13/12/2020 16:33
COO ứng dụng tìm phòng trọ từng nhận vốn Shark Tank: Ohana không tìm cách đánh bại đối thủ
Với quan niệm sống là phải sai và có làm mới biết, Kathy Trần quyết định khởi nghiệp với Ohana, một ứng dụng kết nối chủ nhà trọ với người đi thuê trọ từng gọi vốn thành công trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 năm 2018.
Bắt đầu từ “cái khó” của bản thân vì từng chuyển nhà nhiều lần, song cũng từng là người cho thuê, Kathy mong muốn xây dựng một nền tảng kết nối phòng trọ hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa người cho thuê và người đi thuê. Ở thời điểm 2018, 2 nhà sáng lập (Co-Founder) của Ohana đang tìm kiếm một người đồng hành có thể phụ trách được mảng kinh doanh và vận hành. Kathy đã xem đây là cơ hội thử sức và hiện thực hóa ước mơ của mình.
“Hai nhà sáng lập của Ohana đã tìm kiếm hàng trăm ứng viên, đã phỏng vấn 60 người để tìm vị trí phụ trách mảng kinh doanh và vận hành. Và mình rất vui khi trúng tuyển, trở Giám đốc điều hành Ohana đến thời điểm này”, Kathy chia sẻ.
Bước ra từ chương trình Shark Tank Việt Nam 2018, ứng dụng thuê nhà trọ Ohana đã tận dụng và phát triển như thế nào với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư?
Tất nhiên Ohana học hỏi từ các nhà đầu tư rất nhiều. Không chỉ hỗ trợ vốn, các Shark còn thường xuyên quan tâm, hỏi han và chia sẻ nhưng kinh nghiệm với cả đội ngũ sáng lập. Song song với đó, Ohana đã nỗ lực làm việc để sử dụng tốt nhất những gì được sự hỗ trợ.
Ohana đã gặp phải những áp lực gì khi có sự tham gia của nhà đầu tư?
Áp lực về doanh số và tốc độ phát triển là 2 điều hiển nhiên mà bất kỳ công ty khởi nghiệp nào khi nhận vốn cũng phải chịu. Áp lực được hình thành từ việc bản thân mỗi nhà sáng lập phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đảm bảo về khả năng hoạt động của dự án mà trước đó mình đã đồng ý và thỏa thuận.
Vô hình trung, nếu bạn quyết định khởi nghiệp và nhận vốn thì bạn phải chấp nhận chịu áp lực, nhưng với mình, đó là áp lực tốt để bản thân doanh nghiệp phát triển.
Thành lập năm 2017, Ohana hiện đang nằm trong top những ứng dụng tìm phòng trọ uy tín nhất Việt Nam. Ảnh: Ohana. |
Khởi nghiệp ở lĩnh vực hỗ trợ tìm trọ là không mới bởi bên cạnh mô hình của Ohana thì vẫn còn rất nhiều những ứng dụng tương tự khác, chẳng hạn Hello Rent, Chợ Tốt, Landber,... Vậy đâu là cách để "một người đến sau" như Ohana cạnh tranh với đối thủ?
Đây đúng là thắc mắc của nhiều người! Tuy nhiên, Ohana không chú trọng việc xem đối thủ có ưu điểm gì để bắt chước và làm tốt hơn, chỉ tập trung vào việc làm thế nào để đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.
Ohana có triết lý kinh doanh riêng: Mình để cho thông tin minh bạch, dễ dàng tiếp cận, còn việc hai bên khách hàng có quay lại với mình hay không phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ và quy trình hoạt động. Hiện nay, Ohana đang làm rất tốt việc hỗ trợ người dùng đặt cọc thuê phòng, giúp chủ nhà quảng bá thông tin về phòng trọ, thanh toán qua ứng dụng và giữ vai trò trung gian hỗ trợ cả hai bên về các thông tin liên quan mà các dịch vụ thuê khác chưa làm được.
Mới hoạt động hơn 2 năm, có thể xem là một công ty khởi nghiệp trẻ, vậy Ohana hiện đang ở vị trí nào trên thị trường bất động sản rộng lớn?
Thật sự, khi nói về vị trí trên thị trường bất động sản, Ohana đúng là doanh nghiệp trẻ, vẫn đang trong quá trình điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ sao cho người thuê và người cho thuê kết nối được với nhau hiệu quả nhất. Nhờ vậy mà những nhà sáng lập như mình có cơ hội để học hỏi và rút kinh nghiệm từ nhiều nền tảng về bất động sản đi trước. Tuy nhiên, học hỏi không có nghĩa là sao chép, càng không phải là để tìm cách đánh bại đối thủ, mà học hỏi dựa trên cái mình sẵn có kết hợp với sự sáng tạo để phục vụ người dùng.
COVID-19 khiến thị trường bất động sản cho thuê thay đổi rất nhiều, Ohana chắc cũng khó tránh chịu ảnh hưởng. Vậy trong giai đoạn đó, công ty đã đối mặt với những khó khăn gì?
Khó khăn thứ nhất mà Ohana đối mặt là vấn đề trả phòng. Khách hàng mục tiêu mà bọn mình hướng đến chính là các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Vì thế khi có COVID-19 hầu như các bạn về quê, việc quay trở lại thành phố học tập hoặc làm việc khá trễ khiến các chủ nhà trọ đối mặt với tình trạng phòng bị trống trong nhiều tháng liền.
Khó khăn thứ hai là lượng khách thuê giảm tạo nên cạnh tranh giữa các chủ nhà ở trên các nền tảng bất động sản. Thời dịch bệnh thì đây lại là vấn đề của chung cả thị trường vì cung cao mà cầu lại thấp, số người đi thuê thì ít trong khi số lượng nhà trọ đang trống lại quá nhiều. Bên cạnh đó, một vấn đề nan giải nữa là những thay đổi về khả năng tương tác và việc giảm bớt nguồn nhân sự cho công ty.
Ứng dụng Ohana. Nguồn: NVCC |
Đâu là cách để công ty chị duy trì hoạt động kinh doanh của mình?
Nhờ vào sự quyết tâm, Ohana đã tìm ra nhiều cơ hội giữa những khó khăn do COVID-19. Ngay khi quy định giãn cách xã hội được gỡ bỏ, mình cùng với đội ngũ công ty đã đi đến từng hệ thống phòng trọ cũng như đối tác chiến lược tại khắp các quận trong TP.HCM để tìm hiểu và đưa ra cách hỗ trợ phù hợp cho việc kinh doanh của họ trong giai đoạn COVID-19.
Sau khi cân nhắc, công ty quyết định lên kế hoạch livestream hỗ trợ các hệ thống cho thuê tiếp cận và kết nối được với số ít những người đi thuê thời điểm đó. Đồng thời, đưa ra những chương trình ưu đãi, giảm giá phù hợp trong mùa dịch.
Kathy nghĩ mục đích của việc livestream không dừng lại ở việc bán hoặc cho thuê phòng, mà đó còn là kênh truyền thông, marketing giúp các chủ nhà xây dựng được thương hiệu lâu dài và có kết nối thực sự với người đi thuê. Qua livestream, mình có thể giới thiệu chi tiết và khách quan hơn về văn hóa của ngôi nhà, đáp ứng được nhu cầu tìm một môi trường sống lành mạnh cho các bạn sinh viên hoặc những người đi làm trẻ.
Đến thời điểm này Ohana đã nhận được kết quả như thế nào sau những livestream bất động sản nhà ở?
Sau khi triển khai, Ohana nhận được hàng nghìn lượt tương tác của khách hàng thông qua việc trò chuyện và hỏi thăm về phòng. Đây cũng là cơ hội để công ty startup trẻ như tụi mình giữ gìn và phát triển những mối quan hệ hợp tác lâu dài với khách hàng.
Ngay sau thời gian cách ly, có khoảng 85% khách hàng cũ quay lại để sử dụng dịch vụ thuê phòng, trong đó có 40% khách hàng quay lại ký hợp đồng với giá trị lớn hơn trước. Giữa những biến động của thị trường bất động sản Việt Nam thời COVID-19, đạt được con số này mình nghĩ cũng là sự an toàn cho sức khỏe của công ty.
Hiểu được tâm lý của người trẻ thích xê dịch, Kathy Trần đánh giá đây là phân khúc khách hàng tiềm năng trong tương lai mà Ohana hướng tới. Ảnh: NVCC. |
Công nghệ là mảng phát triển không có giới hạn và sẽ luôn thay đổi. Chị đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của ứng dụng Ohana trong thời buổi hiện nay?
Thị trường cho thuê phòng trọ tại Việt Nam còn rất lớn vì số lượng các bạn trẻ chuyển đến ở các thành phố để đi học và đi làm ngày càng cao. Đa phần, các bạn có nhu cầu ký hợp đồng ở ngắn hạn cho nên việc Ohana tìm được khách hàng không còn quá phức tạp.
Hơn nữa, thời buổi văn minh nên các hệ thống phòng trọ tại TP.HCM và các thành phố lớn cũng bắt đầu được nâng cấp với nhiều dịch vụ tiện ích. Theo đó, người thuê trọ sẽ có nhu cầu tìm chỗ ở mới có điều kiện phù tốt hơn ngày càng cao và tất nhiên, tần suất tìm nhà trọ, phòng trọ cũng tỷ lệ thuận.
Nếu thói quen và cách nghĩ của khách hàng thay đổi, ứng dụng tìm trọ 4.0 cũng phải linh hoạt đổi mới mình. Vậy trong thời gian tới, Ohana có những dự định gì cho chiến lược kinh doanh khi COVID-19 vẫn chưa chấm dứt?
Ban đầu, công ty mình chỉ hỗ trợ từng giao dịch của người cho thuê và người đi thuê, chủ yếu tập trung ở TP.HCM. Sau hơn 2 năm hoạt động thì công ty cũng đã thử nghiệm ở các thành phố khác và thị trường nước ngoài. Hiện tại, Ohana đang triển khai hoạt động dưới dạng SaaS (Software as a Service), cung cấp các dịch vụ ngay trên ứng dụng cho cả hai phía khách hàng, trong đó có dịch vụ tương tác trực tiếp với khách hàng tiềm năng hay tính năng đặt cọc phòng dành cho người đi thuê. Theo đó, khách hàng có thể thanh toán trực tiếp trên ứng dụng, giúp tăng tốc độ và hiệu quả cho tất cả các bên.
Nhắc đến chuyện khởi nghiệp, người ta thường nghĩ ngay đến từ “lỗ”. Chị nghĩ gì về định kiến trên?
Có đến 90% các công ty khởi nghiệp sụp đổ trong vòng 2 năm đầu. Bản thân Kathy và các nhà đồng sáng lập cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đến bây giờ nhìn lại, bọn mình toàn là những đứa liều, không biết sợ vì phải làm mới biết. Nghĩ một cách lạc quan, mình không nằm trong 90% thất bại mà sẽ nằm trong 10% phát triển. Còn nếu công ty của mình thất bại thì mình tiếp tục đứng dậy từ thất bại đó. Không có gì để mất.
Được biết, Kathy đã thử qua nhiều công việc với nhiều vị trí khác nhau trước khi quyết định đồng hành với Ohana năm 30 tuổi. Vậy với hành trình khởi nghiệp mảng công nghệ suốt hơn 2 năm qua, chị đã gặp phải những vấp ngã như thế nào và rút ra được bài học gì cho mình?
Ai cũng phải sai và mình sai rất nhiều lần. Mình từng tuyển người không phù hợp khiến hoạt động của công ty bị ảnh hưởng, có những tính toán chưa phù hợp khiến dự án mất nhiều thời gian hơn để phát triển. Thế nhưng, mình thật sự vui mừng và tự hào vì mình dám làm, dám sai, dám nhận.
Mình quan niệm rằng, khó khăn sẽ đến mỗi ngày và ngày mai sẽ càng khó hơn. Thay vì ngồi hi vọng những điều dễ dàng, mình xem khó khăn là một phần của cuộc sống. Đối mặt và vượt qua được, bây giờ dường như Kathy đã “nghiện” những thử thách vì đó chính là cơ hội để mình được làm, phá bỏ giới hạn cũ, phát hiện ra những tiềm năng mới và trưởng thành hơn.
Ohana là “đứa con” chung của 3 nhà sáng lập, hẳn sẽ khó tránh khỏi những mâu thuẫn về quan điểm quản trị. Liệu mọi người có hay cãi nhau không?
Mình xin trả lời là có và không.
Có, là bởi vì tụi mình tranh luận thường xuyên. Không, bởi vì tụi mình tranh luận chứ không tranh cãi vì cả 3 đều hiểu mục tiêu của cuộc tranh luận là tìm ra sự thật và đưa ra giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề. Khi đó, cái tôi của mỗi người được gạt sang một bên để hướng đến cái sứ mệnh chung nhất là phát triển Ohana. Kathy và 2 co-founders còn lại rất hợp nhau từ tư duy đến cách làm việc. Bọn mình có được sự tin tưởng lẫn nhau và đây chính là yếu tố quan trọng nhất để quyết định việc gắn bó lâu dài với nhau.
Hiện tại, Kathy giữ vai trò điều hành công ty về mảng vận hành, sales, marketing, nhân sự và tài chính. Hiểu rằng mỗi người có một thế mạnh riêng, mình tập trung hỗ trợ từng cá nhân phát huy những thế mạnh đó để tạo nên một team vững mạnh nhất.
Hiện, có nhiều nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao rời khỏi công ty của mình với nhiều lý do để chuyển sang lĩnh vực khác. Chị nghĩ gì về điều này? Bản thân chị có dự định thay đổi định hướng của mình trong tương lai không?
Việc rời đi trong trường hợp này mình nghĩ cũng có thể là dấu hiệu tốt thôi! Vì thay đổi là mầm mống của sự tiến lên. Trong một thế giới đầy biến động, càng linh hoạt, dễ tiếp nhận những thay đổi từ bên ngoài và phản ứng nhanh thì càng dễ phát triển. Các bạn trẻ thì nên dành thời gian trải nghiệm và thử thách bản thân, thay đổi qua nhiều công việc, vị trí, lĩnh vực. Sau khoảng 3-5 năm thì các bạn sẽ dần nhìn ra định hướng.
Đối với giới doanh nhân, đặc biệt là những người khởi nghiệp, trước hay sau dịch COVID-19 thì đều có những thử thách. Quyết định đi, ở hay thay đổi luôn nằm ở động lực thôi thúc bên trong của người sáng lập nên công ty. Đặc biệt, ở những doanh nghiệp có từ 2 nhà sáng lập trở lên thì việc họ có đi cùng nhau không phụ thuộc vào ý chí của mỗi người.
Với một dự án thất bại hoặc thậm chí đang hoạt động, việc 1 trong 2 nhà sáng lập rời đi cũng không hẳn là một điều tiêu cực, bởi mọi sự kết thúc đều dẫn tới một khởi đầu mới. Có những công ty khởi nghiệp vừa nhận vốn xong nhưng vì lý do cá nhân mà phải rời đi, dừng dự án lại và trả lại tiền cho nhà đầu tư.
Dưới góc nhìn của người ngoài, có thể đó là sự thất bại nhưng với bản thân người sáng lập, rất có thể đó là khởi đầu mới và với dự án, đó là cơ hội để phát triển theo cách mới. Còn riêng bản thân Kathy, mình vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với Ohana thời gian tới, mang lại cho các bạn trẻ nhiều trải nghiệm mới về ứng dụng tìm trọ 4.0.
Cảm ơn Kathy với những chia sẻ trên!
Kathy Trần chia sẻ về góc nhìn của người trẻ khi khởi nghiệp. |
Bên cạnh việc đồng hành cùng công ty Ohana với vai trò là Giám đốc vận hành, Kathy Trần còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ với nhiều vai trò khác nhau. Cô từng là mentor (cố vấn) cho cuộc thi khởi nghiệp iUMP 2020 của Đại học Y Dược TP.HCM với chủ đề “Y tế thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”; là đối tác tổ chức và truyền thông của Làng Quốc Tế trong sự kiện Techfest Việt Nam 2020; diễn giả và điều phối viên hội thảo “Nâng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lên tầm cao mới” năm 2020 tại Hà Nội. Với những gì đạt được như hôm nay, Kathy mong muốn đóng góp lại cho cộng đồng khởi nghiệp và truyền lửa cho các bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp thông qua Conext, một dự án kết nối thế hệ trẻ với một nhà sáng lập giàu kinh nghiệm. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp