19/08/2020 12:39
Công ty vận hành chuỗi VinMart, VinMart+ lỗ gần 1.800 tỷ đồng sau nửa năm về Masan
VinCommerce lỗ gần 1.800 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020. Chuỗi có 2.916 cửa hàng tiện lợi và siêu thị đến cuối tháng 6, giảm 106 so với đầu năm.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, đơn vị vận hành chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart, vừa công bố tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2020, chuẩn bị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, luỹ kế nửa đầu năm nay, VinCommerce báo lỗ 1.787 tỷ đồng. Mức lợi nhuận đã suy giảm tới hơn 2.800 tỷ đồng khi cùng kỳ năm ngoái, hệ thống này lãi gần 1.030 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) cũng từ mức dương 11,8% trong 6 tháng đầu năm 2019, về mức âm 36%.
Mức lỗ này có thể xem không bất ngờ, vì theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Vingroup, mảng kinh doanh bán lẻ từ khai sinh đến khi chuyển nhượng về cho Masan Consumer chưa có lãi. Khoản lỗ trước thuế tăng từ 265 tỷ năm 2014 lên 6.098 tỷ đồng trong năm 2019.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của riêng VinCommerce vẫn có năm ghi nhận mức lãi lớn. Năm 2018, chuỗi bán lẻ này có lợi nhuận trước thuế 8.200 tỷ đồng, nhờ khoản thu nhập tài chính lên đến 12.000 tỷ đồng. Mức lãi trên đã xóa hết lỗ lũy kế của Vincommerce.
Mới đây, Tập đoàn Masan cho biết hệ thống bán lẻ này đã đem về doanh thu 7.104 tỷ đồng trong quý II/2020 và 15.813 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần của VinCommerce trong quý II/2020 là 612 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm là 1.058 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, sau khi về nhà Masan, Vincomerce bị vơi đi một nửa vốn chủ sở hữu. Cuối tháng 6 năm ngoái, Vingroup duy trì vốn chủ sở hữu cho hệ thống bán lẻ này đến 9.211 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2020, Masan báo Vincommerce chỉ còn 4.122 tỷ đồng vốn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,05 lên 3,18 lần.
Tuy vậy, tình hình thanh toán các khoản nợ đến hạn trong kỳ, bao gồm cả các khoản thanh toán gốc lãi trái phiếu, đều được Vincommerce thanh toán đầy đủ.
Tính đến cuối tháng 6/2020, VinCommerce có 2.916 cửa hàng tiện lợi và siêu thị, giảm 106 điểm so với đầu năm. Trong đó, hệ thống bán lẻ này có 130 siêu thị VinMart và 2.786 cửa hàng VinMart .
Trong nửa đầu năm, Masan đã đóng cửa 4 siêu thị và chỉ mở mới 1 siêu thị VinMart.
Với VinmMart , hệ thống khai trương mới 44 cửa hàng nhưng dừng hoạt động 146 điểm bán. Gần 80% các cửa hàng bị đóng nằm ở TP.HCM và các đô thị loại II.
VinMart được Masan đặt nhiều kỳ vọng lớn trong việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ hiện đại. Ảnh: Tất Đạt |
Lãnh đạo Tập đoàn Masan đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình siêu thị mini của Vinmart , cho đây sẽ là tương lai của kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Trong nửa cuối năm nay, Masan dự kiến tăng tốc việc tối ưu và ra mắt mô hình siêu thị mini mới.
Trước đó, tại ĐHCĐ 2020, Chủ tịch Masan Cosumers Holdings kiêm Tổng giám đốc VinCommerce Trương Công Thắng, tiết lộ công ty đang nghiên cứu, đánh giá lại trải nghiệm của khách hàng và sẽ hoàn thành trong 3 tháng tới, để cải tiến mô hình cửa hàng. Đơn vị này tiết lộ, chân dung tương đối đầy đủ của cửa hàng tiện lợi Vinmart mới sẽ được thể hiện vào quý III/2020.
Trong năm nay, Masan dự kiến mở mới 100-300 cửa hàng VinMart cùng 10-30 siêu thị VinMart, và cân nhắc việc đóng cửa thêm tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Dù biến động về số lượng cửa hàng, nhưng xét về qui mô, VinCommerce vẫn đang là hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 2.916 điểm bán, xếp thứ hai là Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động với 1.570 cửa hàng và thứ 3 là Saigon Co.op với 827 điểm bán.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp