06/12/2018 08:22
Cổ phiếu TCB của Techcombank được phép đánh margin
Cổ phiếu TCB của Techcombank đã giao dịch đủ 6 tháng trên HOSE và được ra khỏi danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ-margin.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố quyết định đưa cổ phiếu của Techcombank (TCB) ra khỏi danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ.
Cổ phiếu TCB đã niêm yết đủ 6 tháng tính từ ngày giao dịch đầu tiên do đó đã đủ điều kiện để được ký quỹ. Khách hàng có thể thực hiện vay margin để mua cổ phiếu TCB.
TCB là cổ phiếu từng gây xôn xao thị trường chứng khoán khi lên sàn. Cụ thể, hồi 4/6/2018, Techcombank đã đưa cổ phiếu TCB niêm yết tại HOSE. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết là hơn 1,1 tỷ cổ phần với giá chào sàn ở mức 128.000 đồng/cổ phần.
Với giá 128.000 đồng/cổ phần, Techcombank lên sàn sẽ có vốn hóa 149.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD. Như vậy, vốn hoá của Techcombank cao thứ hai trong số các ngân hàng đã niêm yết và chỉ sau Vietcombank đang có vốn hóa hơn 192.000 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý là với mức giá 128.000 đồng, cổ phiếu Techcombank nếu chào bán thành công sẽ là cổ phiếu ngân hàng có giá cao nhất trong toàn bộ hệ thống. Mức giá này không chỉ cao gấp đôi cổ phiếu các ngân hàng dẫn đầu hiện nay là VCB, HDB, VPB. Cao gấp 3 các ngân hàng top giữa là ACB, VIB, BID... cao gấp 8-10 lần so với các ngân hàng như EIB, STB, SHB...
Cổ phiếu TCB được phép đánh margin nhưng liệu ai sẽ chơi? |
Tính đến nay, đợt chào bán cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vincom Retail vào ngày 6/11/2017 đã huy động vốn được 741 triệu USD. Thương vụ này sau đó được đánh giá là lần chào bán kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập đến nay.
Thế nhưng, đợt chào bán lần này của Techcombank nếu thành công sẽ đè bẹp kỷ lục của Vincom Retail. Cụ thể, Techcombank chào bán cổ phiếu với giá 128.000 đồng/cổ phiếu sẽ huy động được 922 triệu USD, cao hơn 181 triệu USD so với thương vụ trước đó của Vincom Retail.
Đồng thời, cổ phiếu của Techcombank sẽ được niêm yết tại HOSE có mức định giá lên tới 6,5 tỷ USD. Đương nhiên, Techcombank sẽ lọt vào top 10 công ty Việt Nam có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Sau khi thực hiện niêm yết, Techcombank cũng lên kế hoạch về việc chia thưởng và tăng vốn điều lệ. Đại hội cổ đông bất thường được tổ chức vào ngày 14/6. Theo phương án trình cổ đông, Techcombank sẽ tăng gấp 3 lần vốn từ 11.655 tỷ đồng lên 34.966 tỷ đồng.
Mục tiêu của đợt tăng vốn này nhằm chia sẻ cổ tức với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất và lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu quỹ với mức vốn điều lệ mới là 34.970 tỷ đồng. Cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đương với tỷ lệ 200%. Như vậy, với mỗi cổ phiếu hiện tại, cổ đông nhận thêm 2 cổ phiếu mới.
Chốt phiên giao dịch 5/12, thị giá cổ phiếu của TCB chỉ còn ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu. So với giá giao dịch ngày đầu đã điều chỉnh, cổ phiếu TCB vẫn giảm 34%. Vốn hóa thị trường của Techcombank mất hơn 52.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau của Techcombank đạt hơn 6.209 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 2,05%.
Thu nhập lãi thuần của TCB trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 8.167 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 25% lên mức 2.113 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 21% lên gần 247 tỷ đồng.
Còn hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ khi đạt gần 29 tỷ đồng và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng 42% lên mức 703 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác không thay đổi nhiều, đạt hơn 1.053 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng 14% chiếm hơn 3.733 tỷ đồng.
Thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng đầu năm của TCB đạt 13.294 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng giảm từ 53% xuống 48%. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của TCB đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 77% kế hoạch.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 30%, chỉ còn chiếm hơn 1.786 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận sau thuế của TCB tăng 60%, đạt hơn 6.209 tỷ đồng. Tính riêng trong quý III, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng TCB lại gấp 4,7 lần cùng kỳ, chiếm hơn 742 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận trước và sau thuế của TCB tăng 22% và 21%, đạt lần lượt 2.577 tỷ đồng và 2.059 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2018, tổng tài sản của TCB đạt hơn 311.796 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng cũng tăng 13% và 4%, đạt lần lượt 193.583 tỷ đồng và 166.939 tỷ đồng, thực hiện được 78% kế hoạch năm.
Trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 4% thì nợ xấu của Techcombank 9 tháng đầu năm tăng đến 33% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn nhóm 3 giảm 21% thì nợ nghi ngờ nhóm 4 tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn nhóm 5 tăng 31%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,05% so với 1,61% hồi đầu năm.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp