25/09/2021 10:50
'Công chúa' Huawei về đại lục, Trung Quốc trả tự do cho hai người Canada
CFO Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, đã bay về Trung Quốc vào hôm 24/9 sau khi đạt được thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ để chấm dứt vụ án gian lận ngân hàng, giảm bớt căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong vòng vài giờ sau khi có tin về thỏa thuận, 2 người Canada bị bắt ngay sau khi bà Mạnh bị bắt vào tháng 12/2018, đã được thả ra khỏi nhà tù Trung Quốc và đang trên đường trở về Canada.
Việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ nhiều năm này là nguồn gốc chính dẫn đến mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington. Theo đó, các quan chức Trung Quốc báo hiệu rằng, kịch nên "hạ màn" để chấm dứt bế tắc ngoại giao giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Thỏa thuận cũng mở ra một con đường cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trước những chỉ trích từ phe diều hâu ở Washington, những người cho rằng chính quyền của ông đang đầu hàng Trung Quốc và một trong những công ty công nghệ hàng đầu của nước này - Huawei.
CFO Huawei được phóng thích sau 3 năm bị quản thúc
CFO của Hawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt tại Sân bay Quốc tế Vancouver theo lệnh của Hoa Kỳ. Sau đó, bà bị truy tố về tội gian lận ngân hàng và chuyển khoản, vì cáo buộc gây hiểu lầm cho HSBC vào năm 2013 về các giao dịch kinh doanh của gã khổng lồ thiết bị viễn thông ở Iran.
Hôm 24/9, Reuters đưa tin rằng Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với bà Mạnh. Nicole Boeckmann, Quyền Luật sư Hoa Kỳ tại Brooklyn, nói rằng khi ký kết thỏa thuận, "bà Mạnh đã nhận trách nhiệm về vai trò chính của mình trong việc thực hiện một kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu".
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, họ đang chuẩn bị xét xử Huawei và mong được chứng minh vụ việc trước tòa. Người phát ngôn của Huawei từ chối bình luận.
Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết bà Mạnh Vãn Chu - con gái của người sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi - đã rời Canada trên chuyến bay đến Thâm Quyến.
Hai người Canada, là doanh nhân Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig, đã bị giam giữ ở Trung Quốc hơn 1.000 ngày. Vào tháng 8, một tòa án Trung Quốc đã kết án Spavor 11 năm tù vì tội gián điệp.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu vào cuối ngày 24/9 rằng, hai người đàn ông đã rời không phận Trung Quốc. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc liệu hai nước đã đạt được thỏa thuận song phương hay chưa.
Ông nói: “Tôi muốn cảm ơn các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới trong cộng đồng quốc tế, những người đã luôn kiên định trong tình đoàn kết với Canada và với hai người Canada này".
Tại phiên điều trần tại tòa án liên bang Brooklyn vào hôm 24/9, Trợ lý Luật sư Hoa Kỳ David Kessler cho biết, chính phủ sẽ bác bỏ các cáo buộc chống lại bà Mạnh, nếu bà tuân thủ tất cả các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận. Cụ thể, những thỏa thuận này sẽ kết thúc vào tháng 12/2022.
Bà Mạnh không nhận tội với các cáo buộc trong phiên điều trần.
Một thẩm phán Canada sau đó đã ký lệnh phóng thích cho bà Mạnh, bỏ qua các điều kiện tại ngoại của bà và cho phép bà được tự do sau gần ba năm quản thúc tại gia.
Trước đó, bà Mạnh bị giam một trong ngôi nhà đắt tiền ở Vancouver vào ban đêm và được giám sát 24/7 bởi an ninh tư nhân như một phần của thỏa thuận tại ngoại. Đồng thời, bà phải đeo một chiếc ở cổ chân để cơ quan chức năng theo dõi.
Huawei đứng giữa Mỹ và Trung Quốc
Cái tên "Huawei" tượng trưng cho những rắc rối ở Washington. Những người theo phe diều hâu chống Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ phản ứng mạnh mẽ trước bất kỳ tin tức nào về Huawei. Họ cho rằng, Hoa Kỳ đang mềm mỏng trước Trung Quốc, mặc dù Huawei đang phải vật lộn các hạn chế thương mại.
Tổng thống Donald Trump lúc bấy giờ đã chính trị hóa vụ việc ngay sau khi CFO Huawei - bà Mạnh Vãn Chu bị bắt. Ông nói với Reuters rằng, ông sẽ can thiệp vào vụ việc nếu có phục vụ an ninh quốc gia hoặc giúp đảm bảo một thỏa thuận thương mại.
Trong khi đó, các luật sư của bà Mạnh cho rằng, bà là một con tốt trong cuộc chiến chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.
Mặt khác, những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã gọi thỏa thuận hôm 24/9 là một "sự đầu hàng".
"Thay vì đứng vững trước việc Trung Quốc bắt giữ con tin và tống tiền, Tổng thống Biden đã từ chối", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng trường hợp của bà Mạnh chỉ được xử lý bởi Bộ Tư pháp và vụ việc không liên quan đến mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong chuyến công du vào tháng 7 của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman tới Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng đã nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ nên hủy bỏ dẫn độ đối với bà Mạnh.
Theo đó, các quan chức Mỹ thừa nhận rằng Bắc Kinh đã đề cập đến trường hợp của bà Mạnh và 2 người Canada bị giam giữ. Tuy nhiên, Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn và nhấn mạnh rằng sẽ không bị lôi kéo vào việc coi họ là con bài mặc cả.
Advertisement
Advertisement