11/11/2021 12:10
Cổ phiếu ngân hàng – Kỳ vọng gì cho giai đoạn tới?
Trong những phiên gần đây, cổ phiếu ngân hàng đang cho thấy tín hiệu khởi sắc hơn, khi có những thời điểm trở thành trụ đỡ chính của thị trường. Đối với nhà đầu tư, để VN-Index tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong thời gian tới, có lẽ không thể thiếu sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, với vốn hóa luôn chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index.
Thời kỳ khó khăn
Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 18% kể từ mức đáy từ giữa tháng 7/2021 đến nay, đặc biệt đà tăng duy trì tích cực từ đầu tháng 10 đã giúp chỉ số này gần đây vượt đỉnh cũ quanh 1,420 điểm thiết lập hồi đầu tháng 7. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung diễn ra thuận lợi, nhiều ngành tăng trưởng mạnh mẽ như hóa chất, bất động sản, năng lượng, xây dựng,…vẫn còn nhóm ngành thể hiện sự trì trệ và gần như đi ngang trong suốt thời gian qua, mà ngành ngân hàng là một trong số đó.
Cụ thể chỉ số của nhóm ngành ngân hàng trong hơn 3 tháng qua chỉ tăng vỏn vẹn 5%, đặc biệt sự tăng trưởng chỉ mới có dấu hiệu diễn ra từ những ngày cuối tháng 10 đến nay. Nếu so với đỉnh cao thiết lập vào đầu tháng 7, chỉ số nhóm ngành ngân hàng vẫn đang cách xa hơn 13%, khá ảm đạm nếu nhìn vào sự bứt phá liên tục thiết lập nên những kỷ lục mới của các nhóm ngành khác.
Việc phải đồng thuận giảm mạnh lãi suất cho vay từ giữa tháng 7 đến nay, cùng với các chính sách tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi phí, hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, cũng như những lo ngại về nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo theo áp lực trích lập dự phòng, khi thông tư 03/2021/TT-NHNN và thông tư 14/2021/TT-NHNN yêu cầu các nhà băng phải trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong vòng 3 năm, khiến ngành ngân hàng đối mặt khả năng suy yếu lợi nhuận.
Ngoài câu chuyện chia cổ tức, tăng vốn sẽ tiếp tục diễn ra, thường rơi vào giai đoạn cuối năm và đầu năm mới, cũng như câu chuyện riêng về việc thoái vốn công ty con, ký kết các sản phẩm bảo hiểm độc quyền tại một số nhà băng, ngành ngân hàng cũng đang xôn xao trước những đề xuất về khả năng nới tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài ở giai đoạn tới.
Trong khi đó, việc tăng trưởng quy mô kinh doanh cũng có những hạn chế nhất định, không chỉ từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang kiểm soát khá chặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của từng nhà băng, chỉ điều chỉnh tăng thêm theo từng quý, mà còn vì ảnh hưởng bởi nền kinh tế rủi ro khiến nhu cầu vay vốn của khách hàng cũng suy yếu hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Chẳng những vậy, việc tăng vốn mạnh mẽ liên tục gần đây dù giúp các nhà băng gia tăng nội lực tài chính, nhưng đồng thời cũng khiến cổ phiếu ngân hàng bị pha loãng và có thể càng làm suy giảm các hệ số sinh lời, khi lợi nhuận tăng trưởng không theo kịp với mức tăng vốn điều lệ.
Kỳ vọng sớm khởi sắc hơn
Dù vậy, trong những phiên gần đây, cổ phiếu ngân hàng đang cho thấy tín hiệu khởi sắc hơn, khi có những thời điểm trở thành trụ đỡ chính của thị trường. Thực tế một số tổ chức thời gian qua cũng khuyến nghị nên tích lũy dần cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu trung dài hạn, với định giá của nhóm cổ phiếu vua hiện đã hấp dẫn hơn so với một số nhóm ngành khác vốn đã tăng quá mạnh thời gian qua.
Trong khi đó, đối với nhà đầu tư, để VN-Index tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong thời gian tới, có lẽ không thể thiếu sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, với vốn hóa luôn chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index. Ngoài ra, chính vì chưa tăng được bao nhiêu trong những sóng tăng vừa qua của thị trường chung, cổ phiếu ngân hàng có thể trở thành món hàng hấp dẫn với những nhà đầu tư giá trị tìm kiếm các cổ phiếu đang bị định giá thấp so với thị trường chung.
Cũng cần biết rằng đợt đồng thuần giảm lãi suất cho vay bắt đầu từ giữa tháng 7 đến nay, mà đã ảnh hưởng không nhỏ lên hệ số biên lãi ròng (NIM) của nhiều nhà băng trong quý 3 vừa qua và có thể sẽ tiếp tục tác động lên kết quả quý 4 này, nhưng chính sách hỗ trợ dự kiến cũng chỉ kéo dài đến hết năm nay.
Đây là điều đồng nghĩa với việc mặt bằng lãi suất cho vay tại các nhà băng có thể trở lại mức bình thường từ đầu năm sau, khi đó lợi nhuận của nhóm này có khả năng quay trở lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu ngân hàng.
Chính vì vậy, với những nhà đầu tư muốn đi trước đón đầu, thường là các nhà đầu tư tổ chức với dòng tiền lớn, vốn cần phải có nhiều thời gian để gom hàng, có thể đã bắt đầu rót tiền dần vào nhóm cổ phiếu ngân hàng ngay từ lúc này để chuẩn bị cho những mục tiêu trung hạn.
Thống kê gần đây cũng cho thấy tự doanh của các công ty chứng khoán đã mua ròng 2,800 tỷ đồng trong tháng 10, mạnh nhất trong vòng 4 năm qua, trong đó tập trung mua ròng mạnh các cổ phiếu ngân hàng.
Ngoài ra, báo cáo hoạt động tháng 10 của quỹ Pyn Elite Fund công bố mới đây cho thấy, quỹ này cũng mua ròng mạnh cổ phiếu ngân hàng trong tháng vừa qua. Cụ thể, ngoài cổ phiếu VHM có tỷ trọng lớn nhất, đứng thứ 2 trong danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund là TPB với tỷ trọng 12.1%, tiếp theo là CTG với tỷ trọng 9.7%, tăng đáng kể so với mức 8.6% trong tháng trước đó. Ước tính vào cuối tháng 10, Pyn Elite Fund nắm giữ khoảng 61.9 triệu cổ phiếu CTG, tăng khoảng 8.5 triệu cổ phiếu so với tháng trước đó.
Đáng lưu ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang kỳ vọng sẽ có thêm những chất xúc tác mới trong giai đoạn tới. Ngoài câu chuyện chia cổ tức, tăng vốn sẽ tiếp tục diễn ra, thường rơi vào giai đoạn cuối năm và đầu năm mới, cũng như câu chuyện riêng về việc thoái vốn công ty con, ký kết các sản phẩm bảo hiểm độc quyền tại một số nhà băng, ngành ngân hàng cũng đang xôn xao trước những đề xuất về khả năng nới tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài ở giai đoạn tới.
Cụ thể, gần đây có nhiều ngân hàng và chuyên gia đã đề xuất rằng, những ngân hàng đã hoàn thành Basel II, đang nâng cao lên Basel III có thể được nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30%, để tạo thêm cơ hội cho tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại, gia tăng nội lực tài chính và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Hiện tại, theo Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/02/2014, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài: Cá nhân nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ; Tổ chức nước ngoài không quá 15% vốn điều lệ; Nhà đầu tư chiến lược không quá 20% vốn điều lệ; Nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ.
Nếu có thể được tăng room sở hữu nước ngoài trong giai đoạn tới, cổ phiếu ngân hàng sẽ trở nên thật sự hấp dẫn, nhất là với kỳ vọng thị trường Việt Nam sớm được nâng hạng trong thời gian tới, những cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng rõ ràng sẽ là món hàng không thể thiếu trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp