05/12/2018 07:22
Công ty Địa ốc Hoàng Quân làm nhà bầy hầy: Hoàng Quân trốn tránh vấn đề (bài 6)
Liên hệ với ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Phạm Minh, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Quân nhưng không nhận được sự hồi âm.
Né tránh
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Phạm Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC). Tuy nhiên, cả 2 lãnh đạo cao nhất của Hoàng Quân đều né tránh và không tiếp.
Liên hệ với bộ phận truyền thông của Hoàng Quân, chúng tôi được bà Lê Thị Bích Diễm, Trưởng phòng Marketing Truyền thông Công ty Hoàng Quân cho email. Sau đó, chúng tôi đã gửi 17 câu hỏi và đề nghị HQC trả lời. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc lại lại thì bà Diễm không nghe máy.
Lãnh đạo cao nhất của Hoàng Quân đang né tránh vấn đề. |
17 câu hỏi mà chúng tôi đã gửi tới Công ty Hoàng Quân là:
1. Dự án HQC Hồ Học Lãm do Hoàng Quân liên kết kết với HOF đã trễ hạn bàn giao 1,5 năm. Nguyên nhân là do Hoàng Quân thiếu tiền hoàn thiện dự án? Xin hỏi, Hoàng Quân sẽ giải quyết như thế nào?
2. Dự án HQC Hồ Học Lãm, Hoàng Quân gửi thư đến khách hàng nói tháng 3/2019 sẽ bàn giao nhà. Trước đó, Hoàng Quân cũng ra văn bản và dời ngày bàn giao nhà 2 lần. Lần này, Hoàng Quân có dời nữa hay không? Khách hàng nhận nhà trễ, Hoàng Quân sẽ đền bù hợp đồng, tính lãi suất chậm bàn giao nhà như thế nào?
3. 18 năm qua, Hoàng Quân chưa làm nổi 1 dự án chỉnh chu. Dự án HQC Palza và HQC Hóc Môn bàn giao nhà gần 2 năm nhưng tiện ích chưa hoàn thiện, chưa có sổ đỏ cho cư dân. Xin Hoàng Quân cho biết vì sao?
4. Sổ đỏ khu đất làm dự án HQC Plaza vẫn đang thế chấp để vay tiền tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn. Vì sao Hoàng Quân đã bán nhà cho khách hàng mà không giải chấp?
5. Dự án HQC Nhà Trang đã trễ hạn bàn giao gần 2 năm, khi nào Hoàng Quân sẽ bàn giao nhà cho khách hàng?
6. Vì sao hàng loạt dự án Hoàng Quân đang triển khai đều chậm tiến độ, thi công bầy hầy nhưng vẫn đầu tư, khởi công dự án mới ở Tây Ninh, Long An, Cần Thơ... Việc đầu tư dàn trải khiến dòng tiền Hoàng Quân bị thiếu hụt, nợ lương, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội... Hoàng Quân nói gì về điều này?
7. Dự án Trung tâm thương mại Long Hoa ở Tây Ninh đã trễ tiến độ 2 tháng. Điều này thường thấy ở các dự án do Hoàng Quân làm chủ đầu tư, khi nào Hoàng Quân bàn giao sạp hàng cho bà con tiểu thương tại đây?
8. Dự án HQC Tây Ninh ở phường 2 TP. Tây Ninh khởi công rồi để đó. Đáng lẽ ra, phải bàn giao 864 căn hộ block A và B vào 30/9/2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong móng. Toàn bộ dự án HQC Tây Ninh sẽ hoàn thành trong năm 2019 nhưng đến nay toàn bộ công trường không có 1 công nhân thi công. Đây có phải là một dự án treo nữa của Hoàng Quân? Công ty giải thích gì về điều này?
9. Hoàng Quân đang rải hàng loạt dự án ở Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long... Tuy nhiên, hầu hết các dự án này vẫn còn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi để đó. Năng lực không có, tại sao Hoàng Quân vẫn xin dự án rồi “treo”?
10. Dự án HQC Tacoma mà Hoàng Quân đầu tư ở Mỹ, khởi công vào cuối tháng 10/2017 đến nay ra sao? Hoàng Quân đã đầu tư bao nhiêu tiền vào đó?
11. Trên báo cáo tài chính năm 2017 và cả 3 quý của năm 2018 đều không thể hiện con số đã đầu từ vào dự án HQC Tacoma, vì sao? Đến quý II năm 2019, dự án Tacoma có đưa vào sử dụng hay lại trễ tiến độ như các dự án tại Việt Nam?
12. Theo dữ liệu của chúng tôi, Hoàng Quân chỉ chuyển môt phần rất ít trong tổng số 900 tỷ đồng để đầu tư dự án Tacoma. Cộng tác viên của chúng tôi tại Mỹ cũng cung cấp, dự án động thổ rồi để đó. Hoàng Quân nói gì về điều này?
13. Dòng tiền Hoàng Quân rất yếu, chỉ tiêu tài chính kém lành mạnh, doanh thu từ ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản rất thấp. Hoàng Quân lấy gì làm các dự án hàng trăm hecta, trải dài khắp các tỉnh thành?
14. Vốn điều lệ 4.766 tỷ đồng nhưng vốn hoá trên thị trường chứng khoán chỉ 738 tỷ đồng. Cổ phiếu chỉ giao dịch quanh mức trà đá 1.500 đồng/cổ phiếu. Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông vào Hoàng Quân là cực thấp. Hoàng Quân nói gì về điều này và làm gì để cải thiện tình hình này?
Công ty Hoàng Quân tiếp tục chọn giải pháp im lặng sau hàng loạt phản ánh của chúng tôi. |
15. Hoàng Quân định hướng sẽ giảm bớt bất động sản nhà ở xã hội mà chuyển sang làm nông nghiệp và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, giữa nói và làm là điều rất khác nhau. Hoàng Quân đã làm được những gì kể từ kỳ đại hội cổ đông thường niên 2018 khi xác định chuyển hướng?
16. Làm thế nào để Hoàng Quân thực hiện lời hứa với cổ đông khi nhiều năm qua, kế hoạch kinh luôn không đạt chỉ tiêu?
17. Định hướng phát triển của Hoàng Quân sẽ như thế nào để đưa công ty thoát khỏi tình cảnh bết bát hiện tại?
Người mua nhà phải tỉnh táo
Đem câu chuyện của Công ty Hoàng Quân trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Châu nói, điều quan trọng nhất vẫn là lựa chọn chủ đầu tư có năng lực. Việc này phải được thẩm định lại một cách đầy đủ.
“Nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội thì năng lực chủ đầu tư phải được thẩm định một cách kỹ càng. Người mua nhà cần phải tính táo, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi xuống tiền mua nhà ở tại một dự án nào đó”, ông Châu nói.
Ông Châu cho biết thêm, từ năm 2016-2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ không tài trợ vốn cho các dự án nhà ở xã hội. Bởi hỗ trợ vốn thì phải có chính sách ưu đãi nhưng Ngân hàng Chính sách Xã hội thì không được quyền làm điều đó, theo Nghị định 100 của Chính phủ năm 2015.
Còn với các ngân hàng thương mại khác tham gia tài trợ vốn cho nhà ở xã hội như BIDV, Vietombank, Vietinbank, Agribank thì chưa được tái cấp vốn sau khi kết thúc gói vay 30.000 tỷ đồng.
Do đó, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đều phải vay tiền với lãi suất thương mại và đó là điều bất cập. Với riêng Hoàng Quân, không chỉ một mà rất nhiều dự án ở miền Trung Nam Bộ, miền Tây đều bị trễ tiến độ thì phải coi lại khâu đánh giá năng lực của chủ đầu tư trước khi cấp phép dự án.
Về việc Hoàng Quân mang 40 triệu USD đi qua TP. Tacoma thuộc tiểu bang Washington của Hoa Kỳ để xây nhà ở xã hội, Chủ tịch HoREA nói rằng nghe chuyện nghịch lý quá. Mình phải làm tốt dự án trong nước đã, rồi hãy “mang chuông đi đánh xứ người”.
“Hiện tại, hàng loạt dự án của Hoàng Quân ở trong nước thiếu nguồn vốn để hoàn thiện dự án mà nói rằng sẽ đầu tư nhà ở xã hội qua Mỹ, tôi không hiểu là doanh nghiệp này sẽ đầu tư bằng nguồn tiền nào?”, ông Châu đặt câu hỏi.
Ông Châu nói thêm, HoREA kỳ vọng, Hoàng Quân nên xem xét lại để tập trung nguồn vốn, hoàn thành các dự án ở trong nước mà HQC đang là chủ đầu tư, xây dựng thương hiệu của mình với thị trường bất động sản. Bởi xét trên đầu dự án, Hoàng Quân vẫn là doanh nghiệp có số lượng dự án nhà ở xã hội nhiều nhất cả nước.
Gặp các chủ đầu tư làm nhà bầy hầy như Công ty Hoàng Quân, khách hàng cần tỉnh táo và thẩm định được năng lực doanh nghiệp trước khi xuống tiền. |
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, các chỉ số tài chính của Công ty Hoàng Quân không mấy khả quan. Xét trên 4 chỉ số tài chính quan trọng là chỉ số thanh toán, chỉ số hoạt động, chỉ số rủi ro, chỉ số tăng trưởng tiềm năng đều cho kết quả bết bát.
Cụ thể, chỉ số thanh toán hiện hành của Hoàng Quân chỉ ở 190%, mức thanh toán nhanh là 150%, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn là 2%. Trong chỉ số hoạt động thì lợi nhuận hoạt động của Hoàng Quân ở mức 7%, hiệu quả hoạt động là 5%.
Tương tự, vòng quay tổng tài sản là 3%, vòng quay tài sản ngắn hạn và vòng quay vốn chủ sở hữu cùng 4%. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư-ROIC là 8%, EPS âm 48%, vốn chủ sở hữu âm 7%, tiền mặt âm gần 40%, tăng trưởng giá cổ phiếu âm 30%.
“Nhìn ở góc độ tài chính, Công ty Hoàng Quân đang có nhiều bất ổn”, ông Hoàng nói.
Còn báo cáo đánh giá gần đây nhất về cổ phiếu HQC của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC nêu, câu chuyện của Hoàng Quân thực sự là bi kịch của doanh nghiệp đặt cược sự phát triển vào phân khúc nhà ở xã hội.
“Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HQC từng tự tin thực hiện chiến lược phát triển nhà ở xã hội trên diện rộng sẽ mang lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cho công ty, dù lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội được khống chế ở mức 10%”, báo cáo nêu.
HQC triển khai cùng lúc 12 dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ trên cả nước. Thực tế, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng sức mua của phân khúc này lại phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng của Nhà nước dành cho người mua và chủ đầu tư.
Chính sách hỗ trợ người mua nhà ở xã hội được triển khai trong một thời gian ngắn rồi dừng lại khiến HQC lâm vào tình thế khó khăn, vì sức cầu có khả năng thanh toán ở phân khúc nhà ở xã hội thiếu hụt.
“Những năm qua, HQC dàn trải nguồn lực tài chính ở các dự án nhà ở xã hội, trong khi không bán được hàng, dẫn đến tài chính khó khăn, lợi nhuận không đáng kể”, BVSC nói.
BVSC cũng đánh giá, chiến lược phát triển đặt trọng tâm vào phân khúc nhà ở xã hội của HQC coi như bất khả thi sau nhiều năm theo đuổi. Năm 2018, HQC sẽ giảm mạnh tỷ trọng đầu tư nhà ở xã hội, nâng tỷ trọng bất động sản thương mại.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp