17/12/2019 08:47
Công ty chứng khoán gọi vốn cho năm 2020
Ngoài hình thức tăng vốn điều lệ, các công ty chứng khoán ngoại đang tích cực gia tăng nguồn vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu, hoặc vay từ công ty mẹ, hoặc được công ty mẹ bảo lãnh các khoản vay quốc tế với lợi thế lãi suất hơn hẳn so với vay trong nước.
Dĩ nhiên, các công ty chứng khoán nội cũng không nằm ngoài cuộc đua tăng khả năng cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng.
Hội đồng thành viên Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa công bố quyết định vay 30 triệu USD từ Yuanta Securities ASIA Financial Services Limited (YSAF), kỳ hạn 1 năm.
Lãi suất của khoản vay 30 triệu USD được xác định bằng TAIFX 1 tháng 0,85%, lãi suất đi vay của YSAF, lãi suất tiền gửi cố định của YSAF.
Ông Ooi Thean Yat Ronald Anthony, Chủ tịch Hội đồng thành viên Yuanta Việt Nam cho biết, Yuanta Việt Nam có kế hoạch tăng vốn vào tháng 4/2020 với số tiền 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tình hình hiện tại, Yuanta dự báo có thể bị thiếu vốn vào cuối năm 2020.
Vì vậy, nhằm bổ sung vốn lưu động, cũng như tăng cho vay ký quỹ và chi tiêu, Yuanta Việt Nam trình Hội đồng thành viên thông qua khoản vay 30 triệu USD trên từ YSAF.
Khoản vay này sẽ được hoàn trả theo thu nhập từ hoạt động của Công ty.
Ðáng chú ý, trước đó, YSAF đã bảo lãnh cho Yuanta Việt Nam các khoản vay lên đến hàng chục triệu USD.
Cụ thể, Hội đồng thành viên Yuanta Việt Nam đã vay 10 triệu USD tại chi nhánh Lan Ya và vay 50 tỷ đồng tại Chi nhánh HCM của Ngân hàng Mega International Commercial Bank.
Ngoài ra, YSAF còn bảo lãnh cho Yuanta Việt Nam khoản vay 7 triệu USD từ The Shanghai Commercial & Saving Bank, chi nhánh Hồng Kông.
Tại Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, công ty này mới phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất phát hành thực tế 8,2%/năm.
Các trái chủ là 100% nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 53%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 47% trái phiếu.
Tương tự các công ty chứng khoán khác, KIS Việt Nam sử dụng nguồn vốn huy động được cho các hoạt động môi giới, giao dịch ký quỹ, tự doanh/bảo lãnh phát hành…
Tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset, theo thông tin trên thị trường, khả năng cao là công ty này sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ, lên gấp đôi số vốn hiện nay.
Hiện vốn điều lệ của Công ty là 5.455 tỷ đồng, trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất tại thị trường Việt Nam.
Tính tới cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của Công ty đạt gần 7.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Mirae Asset chia sẻ, với Mirae Asset Việt Nam, thế mạnh của Công ty là làn sóng các nhà đầu tư Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư lớn vào Việt Nam với tầm nhìn dài hạn, trên nền tảng đánh giá cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Tại Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, năm 2018-2019, Công ty tăng vốn từ 146 tỷ đồng lên 812,6 tỷ đồng, kèm theo đó là hiệu quả kinh doanh cải thiện.
Ðóng góp chính trong doanh thu không đến từ môi giới, cho vay margin, mà tới từ cổ tức, tài sản FVTPL, HTM và doanh thu tư vấn.
Thông tin trên thị trường đánh giá rằng, Shinhan không thiếu vốn, tiềm lực tài chính từ Tập đoàn mẹ rất mạnh, nhưng họ có những bước đi “từ tốn” hơn một số công ty khác.
Quy mô cho vay margin tại TTCK Việt Nam hiện khoảng 2,5 tỷ USD - không quá lớn nhưng đa số công ty chứng khoán phải sử dụng vốn vay ngân hàng để cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư.
Khoản vốn vay này bị giới hạn bởi quy định về tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng.
Vì thế, nhiều công ty đang chào bán trái phiếu với lãi suất từ 8 - 10% để huy động nguồn vốn, phục vụ hoạt động margin.
Ðơn cử, Chứng khoán Everest (EVS) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 3 năm 2019.
Tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng. Chứng khoán VNDIRECT vừa hoàn tất đợt phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung nguồn vốn cho vay ký quỹ.
Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cuống phiếu được áp dụng là 9,8% đối với khách hàng tổ chức và 9,69% đối với khách hàng cá nhân. Trước đó, các công ty chứng khoán như ACBS, TCBS, MBS… đã phát hành trái phiếu, mục tiêu chính cũng là để bổ sung nguồn vốn cho vay ký quỹ.
Trong cuộc đua gia tăng năng lực tài chính, khi những công ty chứng khoán ngoại mạnh tay bơm vốn thì các công ty nội cũng không thể đứng yên.
Việc bơm vốn với chi phí rẻ đã buộc các công ty cả nội và ngoại đều phải nỗ lực củng cố vị thế cạnh tranh, giữ chân khách hàng với các chính sách ưu đãi lãi suất.
Dự kiến, từ năm 2020, cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng khác biệt, bởi dòng tiền lớn bơm vào thị trường và sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp