04/07/2020 05:01
Coteccons trở thành ‘anh cả’ trong ngành xây dựng Việt Nam như thế nào?
Coteccons là một doanh nghiệp thành công nhưng có rất nhiều thăng trầm, phải trải qua một thập niên mới có được vị thế “anh cả” trong ngành xây dựng Việt Nam.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Công ty CP Xây dựng Coteccons, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương đã thâu tóm 16 năm phát triển của nhà thầu số 1 Việt Nam trong cụm từ “đã trải qua rất nhiều thăng trầm”. Có thời kỳ Coteccons thăng hoa với hàng loạt dự án tầm cỡ, sau đó nốt trầm xuất hiện với nhiều giai đoạn chững lại.
Từng “chẳng ai nhớ mặt đặt tên”…
16 năm về trước khi mới thành lập, công ty của ông Nguyễn Bá Dương ban đầu lấy tên Công ty CP Xây dựng Cotec với vốn điều lệ vỏn vẹn 15,2 tỷ đồng. Coteccons có tiền thân là khối xây lắp thuộc Công ty Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng, thành viên của Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO).
Lúc bấy giờ, Coteccons chỉ là một doanh nghiệp “chẳng ai nhớ mặt đặt tên” giữa muôn vàn doanh nghiệp khác trong ngành xây dựng vẫn còn ì ạch. Vốn liếng chưa tròn đôi mươi tỷ, Coteccons càng là “con nít hỉ mũi chưa sạch” trong mắt các nhà đầu tư mỗi khi đấu thầu cho các dự án tầm cỡ.
Giai đoạn ba năm đầu chào đời, điểm sáng duy nhất của doanh nghiệp này có lẽ là ở khả năng sinh lời ổn định, một đồng vốn có thể thu được nửa đồng lời. Trúng thầu được dự án Trường Đại học RMIT và Khu căn hộ GrandView tại Phú Mỹ Hưng là hai dấu son ban đầu chứng tỏ năng lực của Coteccons.
Đại học RMIT (quận 7, TP.HCM) là một trong những công trình tạo uy tín cho Coteccons thời mới thành lập. Ảnh:Đại học RMIT |
Đến "thời loạn" 2007-2008, cơn bão suy thoái địa ốc kéo đến khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành lao đao. Coteccons vẫn sóng sót, thậm chí tỷ suất lợi nhuận trung bình của công ty có khi đạt mốc mơ ước 4 - 5 %/năm chỉ nhờ mô hình xây thuê.
Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Bá Dương định hướng cho Coteccons trở thành “một trong những công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam chuyên thi công các công trình dân dụng và công nghiệp chất lượng cao”. Giữa lúc khái niệm truyền thông và tiếp thị còn mơ hồ với nhiều doanh nghiệp của hơn 10 năm về trước, trang web công ty này luôn có nhịp điệu lên bài sôi động, ra rả trước mắt người đọc về định hướng thương hiệu.
Thời điểm đó, doanh nghiệp này thậm chí còn thu hút đầu tư từ các quỹ lớn như Dragon Capital, Indochina Capital, Tainan Spinning… giúp tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng.
Sự góp mặt trong công trình Grandview (quận 7, TP.HCM) là tiền đề để Coteccons gọi vốn và trúng thêm nhiều dự án về nhà ở. Ảnh: PMC |
Đến năm 2010, ông Nguyễn Bá Dương muốn Coteccons mở ra một trang mới trong lịch sử hoạt động với việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu mã CTD tại Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Kể từ đó, Coteccons luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh số bình quân khoảng 40% trong suốt 5 năm lên sàn.
Hai năm sau, dù “làm ăn ngon nghẻ” nhưng Coteccons vẫn chấp nhận bán 24,7% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại Kusto Group với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 525 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận tích lũy hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, Coteccons những năm đó luôn nắm trong tay tiền mặt lên đến nghìn tỷ đồng.
“Có tiền dễ có quyền”, Coteccons bắt đầu đổi ghế cho vị thế của mình trong ngành xây dựng. Giờ đây, Coteccons không chỉ một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thi công mà còn là một đơn vị giàu tiềm lực tài chính. Kể từ đó, Coteccons từ việc nhận thầu, dần chuyển sang tự chọn dự án để đấu thầu.
… thành “ở đâu có công trình lớn, ở đó có Coteccons”
Nhưng Coteccons vẫn sẽ mãi là một Coteccons cũ kỹ nếu như không có bước nhảy ở giai đoạn 2014-2015. Đây được xem là trang sử mới của doanh nghiệp. Từ một đơn vị chuyên nhận xây thuê, Coteccons tiên phong cho mô hình thiết kế và thi công (D&B). Doanh nghiệp này đánh giá, D&B là “một chiến lược hoàn hảo trong xây dựng”.
Giai đoạn đó, Coteccons liên tiếp trúng thầu nhiều dự án tên tuổi như Masteri Thảo Điền, Regina,… Đến năm 2016, sự nghiệp Coteccons thật sự “để đời” khi đảm nhiệm thi công toà nhà cao nhất Việt Nam Landmark81 của chủ đầu tư Vingroup.
Từ mức doanh thu gần 13.700 tỷ đồng vào năm 2015, chỉ sau một năm, Coteccons “đếm tiền mỏi tay” khi trở thành doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi, đạt hơn 700 tỷ đồng trong năm 2016.
Cổ phiếu Coteccons thời hoàng kim đã lên tới gần 250.000 đồng/cổ phiếu. Chia sẻ trước báo chí, ông Bá Dương có phần khá “ngông” khi cho rằng: “Quên giá cổ phiếu đi, cái cần quan tâm chính là lợi nhuận và cổ tức cho cổ đông”.
Lúc bấy giờ, nhiều đơn vị cũng nhảy vào mô hình D&B, nhưng Coteccons thản nhiên bước lên vị trí “anh cả” trong ngành xây dựng. Nguyên nhân cốt yếu nằm ở nguồn tiền của nhà thầu này quá vững chắc.
Nhận vốn lớn từ nước ngoài, giá cổ phiếu tăng ngùn ngụt, lãi thu về mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, vốn liếng sẵn có của Coteccons sừng sững giữa rừng doanh nghiệp xây dựng. Hơn nữa, trúng thầu nhiều đại dự án, nhưng Coteccons lại không vay nợ đồng nào. Phần lớn nguồn vốn nợ của công ty này đến từ khách hàng (do người mua trả tiền trước) và nhà cung cấp (khoản Coteccons phải trả người bán).
Nguồn tiền vững chắc của doanh nghiệp này cũng đến từ phương thức thanh toán mà ông Nguyễn Bá Dương ký kết với chủ đầu tư. Theo báo cáo của Chứng khoán BIDV (BSC), khi bắt đầu dự án, Coteccons sẽ giữ khoảng 10% giá trị hợp đồng từ chủ đầu tư và duy trì khoản này đến khi kết thúc hợp đồng.
Trong quá trình thực hiện dự án, việc thanh toán sẽ được thực hiện trong từng tháng (dựa vào tỷ lệ phần trăm hoàn thành). Đáng nói, chỉ khi thu đủ các khoản phải thu thì Coteccons mới tiếp tục thực hiện thi công.
Landmark 81 là công trình "để đời" của Coteccons trong sự nghiệp 16 năm qua. Ảnh: Coteccons |
Giai đoạn này, thị trường có nhiều ý kiến cho rằng Coteccons rất “chảnh ” khi nhận dự án, nhiều nhà đầu tư cũng nghi ngại về tính hiệu quả của công ty. Thế nhưng, ông Nguyễn Bá Dương thẳng thắn chia sẻ với báo giới: “Đó thực ra chính là cái lưới, sàng lọc bớt những cái gì không mang lại hiệu quả hoặc có thể làm cho mình bị mất uy tín”.
Thời điểm thăng hoa vào năm 2016-2017, hình ảnh những chiếc cần cẩu xây dựng hay bộ trang phục lao động được gắn logo Coteccons không có gì lạ trong mắt người dân TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Hầu hết những dự án bất động sản đình đám của VinGroup, TNR, Tân Hoàng Minh, Đại Quang Minh…đều đi kèm với tên tuổi của Coteccons.
Thời đó, người ta nói vui (mà đúng!) rằng: “Ở đâu có công trình lớn, ở đó có Coteccons”.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp