24/09/2017 09:57
Cơn sốt trà sữa ở Việt Nam
Đoạn đường chỉ vài chục mét nhưng có tới 4-5 cửa hàng trà sữa luôn kín chỗ đỗ xe, thậm chí khách đứng xếp hàng dài.
Ông Trung, tài xế xe ôm chuyên đứng chờ khách ở ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 đã 3 năm nay. Thu nhập trung bình một ngày của ông dao động tầm 200.000-300.000 đồng. Nhưng theo người đàn ông đã 50 tuổi này, khoảng 6 tháng nay, ông còn có thêm một khoản thu khác khá ổn định là đi mua trà sữa cho các nhân viên văn phòng lân cận.
"Thường thì cứ sau tầm nghỉ trưa, một nhóm nhân viên chừng 6-7 người lại nhờ tôi chạy đến đường Ngô Đức Kế cách đó chừng 1km để mua trà sữa. Họ trả công mỗi lần như vậy là 20.000 đồng, không cao so với mỗi ly trà sữa có giá 55.000 - 70.000 đồng", ông Trung hồ hởi nói và cho biết, có hôm ông nhận được đặt hàng từ 3 đến 4 nhóm.
Tại Hà Nội, hơn 22h20, chỉ còn vài phút nữa là đến giờ đóng cửa, chuẩn bị kiểm kê nhưng tại một cửa hàng trà sữa trên phố Trần Thái Tông vẫn còn hơn chục vị khách đang xếp hàng chờ đến lượt.
"Tôi đứng chờ 20 phút rồi mà vẫn chưa mua được", chị Hoa vừa dắt tay con trai 2 tuổi vừa nói. Từ 30 phút trước đó, mỗi khi có khách dừng xe, bảo vệ đã phải thông báo cửa hàng không đón thêm khách mới, chỉ phục vụ nốt số người đang xếp hàng phía trong.
“Những ngày mới khai trương, với chương trình khuyến mại, cửa hàng bán khoảng 900-1.000 cốc mỗi ngày, ngày thường khoảng 600 cốc”, một nhân viên cửa hàng cho hay.
Những khách hàng đến muộn, không kiên nhẫn đợi để mua tại cửa hàng này, cũng không lấy làm phiền lòng bởi ngay sát đó là 4 thương hiệu trà sữa khác, chất lượng, giá cả rất cạnh tranh. Mỗi ngày cửa hàng đều mở tới 11h đêm. Và xa hơn nữa, trong bán kính khoảng 500m cũng có hàng chục cửa hàng trà sữa của các thương hiệu khác nhau. Mỗi cửa hàng, nơi ít thì bán 200-300 cốc, nhiều hơn thì lên tới cả nghìn cốc.
Trào lưu trà sữa không phải mới tại Việt Nam, mà đã du nhập vào từ những năm 2000 với công thức đơn giản là trà và sữa trộn cùng các hạt trân châu. Tuy nhiên, khi đó, thị trường chủ yếu là những cửa hàng nhỏ lẻ tự pha chế với giá bán khá rẻ.
Khoảng 4 năm trở lại đây, trào lưu trà sữa lại bùng phát trở lại với một bộ mặt mới khi thị trường có sự tham gia của hàng chục thương hiệu trà sữa quốc tế như Dingtea, Chago, Gongcha, Igongcha, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Wang Tea và Taiwan Tea Good Tea, Chatime, Bobapop, Citea Fun, Blackball… Trong số những tên tuổi đó, không chỉ có trà sữa Đài Loan – thương hiệu hàng đầu về mặt hàng này, mà còn có trà sữa Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore...
Ngoài các tên tuổi nhượng quyền quốc tế, gần đây một doanh nghiệp Việt là Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) – đơn vị quản lý 20 chuỗi nhà hàng cũng công bố tham gia thị trường trà sữa với thương hiệu Yu Tang. Thậm chí KFC cũng ra mắt thương hiệu trà sữa riêng.
Tại một cuộc hội thảo về thị trường trà sữa và F&B, Lozi - đơn vị cung cấp ứng dụng chia sẻ trải nghiệm về địa điểm ăn uống đã công bố một khảo sát cho thấy, cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa và dự kiến đến cuối năm, con số này còn tăng mạnh khi một loạt các thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường. Cũng theo khảo sát này, có đến hơn 53% người được hỏi uống trà sữa từ mỗi lần một tuần. Từ đầu năm 2017 đến hết tháng 6, trung bình, mỗi tháng tại Hà Nội lại có 8 cửa hàng trà sữa của các thương hiệu được mở thêm.
Riêng tại Hà Nội và TP HCM, có những tuyến đường nổi lên tên gọi “cung đường trà sữa” với nhiều thương hiệu mở san sát nhau. Những buổi tối khách xếp thành hàng dài chờ mua trà sữa đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên tuyến đường Ngô Đức Kế (TP HCM), đường Thanh Niên, Trần Thái Tông, Cầu Giấy (Hà Nội)... Thậm chí cơn sốt trà sữa còn tác động tới cả thị trường bất động sản ở một số khu vực khi nhu cầu thuê mặt bằng để kinh doanh mặt hàng này gia tăng. Báo cáo của một đơn vị nghiên cứu tại TP HCM cho thấy, giá trị bất động sản ở một số tuyến đường kinh doanh mặt hàng này đã tăng 25-71% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về sự trở lại và thành công của mô hình trà sữa trong vài năm gần đây, các chuyên gia trong ngành F&B cho hay, các doanh nghiệp tham gia đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về đối tượng và khẩu vị khách hàng.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện thương hiệu Gong Cha tại Việt Nam cho biết, nếu trước đây, trà sữa là thứ đồ uống được giới trẻ, học sinh, sinh viên ưa chuộng thì nay, đối tượng khách hàng mở rộng, đa dạng hơn, đặc biệt là giới văn phòng và người trung niên.
Khảo sát tiến hành hồi tháng 5/2017 của Q&Me - đơn vị cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam cho thấy, những người ở độ tuổi 30-39 có nhận biết tốt nhất về các thương hiệu trà sữa.
Các thương hiệu lớn cũng như tên tuổi mới khi gia nhập thị trường cũng đã có những tính toán, đầu tư bài bản về xây dựng thương hiệu, thiết kế cửa hàng cũng như chiến lược kinh doanh… Đó cũng là lý do mà không ít chuyên gia cho rằng, thị trường trà sữa không phải “cuộc chiến” ngọt ngào dành cho tất cả.
Trước câu hỏi làm thế nào khi trong tuần đầu tiên khai trương, xung quanh bạn có đến 5 thương hiệu khác cũng đang "mua một tặng một"?, chủ đầu tư chuỗi cửa hàng trà sữa thương hiệu Ding Tea cho rằng: “Mở rộng hệ thống, đa dạng và làm mới thực đơn, các chương trình khuyến mại… sẽ là những việc cần làm nhiều hơn trong thời gian tới ”.
Trong khi đó, một số thương hiệu sẽ chọ cách tập trung đầu tư, nâng cấp không gian cửa hàng. Ông Alan He – CEO thương hiệu trà sữa Heekcaa chia sẻ kế hoạch lựa chọn các cửa hàng với diện tích lớn để tạo ra một không gian trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng thay vì việc sử dụng những ki ốt nhỏ.
Theo đại diện Gong Cha, một vài năm trước, trà sữa chưa được mở rộng đến đối tượng văn phòng và người lớn tuổi là do vẫn còn bán theo kiểu tự phát và chưa có kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện trở lại, chất lượng trà sữa được nâng cao ngay từ khâu chọn nguyên liệu, hầu hết đều là nhập khẩu từ chính quốc, các loại topping tự nấu hoặc được nhập và có giấy chứng nhận…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp