Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Có thể giảm khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi vay mới

Ngân hàng

01/10/2020 19:43

Giả sử các khoản nợ của 5 nhóm ngành ưu tiên được điều chỉnh giảm 0,5%/năm theo lãi suất mới, người vay có thể giảm 8.500-10.700 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Tối 30/9, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo quy định từ hôm nay, 1/10, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ giảm thêm 0,25%. Các ngân hàng cũng được yêu cầu giảm lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm so với mức hiện tại.

Ngân hàng Nhà nước cũng giảm một loạt lãi suất điều hành.

Theo đó, lãi suất tối đa với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm. Mức lãi suất tối đa đối kỳ hạn này tại quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND với các lĩnh vực ưu tiên giảm thêm  0,5%/năm, từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.

Phân tích của SSI cho rằng các ngân hàng đang dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước, nên lãi suất giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại sau giảm không có nhiều tác động. Ảnh: Zing
Phân tích của SSI cho rằng các ngân hàng đang dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước, nên lãi suất giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại sau giảm không có nhiều tác động. Ảnh: Zing

Một loạt lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở, cũng giảm với mức giảm 0,5%/năm.

Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn còn 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. 

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3%/năm xuống 2,5%/năm.

Đây là lần thứ 3 tính từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi. Lần gần nhất là vào 13/5. Việc giảm lãi suất điều hành là để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ngay sau động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research đã có báo cáo cập nhật nhanh về động thái hạ lãi suất này. Báo cáo nhận định lãi suất giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại sau giảm không có nhiều tác động. 

Phân tích của SSI cho rằng các ngân hàng thương mại đang rất dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù lượng bơm/hút ròng của Ngân hàng Nhà nước gần như bằng 0, nhưng một lượng tiền đồng khá lớn đã được đẩy vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên kỷ lục là 92 tỷ USD, và dự báo cán mốc 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

Đây là lần thứ 3 tính từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: NDH
Đây là lần thứ 3 tính từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: NDH

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến tiền đồng dư thừa trong hệ thống là do đầu ra tín dụng yếu. Đến 22/9, trong khi huy động vẫn tăng tốt, đạt 7,7%, thì tăng trưởng tín dụng chỉ là 5,12%, thấp hơn cùng kỳ 2019 gần 3%. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đặt ra năm 2020 là 10%.

Đây là chỉ tiêu đã điều chỉnh. Trước đó, cơ quan này đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14%.

Theo SSI Research, lãi suất tiết kiệm VND đã giảm từ đầu tháng 5 đến nay, với tổng cộng từ 1,2% đến 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Hiện lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 3-3,8%/năm, một số ngân hàng chỉ  2,2-2,5%/năm, thấp hơn cả trần Ngân hàng Nhà nước đưa ra áp dụng từ hôm nay. Do đó, SSI cho rằng lãi suất tiết kiệm sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định giảm lãi suất của cơ quan quản lý nhà nước.

Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng. SSI kỳ vọng lãi sẽ giảm thêm 0,1-0,3%/năm trong quý IV.

Ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thị trường trong nhóm các lãi suất điều hành sau điều chỉnh là lãi suất cho vay hạn ngắn bằng VND với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao). Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù trần lãi suất này đã giảm 2 lần, tổng cộng 1%, nhưng tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và xuất khẩu chỉ khoảng 3-4%, thấp hơn mức tăng trưởng chung.

Trong khi đó, năm 2019, tỷ trọng cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên chiếm hơn 42% tổng dư nợ toàn hệ thống. Dựa theo tỷ lệ cho vay ngắn hạn/tổng dư nợ trung bình của các ngân hàng thương mại đến 30/6 là 50%, SSI Reserch ước tính tỷ lệ cho vay ngắn hạn với 5 nhóm ngành ưu tiên hiện là 20-25% tổng dư nợ hệ thống (khoảng 1,7-2,1 triệu tỷ đồng).

Giả sử, các khoản nợ này được điều chỉnh giảm 0,5%/năm theo quy định của trần lãi suất mới, thì từ năm 2021, người đi vay có thể giảm được từ 8.500-10.700 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Trần lãi suất mới chỉ áp dụng với các khoản giải ngân mới, hoặc các khoản vay đến kỳ điều chỉnh lãi suất, nên số dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất trong quý IV sẽ ít, không ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng thương mại năm nay. 

Báo cáo hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tuần trước cũng cho biết mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng tiền VNĐ của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với đầu năm.

Trong đó, lãi suất huy động hiện phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Mức 3,7-4,1%/năm với tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng chỉ 4,4-6,4%/năm; và kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 6-7,1%/năm.

Ở chiều cho vay, lãi suất ngắn hạn tối đa bằng tiền VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực hiện ở mức 5%/năm, giảm 1% so với đầu năm. Tuy nhiên, mặt bằng lãi cho vay phổ biến không giảm nhiều, vẫn ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn và 9-11%/năm với trung và dài hạn.

Thông tin giảm lãi suất điều hành đã tạo áp lực khiến lãi suất Trái phiếu Chính phủ liên tục giảm. Trong phiên đấu thầu ngày 30/9, lãi suất trúng thầu tiếp tục giảm 1-4 điểm cơ bản cho các kỳ hạn từ 10 đến 20 năm, và giảm 18 điểm cơ bản với kỳ hạn 5 năm.

Tính chúng cả tháng 9, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm 10-11 điểm cơ bản với các kỳ hạn dài, và 33-50 điểm cơ bản với các kỳ hạn dưới 10 năm.

Tổng lượng phát hành tháng 9 đạt 60.000 tỷ đồng, nâng lượng phát hành quý III lên 141.7000 tỷ đồng, vượt 9% so với kế hoạch quý.

Lượng phát hành ròng trong 9 tháng ở mức 154.600 tỷ đồng, gấp 1,86 lần tổng lượng phát hành cả năm 2019 và cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.

H.LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement