Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu Vietnam Airlines lần thứ 2 bị dừng giao dịch ký quỹ

Chứng khoán

05/09/2020 18:56

Một loạt cổ phiếu bị đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ gồm HVN của Vietnam Airlines, PLX của Petrolimex, VNS của Vinasun, DXG của Đất Xanh…

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định đưa 85 mã chứng khoán của các danh nghiệp lớn vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Trong đó, có nhiều cổ phiếu đáng chú ý, như DXG của Tập đoàn Đất Xanh, MSH của Công ty cổ phần may Sông Hồng, HVN của Vietnam Airlines, PLX của Petrolimex, VNS của Vinasun, TDH của Nhà Thủ Đức, PNC của Công ty CP văn hóa Phương Nam (sách Phương Nam), ROS của Công ty CP Xây dựng FLC FAROS...

Cuối quý II/2020, Vietnam Airlines có số nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn lên 18.444 tỷ đồng. Ảnh: TT 
Cuối quý II/2020, Vietnam Airlines có số nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn lên 18.444 tỷ đồng. Ảnh: TT 

Theo quyết định HoSE, cổ phiếu HVN của Vietnam Airline HVN bị đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ sau khi Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020, với khoản lợi nhuận sau thuế là số âm.

Cụ thể, nửa đầu năm, hãng bay ghi nhận doanh thu thuần 24.808 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả kinh doanh qua 2 quý đầu năm đã lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán thậm chí còn đưa ra ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn đến cuối quý II/2020 lên 18.444 tỉ đồng.

Theo đơn vị kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airline phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, cũng như diễn biến của dịch COVID-19

Kiểm toán cho biết thêm những điều kiện này cùng với khoản nợ trên 18.000 tỷ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn, cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn, có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Nửa đầu năm, COVID-19 đã “ăn” hết lợi nhuận của Vietnam Airlines. Con số lỗ gần 6.700 tỷ đồng chỉ là một phần trong "kế hoạch lỗ" mà hãng hàng không quốc gia ước tính trong năm 2020.

COVID-19 bùng phát và kéo dài suốt nhiều tháng đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, từ vận tải, dịch vụ đến bất động sản. Ảnh: TT
COVID-19 bùng phát và kéo dài suốt nhiều tháng đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, từ vận tải, dịch vụ đến bất động sản. Ảnh: TT

Cụ thể, Vietnam Airlines dự báo lỗ hợp nhất của năm nay lên đến gần 15.200 tỷ đồng, tức nửa cuối năm, số lỗ sẽ thêm khoảng 8.500 tỷ đồng, vì nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm mạnh.

Theo tính toán của Vietnam Airlines, số dư tiền tính đến cuối năm của hãng chỉ còn 397 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2019 lên đến 4.185 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 16,63 lần, gấp 6 lần so với năm 2019.

Tuy nhiên, phương án này được xây dựng trên giả thiết được Chính phủ phê duyệt cho hãng vay 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu năm 2020 cũng sẽ chưa thực hiện.

Đây là lần thứ 2 cổ phiếu HVN  xuất hiện trong danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Trước đó,  HVN có mặt trong danh sách này do báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2019 có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.

Cùng lý do lợi nhuận sau thuế là con số âm khiến cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng bị HoSE đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Theo báo cáo soát xét bán niên 2020, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam có khoản lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 816 tỉ đồng.

Lợi nhuận âm cũng là lý do khiến cổ phiếu VNS của Vinasun bị dừng giao dịch ký quỹ. Nửa năm 2020, hãng taxi lớn nhất TP.HCM kinh doanh khó khăn nhất lịch sử, với lợi nhuận sau thuế âm 128 tỷ đồng. Ảnh: VNS
Lợi nhuận âm cũng là lý do khiến cổ phiếu VNS của Vinasun bị dừng giao dịch ký quỹ. Nửa năm 2020, hãng taxi lớn nhất TP.HCM kinh doanh khó khăn nhất lịch sử, với lợi nhuận sau thuế âm 128 tỷ đồng. Ảnh: VNS

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020 của Petrolimex cho thấy các chỉ tiêu kinh doanh chính không biến động nhiều so với báo cáo do doanh nghiệp tự lập. Doanh thu thuần hợp nhất ở mức 65.185 tỉ đồng, giảm đến 33% so với cùng kỳ năm 2019. Tập đoàn xăng dầu này lỗ trước thuế hơn 920,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận khoản lãi trước thuế 3.191 tỉ đồng.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Petrolimex ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 692,5 tỉ đồng sau nửa năm kinh doanh, giảm đến 387 tỉ đồng so với báo cáo tự lập - do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tăng gần 400 tỉ đồng.

Petrolimex cho rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát nên doanh nghiệp có thể chuyển lỗ tính thuế kỳ này sang kỳ kinh doanh tới nếu có lãi. Doanh nghiệp đã ghi nhận tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại theo quy định.

Trong quý đầu năm, giá dầu thế giới giảm mạnh và liên tục đi xuống, từ mức giá 61,18 USD đầu trong tháng 1 xuống 20,48 USD/thùng ở thời điểm cuối quý I đã ảnh hưởng giá vốn hàng bán trong kỳ. Dù giá xăng dầu tăng trở lại trong quý II, nhưng dịch bệnh lại bùng phát trở lại, đã tác động đến kết quả kinh doanh vì nhu cầu thị trường giảm.

Các công ty con, công ty liên kết của Petrolimex như hóa dầu, gas cũng chịu thiệt hại bởi tình hình dịch bệnh.

Cổ phiếu TDH của Nhà Thủ Đức cũng vào diện dừng giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét 6 tháng năm 2020 là số âm.

Đây cũng là nguyên nhân đưa cổ phiếu VNS của Vinasun, DXG của Đất Xanh, ROS của FLC FAROS, PNC của Phương Nam... vào danh sách này. 

H.LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement