07/11/2020 12:53
Có thể dùng điện thoại, thẻ ATM để thanh toán vé tàu Metro
Vé đi metro sẽ dùng thẻ ATM, điện thoại thông minh để dễ thanh toán và nạp tiền. Tính năng định danh người dùng cũng được đề xuất nâng cấp.
Đề xuất trên được Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) gửi UBND TP.HCM liên quan triển khai hệ thống thu phí tự động (AFC) metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và các tuyến metro khác của thành phố, theo VN Express.
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 đã được ra mắt hồi đầu tháng 10. |
Hệ thông thu phí tự động - AFC của metro số 1 thuộc gói thầu CP3. Hệ thống gồm nhiều hạng mục như cổng soát vé, máy điều chỉnh giá vé, thiết bị đầu cuối cho nhân viên nhà ga; máy chủ; thiết bị mạng; máy phát hành và tái chế vé; thiết bị quản lý tiền mặt,...
Tính đến tháng 10/2020, gói thầu CP3 (thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) hoàn thành được 61% khối lượng công việc, kế hoạch hoàn thành trong năm 2020 là 80%.
AFC được thiết kế nhiều tính năng kỹ thuật, tính bảo mật cao và tuổi thọ ít nhất 5 năm từ ngày khai thác. Trong đó, hệ thống thiết kế khoảng 5 triệu thẻ đi metro, gồm ba loại: vé lượt, vé ngày, vé tích tiền (tích trữ tiền để trừ dần khi đi tàu, khi không đủ phải nạp thêm).
Do ý tưởng thiết kế, xây dựng từ 10 năm trước nên hệ thống có hạn chế chưa cập nhật tính năng phân biệt những khách được hưởng chính sách miễn giảm giá vé như học sinh, sinh viên, người khuyết tật,... Hệ thống chưa đa dạng hình thức nạp tiền, mua vé do chỉ phục vụ qua máy bán vé tự động hoặc tại quầy ở ga; chưa hỗ trợ qua ATM, thẻ tín dụng, các loại ví điện tử,...
Ngoài ra, AFC chưa cho dùng thẻ ngân hàng để thanh toán hoặc điện thoại thông minh thay vé khi đi tàu; chưa tích hợp vé thành ví điện tử để khách thuận tiện thanh toán khi mua sắm, dùng dịch vụ tại ga,... Đây là hình thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia từ nhiều năm trước.
Theo MAUR, hệ thống AFC của metro số 1 hiện xong khâu thiết kế kỹ thuật và qua giai đoạn sản xuất, chế tạo, tiến độ đạt hơn 50%, dự kiến thử nghiệm, vận hành cùng thời gian khai thác tuyến metro này. Do đó, MAUR đề xuất trước khi đưa vào khai thác, AFC cần được bổ sung những tính năng còn thiếu nói trên. Thời gian nâng cấp dự tính kéo dài 5 năm, dùng vốn ngân sách.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, TP.HCM chuẩn bị vay thêm hơn 7.330 tỷ đồng để hoàn thành tuyến metro này. Đây là khoản vay ODA cuối cùng trong dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, giá trị vay dự kiến 33 tỷ yên (tương đương 7.333 tỷ đồng).
Với metro số 2, hệ thống AFC hiện trong giai đoạn chuẩn bị mời thầu và chờ khung tiêu chuẩn kỹ thuật để kết nối với hệ thống vé chung của thành phố. Do hệ thống vé chung dự kiến thiết kế cũng có một số hạn chế nên MAUR đề xuất tuyến metro số 2 và các tuyến khác cần phát triển hệ thống AFC tối ưu, khắc phục các bất cập và kết nối metro số 1.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp