những lĩnh vực kinh doanh mới, không thuộc sở trường của doanh nghiệp, ngoại trừ lĩnh vực bất động sản.

“Trong khi các doanh nghiệp nhận được nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài tạo được niềm tin cho cổ đông bởi sự bứt phá mạnh mẽ, CTD đang khiến chúng tôi mất niềm tin vào tương lai của doanh nghiệp”.  

Thương hiệu xây dựng hàng đầu Việt Nam Coteccons đang có nguy cơ bị mất trắng, nếu Kusto đổi tên doanh nghiệp để phù hợp với mảng kinh doanh mới.

KIM GIANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement