16/10/2017 07:58
Công ty Công trình Giao thông 584 đứng trước nguy cơ phá sản với khoản nợ gần 4.000 tỉ đồng
Từng là doanh nghiệp địa ốc lớn với hàng loạt dự án đình đám ở TP.HCM nhưng hiện tại, 584 đang đứng trước nguy cơ phá sản khi không có nguồn thu, bị khiếu kiện và nợ phải trả gần 4.000 tỉ đồng, lỗ lũy kế 1.411 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 855 tỉ đồng.
Không được làm dự án mới
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (mã chứng khoán: NTB) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 được thành lập năm 1999. Công ty chính thức chuyển sang hình thức công ty cổ phần từ ngày 16/5/2007. Ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư theo hợp đồng BOT công trình giao thông, xây dựng dân dụng...
Sau cổ phần hóa, NTB đã trực tiếp và hợp tác đầu tư dàn trải nhiều dự án với tổng số tiền gấp nhiều lần vốn. Đến năm 2011, khi chính sách thắt chặt tín dụng có hiệu lực, lĩnh vực bất động sản không còn được vay vốn dẫn đến thị trường bị đóng băng khiến công ty rơi vào khủng hoảng.
Kéo theo đó, hàng loạt dự án của NTB đã rơi vào tình trạng trùm mền. Chẳng hạn, tại dự án 584 Lilama SHB Building ở quận Tân Phú mà NTB liên doanh với Công ty Lilama SHB ngưng thi công kéo dài đã đẩy nhiều khách hàng rơi vào cảnh bế tắc, nhà không có để ở mà nợ nần thêm chồng chất. Người mua nhà ở dự án này đã gửi đơn kêu cứu lên Thành ủy TP.HCM.
Dự án Khu dân cư và căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên Bình Chánh có 114 nền nhà liên kế và hai block chung cư. Block A có 420 căn hộ và block B có 532 căn hộ. Khu B đã được nghiệm thu và bàn giao cho khách hàng vào đầu năm 2011.
Còn block A đã hoàn thành được hơn 80% khối lượng công trình và khách hàng đã thanh toán 90% giá trị hợp đồng nhưng vẫn không được bàn giao nhà. NTB xin chuyển đổi công năng nhiều lần, từ nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội rồi bệnh viện 1.000 giường nhưng không được chấp nhận. Hiện tại, nhiều khách hàng tại dự án này đã kiện NTB ra tòa.
Dự án không bàn giao nhà đúng thời hạn khiến người dân khiếu kiện kéo dài, UBND TP.HCM đã chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án của NTB. Đồng thời quyết định tạm ngưng cấp phép các dự án phát triển đô thị mới cho đến khi giải quyết xong các tồn tại của các dự án cũ.
Tình cảnh hiện tại của NTB rất bi đát khi hoạt động kinh doanh trong nhiều năm bị đình trệ, không có nguồn thu. Các dự án không thể triển khai dẫn đến khách hàng khiếu nại, khởi kiện kéo dài. Bộ máy lãnh đạo và những quản lý kinh nghiệm của công ty cũng xin nghỉ việc, để lại khoảng trống trong công tác nhân sự khiến cho việc xử lý các công việc cũ ngày càng thêm khó. Hồi đầu tháng 10, ông Đỗ Biên Thùy, Tổng giám đốc NTB đã xin nghỉ việc.
Kết quả của hiện tại của NTB là do Hội đồng quản trị lựa chọn sai định hướng đầu tư và chiến lược kinh doanh. Điều này dẫn đến hệ lụy quá lớn và kéo dài khiến NTB không thể gượng dậy.
Ngập ngụa trong nợ nần
2017 là năm thứ bảy liên tiếp, NTB thua lỗ trong kinh doanh. Tính tới cuối năm 2016, NTB đã có mức lỗ gần 400 tỉ đồng, nâng lãi sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2016 âm tới 1.226 tỉ đồng, chủ sở hữu âm 670 tỉ đồng.
Vào cuối năm 2016, nợ vay tài chính ngắn hạn của công ty này ở mức 2.163 tỉ đồng, chiếm 50% tổng nợ phải trả và không có vay nợ dài hạn. Trong đó, NTB vay Sacombank 1.300 tỉ đồng, BIDV 88 tỉ đồng, PVComBank 37 tỉ đồng, Agribank 515 tỉ đồng. Ngoài ra, NTB còn nợ 222 tỉ đồng từ 12 cá nhân và bốn công ty khác.
Báo cáo tài chính năm 2016 thể hiện, NTB không phát sinh doanh thu do không tìm được công việc mới. Công ty này không tạo được nguồn thu chỉ vay mượn để có chi phí duy trì bộ máy làm việc.
Còn trong sáu tháng đầu năm 2017, doanh thu của công ty âm 3,41 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 72,7 tỉ đồng. Giá vốnbán hàng cũng được ghi nhận âm xấp xỉ 3,44 tỉ đồng. Lãi vay chi trả trong sáu tháng chiếm 75,3 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế lỗ đến 184,2 tỉ đồng. Tiền mặt mà NTB đang có, tính tới ngày 30/6 là 377 triệu đồng.
Trong khi đó, tổng các nghĩa vụ nợ phải trả của công ty tại ngày 30/06 lên đến 3.818 tỉ đồng. Trong đó các khoản chi phí phải trả ngắn hạn là 1.334 tỉ đồng, dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2.163 tỉ đồng. Do NTB kinh doanh thua thua lỗ liên tục nên lỗ lũy kế chưa phân phối lên đến 1.411 tỉ đồng gây thâm hụt vốn chủ sở hữu là 855 tỉ đồng.
Việc ngập ngụa trong nợ nần khiến NTB hai lần không thể tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017 thành công khi chỉ có 20,3% cổ đông có mặt. Đến cuối tháng 9, NTB mới tổ chức được đại hội cổ đông thường niên.
Tại đây, vấn đề phá sản NTB đã được nhiều cổ đông đề cập. Họ đặt vấn đề, nếu công ty phá sản thì cổ đông nhận được gì và có vướng mắc gì không?
Hội đồng quản trị NTB cho rằng, trước mắt công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên 200 tỉ đồng để tái khởi động ba dự án do ngân hàng không hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, phương án tăng vốn không dễ bở rất khó tìm được đối tác để góp vốn.
Còn phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn là không khả dĩ. Bởi trên Upcom, cổ phiếu NTB đang giao dịch quanh mức 800 đồng/cổ phiếu, sau khi bị hủy niêm yết khỏi HOSE hồi cuối tháng 7/2013.
Mà ngay cả khi có tiền, NTB cũng phải ưu tiên trả nợ gốc cho ngân hàng và trả số tiền gốc mà người mua nhà đã nộp, theo đúng yêu cầu của Thanh tra TP.HCM. Việc sát nhập NTB hay bán dự án để trả nợ, lãnh đạo NTB lại chần chừ và bị phía đối tác ép giá.
Do đó, lối thoát để NTB tránh con đường phá sản rất hẹp. Đã gần 7 năm ngập ngụa trong nợ nần, để tình hình này kéo dài thì NTB đã khó lại càng thêm khốn đốn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp