25/04/2019 12:02
Công ty điện lực Sài Gòn lần đầu ký hợp đồng mua điện mặt trời áp mái
Trên địa bàn quận 1, 3 (TP HCM) đã có hơn 70 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 869 kWp.
Sáng nay (25/4), Công ty Điện lực Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM - EVNHCMC) ký hợp đồng mua điện với 49 hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 456 kWp.
Ông Phan Vân Phong Vũ - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết trên địa bàn quận 1, 3 đã có hơn 70 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 869 kWp. Trong đó có khoảng 50 hộ lắp đồng hồ điện hai chiều để bán lại điện không dùng hết cho ngành điện.
Theo Thông tư số 05/2019/TT-BCT của Bộ Công thương, giá bán điện của hộ dân, gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho ngành điện trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đôla Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31.12.2018 là 22.825 đồng/USD). Mức giá này nằm giữa khung bậc 3 và 4 giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thang giá 6 bậc của ngành điện.
Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được xác định theo từng năm và được tính bằng tiền Việt Nam đồng tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.
Công ty KingTek lắp điện mặt trời áp mái cho một doanh nghiệp. |
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02 sửa đổi và bổ sung một số điều của Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.Đại diện EVNHCMC cho biết toàn TPHCM đã có 1.432 hộ dân, đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 17.000 kWp.
Theo đó, đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.
Bên bán điện sẽ thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Còn bên mua điện sẽ thanh toán điện từ dự án trên mái nhà phát lên lưới với giá mua theo quy định. Mức giá này chưa bao gồm thuế, phí liên quan.
Giá mua bán điện đối với các dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo được xác định trên cơ sở tỉ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đồng USD do Ngân hàng Nhà nước công bố vào cuối cùng của năm trước.
Như vậy, cách tính giá mua điện mặt trời đã có sự thay đổi, khi trước đây theo Quyết định 11 thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng hệ thống công tơ hai chiều.
Cụ thể, trong một chu kỳ thanh toán, nếu lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ, sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp.
Khi kết thúc năm hoặc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán như dự án nối lưới.
Advertisement
Advertisement