Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu phân hóa mạnh

Chứng khoán

28/04/2021 07:14

Sau khi VN-Index lập đỉnh mới, thị trường có mức độ biến động mạnh trong từng phiên giao dịch và diễn biến giá cổ phiếu theo nhóm ngành cũng như trong từng ngành phân hóa mạnh mẽ hơn.

Khó đo lường giá trị doanh nghiệp

VN-Index vượt qua ngưỡng 1.200 điểm từ đầu tháng 4/2021 và duy trì trên ngưỡng này cho đến nay, với tính thanh khoản cao và giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh.

Đáng lưu ý, có những mã tăng “thẳng đứng”, dù doanh nghiệp không có thông tin hỗ trợ, chủ yếu thuộc nhóm cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu nhỏ. Chính vì vậy, đa số cổ phiếu thuộc nhóm này lao dốc trong phiên thứ Năm (22/4).

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, các doanh nghiệp niêm yết đang rốt ráo công bố báo cáo tài chính quý I/2021.

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực, nổi bật ở nhóm ngân hàng, chứng khoán và một số doanh nghiệp ngành tiêu dùng, công nghệ.

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực, nổi bật ở nhóm ngân hàng, chứng khoán và một số doanh nghiệp ngành tiêu dùng, công nghệ. Với kết quả kinh doanh quý đầu năm, thị trường sẽ sớm đánh giá lại các chỉ số định giá quan trọng như EPS, P/E, P/B... Tuy nhiên, giá không ít cổ phiếu đã sớm “chạy” trước khi thông tin được công bố.

Vấn đề hiện nay là tốc độ tăng giá cổ phiếu liệu có cao hơn tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận? Theo ông Lân, một số nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… vẫn còn dư địa tăng, nhất là sau khi thị trường điều chỉnh.

Nhóm bất động sản, cả công nghiệp lẫn dân dụng cũng vậy, đa số doanh nghiệp đang hưởng lợi nhờ giá đất tăng và khối lượng sản phẩm sắp bàn giao. Lưu ý, không phải doanh nghiệp nào cũng có lợi thế như nhau nên tùy vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có những đánh giá riêng.

Đối với nhóm ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt liên quan đến xuất khẩu, báo cáo tài chính quý I/2021 đang cho thấy kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, nhờ nền cùng kỳ năm trước thấp.

Nhưng gần đây, giá nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, chi phí đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong quý II. Vì thế, dư địa tăng giá cổ phiếu những doanh nghiệp đó không còn nhiều.

Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường đang trong chu kỳ hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19, nên giá trị doanh nghiệp khó có thể đo lường.

Trước đó, giá trị định giá của các doanh nghiệp bị chiết khấu mạnh trong giai đoạn dịch bệnh. Hiện tại, nguy cơ dịch bệnh tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn. Vì vậy, nhà đầu tư nên quan tâm đến yếu tố tăng trưởng hơn là yếu tố về giá trị.

Theo Yuanta Việt Nam, các nhóm ngành kim loại (thép), hóa chất, sản xuất thực phẩm, bất động sản, ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng. Trong đó, nhóm ngân hàng có thể đạt đỉnh tăng trưởng lợi nhuận vào quý I/2021 và dự báo sẽ phân hóa trong giai đoạn tới, nhất là các khoản thu nhập ngoài lãi.

Cổ phiếu phân hóa mạnh ảnh 1
Cổ phiếu phân hóa mạnh ảnh 2

Thông tin tích cực vẫn là điểm tựa

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN, đưa ra lộ trình trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 3 năm đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được đánh giá sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí dự phòng, đặc biệt trong năm 2021.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm 2021 được dự báo sẽ cao hơn năm ngoái bởi kinh tế phục hồi, thêm nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư công được đẩy mạnh…, nhất là khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp và kênh trái phiếu doanh nghiệp không dễ duy động như trước.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công trong năm 2021 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu như thép (HPG, HSG, NKG), đá xây dựng (KSB, DHA), nhựa đường (PLC), xi măng (BCC, HT1) và nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng (C4G, LCG, FCN, HTN).

Việc trở thành điểm sáng trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế giúp Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo báo cáo của JLL, trong quý I/2021, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt mức cao, trong khi nguồn cung khan hiếm khiến giá thuê đất và nhà xưởng xây sẵn tăng trung bình 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này hứa hẹn sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như KBC, LHG, SZC, TIP…

Lợi nhuận quý I/2021 khả quan được nhiều ý kiến nhìn nhận vẫn sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường. Thống kê sơ bộ của Fiinpro dựa trên số liệu 54 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận cao gấp 10 lần doanh thu, nhưng loại trừ BSR có lợi nhuận đột biến và cùng kỳ năm ngoái thua lỗ thì doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 14,4% và 13,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là quý thứ hai liên tiếp, doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng tương ứng, cho thấy sự phục hồi vững chắc về lợi nhuận doanh nghiệp.

Trong đó, mỗi nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng riêng. Nhóm công nghệ thông tin (FPT) tiếp tục câu chuyện về chuyển đổi số, với doanh thu tăng 14,2%, lợi nhuận tăng 25,6%. Nhóm thủy điện (AVC, S4A, SBA, EBA) duy trì tăng trưởng lợi nhuận, nhưng nhiệt điện có lợi nhuận tăng thấp (POW), thậm chí giảm (HND) do phải cạnh tranh gắt gao với nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời)…

Thông tin sớm về kết quả kinh doanh quý I/2021 đã tạo ra sự phân hóa rõ nét về diễn biến giá giữa các nhóm cổ phiếu. Thực tế, giá cổ phiếu thường “chạy” trong vòng 2 tuần đến 1 tháng trước khi những thông tin tích cực về lợi nhuận được doanh nghiệp chính thức công bố.

Tuy nhiên, theo Fiinpro, tăng trưởng lợi nhuận của không ít doanh nghiệp vẫn chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu (bao gồm VTP, AVC, PBC, S4A).

Ở chiều ngược lại, có những mã cổ phiếu tăng nóng, dù lợi nhuận quý I/2021 giảm như UNI, ATB, HND. Dự báo cả năm, khối doanh nghiệp trên sàn có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 23,2% so với năm ngoái.

Anh Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội nhận xét, mặc dù có những cổ phiếu biến động giá “lạ”, không bám sát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng về cơ bản sẽ phản ánh kết quả kinh doanh hàng quý, hàng năm.

VN-Index lập đỉnh mới, nhưng trên 3 sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCoM vẫn có không ít cổ phiếu hấp dẫn, đơn cử mã CTR. Rủi ro cao nằm ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa nhỏ, thị giá thấp. Nhóm này đã có mức tăng giá mạnh dù không có thông tin hỗ trợ liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Ánh Minh
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement