02/11/2020 15:23
Con đường có thể giúp Trump tái đắc cử
Với sự ủng hộ tại các bang truyền thống, Trump sẽ giành đủ 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng nếu chinh phục được một trong ba bang chiến trường.
David N. Bossie, phó quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump năm 2016 và từng là điều tra viên chính trong Ủy ban Cải cách và Giám sát Chính phủ của Hạ viện Mỹ dưới thời chính quyền tổng thống Bill Clinton, nhận định con đường giành 270 phiếu đại cử tri để tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump năm nay sẽ không khác mấy với mùa bầu cử năm 2016.
Bossie tin rằng Trump năm nay sẽ tiếp tục giành chiến thắng ở Texas, Indiana và tất cả các bang có truyền thống ủng hộ phe Cộng hòa, giúp ông có được 163 phiếu đại cử tri đầu tiên. Năm 2016, lộ trình chiến thắng của ông chạy qua các bang Florida, Ohio, Bắc Carolina và Iowa. Năm nay, con đường này vẫn vẹn nguyên, đồng thời bổ sung thêm hai bang Georgia và Arizona.
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện tranh cử ở Dubuque, bang Iowa hôm 1/11. Ảnh: AP. |
Nhận định này của Bossie được tăng thêm tính tin cậy, khi kết quả khảo sát được Des Moines Register/Mediacom công bố hôm 31/10 cho thấy Trump đang dẫn trước đối thủ Joe Biden 7 điểm phần trăm tại bang Iowa, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 48% và 41%.
Khi lặp lại chiến thắng ở các bang truyền thống này, cộng thêm sự ủng hộ từ bang Nebraska và Khu vực Quốc hội thứ hai của bang Maine, nơi Tổng thống Mỹ từng giành chiến thắng năm 2016, Trump gần như nắm chắc trong tay 260 phiếu đại cử tri, chỉ thiếu 10 phiếu so với "con số thần kỳ" 270.
10 phiếu đại cử tri còn lại được cho sẽ được định đoạt ở ba bang chiến trường Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Trump từng gây chấn động năm 2016 khi trở thành ứng viên Cộng hòa đầu tiên thắng ở bang Pennsylvania và Michigan kể từ năm 1988. Ông cũng là ứng viên tổng thống đầu tiên của đảng Cộng hòa thắng ở Wisconsin kể từ sau khi cựu tổng thống Ronlad Reagan tái đắc cử năm 1984.
Pennsylvania có 20 phiếu đại cử tri, trong khi Michigan có 16 phiếu và Wisconsin có 10 phiếu. Với kịch bản như trên, ông chỉ cần thắng một trong ba bang để giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc đua năm nay, theo Bossie.
Như một cách để dự phòng, chiến dịch tranh cử của Trump cũng đang vận động tích cực ở Minnesota, Nevada và New Hampshire, các bang mà ông để thua sít sao trước ứng viên Dân chủ Hillary Clinton năm 2016.
"Bài học mà năm 2020 dạy chúng ta là bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Do đó, sẽ thật khôn ngoan khi dốc mọi nỗ lực đánh bại đối thủ, như cách Tổng thống Trump đang làm với lịch trình vận động tranh cử quyết liệt của ông", Bossie viết trong bài phân tích trên Fox News hôm 31/10.
Joe Biden lên máy bay ở New Castle, Delaware để đến Michigan vận động tranh cử cùng Barack Obama hôm 31/10. Ảnh: AP. |
Biden đang dẫn trước Trump trong nhiều cuộc khảo sát toàn quốc và cấp bang, song cũng như Bossie, nhiều chuyên gia nhận định còn quá sớm để nói về thất bại của ứng viên đảng Cộng hòa vào lúc này.
"Ông ấy vẫn có một con đường chiến thắng rõ ràng để tái đắc cử tổng thống", giáo sư Wesley Widmaier, chuyên gia người Mỹ về các vấn đề quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, nói. "Pennsylvania vẫn chưa được định đoạt, Florida cũng vậy và thậm chí cả Arizona cũng không chắn chắn nghiêng về Biden".
Giáo sư Widmaier thêm rằng người ủng hộ Tổng thống Trump có quyền lạc quan về một chiến thắng giành cho ứng viên của họ.
Theo các cuộc khảo sát được công bố hai ngày trước cuộc bầu cử, Biden đang dẫn trước Trump ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Nhưng giáo sư Widmaier nhận định cách biệt tại một số bang quan trọng nằm trọn trong khoảng sai số của khảo sát, cho thấy lợi thế của Biden có thể không rõ ràng.
Hầu hết chuyên gia đều thấy các bang chiến trường Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, Bắc Carolina, Florida và Arizona đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử. Giáo sư Widmaier cho rằng kết quả bỏ phiếu ở vùng "Cán chảo Florida", nằm ở tây bắc Florida, nơi nhiều cử tri từng ủng hộ tổng thống Barack Obama đã chuyển sang bầu cho Trump năm 2016, có thể là dấu hiệu sớm cho thấy ai một lần nữa giành chiến thắng ở khu vực bờ đông nước Mỹ sắp tới.
"Nếu chúng ta thấy cử tri ở vùng Cán chảo Florida quay lại ủng hộ Biden, đó sẽ là thông tin chứa đựng nhiều ý nghĩa", ông nói và thêm rằng "các cuộc khảo sát chỉ nên là mô hình tham khảo".
Người ủng hộ Trump tham gia cuộc vận động ở Houston, bang Texas, hôm 1/11. Ảnh: AP. |
Giáo sư Widmaier cho biết lượng cử tri mới trong năm nay, mức độ nhiệt tình bỏ phiếu chưa từng có của người Mỹ và bỏ phiếu qua thư có thể là các "biến số" ảnh hưởng tới tính chính xác của các cuộc thăm dò.
Cùng chung quan điểm, Meghna Srinivas, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Monash, ở Australia, nói rằng khảo sát ở các bang chiến trường cho thấy lợi thế của ứng viên Biden là "rất nhỏ".
"Dù có vẻ Biden dẫn trước, Trump vẫn hoàn toàn có cơ hội ở các bang này", cô nói.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử năm 2016 là một minh chứng rõ ràng cho nhận định đó. Hàng loạt cuộc khảo sát cách đây 4 năm đều cho thấy bà Hillary có lợi thế áp đảo trước ứng viên đảng Cộng hòa, nhưng kết quả ông Trump là người trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Srinivas cho rằng các cuộc thăm dò năm 2016 đã đánh giá thấp những người ủng hộ "giấu mặt" của Tổng thống Trump. Cô tin rằng chiến dịch của Biden và các thành viên Dân chủ vẫn có lý do để lo lắng về kết quả bầu cử năm nay, bởi mọi thứ "không thể biết trước cho tới khi bầu cử kết thúc".
Hơn 90 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm năm nay tính tới hiện tại, vượt xa con số 58 triệu hồi năm 2016. Nhiều chuyên gia nhận định tính khó đoán và những biến số của bầu cử Mỹ vẫn có thể giúp Tổng thống Trump tái lập kịch bản chiến thắng năm 2016.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp